Bộ Công Thương vừa gửi các bộ, ngành lấy ý kiến về sửa đổi, bổ sung dự thảo nghị định 95 kinh doanh xăng dầu.
Nêu quan điểm sửa đổi quy định liên quan đến đề nghị giao một đầu mối quản lý đối với xăng dầu, Bộ Công Thương đưa ra ba phương án gồm: giữ nguyên như quy định hiện hành, tức là nhiều bộ ngành cùng quản lý xăng dầu; hai đề xuất mới là giao hoàn toàn về Bộ Tài chính quản lý hoặc giao hoàn toàn về Bộ Công Thương quản lý.
Lo Bộ Tài chính quản lý xăng dầu bất ổn nhưng vẫn muốn giao về
Với phương án giữ nguyên, Bộ Công Thương cho rằng có bất cập là khi có vấn đề phát sinh lại cần sự phối hợp giữa các bộ ngành để cùng xử lý.
Với phương án giao về Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cho rằng việc điều hành giá tách xa việc điều hành cung cầu, nên có thể có những bất ổn. Ngược lại nếu Bộ Công Thương quản lý thì lại không đảm bảo sự phù hợp, dẫn tới chồng chéo.
Trên cơ sở các phân tích, Bộ Công Thương đề xuất lựa chọn phương án giao toàn bộ việc điều hành giá, tính toán chi phí cho Bộ Tài chính. Bộ Công Thương sẽ phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) - cho rằng việc Bộ Công Thương đề xuất đưa quản lý xăng dầu sang Bộ Tài chính thực chất là “đá quả bóng trách nhiệm”.
Bởi trước đó tại kỳ họp Quốc hội tháng 10-2022, bộ trưởng Bộ Tài chính đã đề nghị giao toàn diện hoạt động xăng dầu cho Bộ Công Thương.
“Thực tế này cho thấy đang có tình trạng 'ông nọ đá sang ông kia'. Việc đề xuất giao toàn quyền tức là không cần phối hợp, hay có sự phối hợp nhưng một bộ chủ trì? Liệu có phải xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm nên bộ nào cũng ngại?” - ông Long đặt câu hỏi.
Theo ông, trên thực tế, quản lý giá xăng dầu đã trải qua nhiều giai đoạn. Cũng từng có thời kỳ Bộ Tài chính quản lý mặt hàng này, sau đó chuyển về Bộ Công Thương và ổn định đến nay.
Cứ đá bóng qua lại "là không nên"
Về đề xuất giao quản lý xăng dầu về Bộ Tài chính, ông Long cho rằng bộ này chỉ nắm về quy định thuế, cơ cấu tính giá. Trong khi cung cầu là chuyện không quản lý nên sẽ có khó khăn, “có thể bất ổn".
Việc điều hành giá xăng dầu đang được thực hiện 10 ngày/lần, trong khi giá điện đã có quy định về cơ chế điều chỉnh, tối thiểu là 6 tháng/lần.
Đánh giá về việc điều hành của Bộ Công Thương thời gian qua, ông Long cho rằng về cơ bản đáp ứng. Tuy vậy trong năm 2022, thị trường có nhiều yếu tố dị biệt, khó dự đoán, biến động giá lên xuống có thời điểm tới 10 USD/thùng, nên rất cần sự phối hợp chủ động của các bộ ngành liên quan.
Vì vậy, ông Long cho rằng Bộ Công Thương vẫn nên chịu trách nhiệm chính trong quản lý điều hành xăng dầu nhưng cần phải tăng sự phối hợp chủ động giữa các bộ ngành liên quan để phù hợp thực tiễn, sát thị trường hơn.
Trong khi đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia tài chính - cũng đồng tình việc không nên giao toàn bộ quyền quản lý xăng dầu cho Bộ Tài chính. Bởi lẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu mang đặc thù của hoạt động thương mại.
Từ việc xuất nhập khẩu, quản lý cung cầu thị trường, quan hệ mua bán với nhà máy lọc dầu trong nước, Bộ Công Thương đều quản lý. Bản chất, đây là khâu tổ chức thương mại, là hoạt động bán lẻ, nên vẫn phải do Bộ Công Thương quản lý.
Tuy nhiên, ông cũng khuyến nghị các bộ ngành cần có sự phối hợp chủ động, đặc biệt trong điều kiện thị trường bất ổn như năm 2022, tránh tình trạng quả bóng đá đi đá lại “là không nên”.
Kỳ điều hành giá xăng dầu được đề xuất điều chỉnh 7 ngày/lần vào thứ năm hằng tuần nhằm phù hợp với biến động giá thế giới.
Xem thêm: mth.33935645180103202-hnihc-iat-ob-ev-yad-noum-ial-gnouht-gnoc-ob-uad-gnax-yl-nauq/nv.ertiout