Phó tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn vừa ký văn bản phát động phong trào thi đua năm 2023 với chủ đề "siết chặt kỷ cương, tăng cường hiệu quả".
Theo đó, chương trình thi đua năm nay nhấn mạnh yêu cầu ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" và xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên có sai phạm.
Công tác thanh tra, kiểm tra phải đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm; đảm bảo tiến độ, chất lượng thanh tra. Việc chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự theo đúng quy định.
Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu tăng cường thanh tra công tác quản lý nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao, tập trung vào các ngành, lĩnh vực, địa phương phát sinh nhiều vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, dư luận có nhiều ý kiến.
Văn bản dẫn ra các lĩnh vực, cá loại các dự án theo hình thức BOT, BT; dự án hạ tầng giao thông; đầu tư xây dựng, quản lý sử dụng đất đai; khai thác tài nguyên, khoáng sản; cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; việc mua bán, chuyển nhượng, mua sắm tài sản công; tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, đầu tư nước ngoài, công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ... cần được thanh tra lưu tâm.
Theo kế hoạch công tác năm 2023, ngành thanh tra đặt mục tiêu phải thực hiện có hiệu quả các đoàn thanh tra trong việc cấp phép, khai thác khoáng sản làm nguyên vật liệu xây dựng thông thường; việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở; các dự án, công trình và việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại khu vực đô thị…
Đặc biệt là cuộc thanh tra chuyên đề việc chấp hành pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và sử dụng nguồn tiền từ trái phiếu doanh nghiệp theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Năm 2023 sẽ thanh tra chuyên đề việc chấp hành pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh minh hoạ: PLO |
Thanh tra các dự án, công trình và việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại khu vực đô thị theo Nghị quyết số 116/2019 của Chính phủ. Thanh tra chuyên đề quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng.
Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Thanh tra Chính phủ yêu cầu tập trung thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhất là công tác kê khai tài sản, xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong việc cung cấp thông tin phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng, tiêu cực cao. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ yêu cầu tiếp tục triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tập trung tham mưu giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85% và tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật đạt tỷ lệ trên 90%.
Theo báo cáo tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Thanh tra, trong năm 2022, toàn ngành đã triển khai hơn 8.500 cuộc thanh tra hành chính và hơn 222.600 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành;
Đồng thời tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận và quyết định xử lý về thanh tra; thu hồi 3.440 tỉ đồng (đạt tỷ lệ 52%), 32 ha đất; xử lý hành chính 4.052 tổ chức, gần 9.300 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 132 vụ, 181 đối tượng; khởi tố 12 vụ, 22 đối tượng.