Tôi khẽ cười đáp: "Con đặt vé xe khách rồi má. Hai mươi bảy Tết con về". Má cười tươi, nét mặt phảng phất niềm vui.
Bến xe khách những ngày giáp Tết ồn ã một cách kỳ lạ. Ai cũng nôn nao về quê, tranh thủ mang theo ít quà Tết, gói ghém biết bao nỗi niềm để quay về sum vầy cùng gia đình.
Tôi thường lặng lẽ ngồi một mình cạnh gốc mai giả vàng rực treo lủng lẳng mấy bao lì xì đỏ tươi, chờ đợi chuyến xe về quê, tranh thủ ngắm nhìn mọi người tất bật qua lại.
Tết như đang đến thật gần, khi những người xa quê như chúng tôi quyết định quay trở về nhà.
Đó dường như là nỗi niềm chung của tất cả mọi người, vì dù đi xa đến đâu, ai cũng mong muốn được sum vầy cùng bố mẹ, người thân và gia đình vào những ngày đầu xuân.
Xe chuẩn bị lăn bánh về miền Tây, tôi vẫn tranh thủ mua giúp bà lão bán dạo ở bến xe một vài chiếc bánh nhỏ.
Chỉ vì nghe giọng bà năn nỉ tha thiết: "Con mua giúp để chiều bà còn về quê, mua đồ cúng cho tía má của bà. Từ ngày tía má bà mất đi, bà chỉ ngóng trông mấy ngày trước Tết, để cúng tưởng nhớ ông bà. Còn tía còn má là còn Tết con ơi".
Tôi nghe bà nói mà khóe mắt cay cay, chỉ biết khẽ gật đầu cảm thông.
Sực nhớ đến câu chuyện của chị bạn thân, đang định cư ở nước ngoài. Bao giờ cũng thế, chị vẫn thường ngậm ngùi kể:
"Những năm cha mẹ chị còn, Tết về anh em, con cháu quây quần đón xuân. Vài năm nay, cha mẹ chị đã mất nên chỉ cần bước chân xuống sân bay, chị đã thấy lòng lạc lõng, thiếu hụt.
Bước chân về nhà, dẫu vẫn là ngôi nhà xưa, anh chị em đủ đầy, nhưng vắng cha mẹ, chị cứ thấy đau xót, buồn thương. Chị em mình chung cảnh xa quê, em nên thường xuyên về nhà ăn Tết cùng cha mẹ. Chẳng biết, mình còn được ăn cùng cha mẹ bao nhiêu cái Tết nữa".
Mấy lời giản đơn của chị kỳ lạ thay, lại khiến tôi thấm thía vô cùng.
Sực nhớ khoảng thời gian trước đây, khi chị em chúng tôi chưa lập gia đình, dù có đi làm xa nhưng má không hề nhắc. Cũng bởi, má biết nghỉ Tết rồi thì chúng tôi sẽ lại về nhà quây quần bên má, bên ba.
Cả năm đi đâu cũng được, Tết phải về
Má hay nói: "Ừ! Cả năm đi đâu cũng được nhưng Tết phải về ăn bữa cơm gia đình cuối năm, rồi đầu năm. Vậy cũng gọi vẹn tròn, đông đủ một năm". Chúng tôi hay cười: "Má cứ lo xa. Tụi con làm việc ở cách nhà vài trăm cây số. Về mấy hồi". Má không đáp nhưng mắt lại xa xăm...
Hóa ra cái lo xa của má không hề vô lý. Chị em tôi lập gia đình, xuôi về nơi khác. Đứa đông, đứa tây cứ thế mà miệt mài bươn chải. Chúng tôi hay mượn cớ công việc bận rộn rồi gia đình riêng, mà lãng tránh việc về thăm ba má.
Những cuộc sum vầy đông đủ cùng cả nhà cứ thưa dần, cứ gặp đứa này thì lại thiếu đứa kia. Ngôi nhà tưởng chừng như đông đúc đó bây giờ chỉ có hai ông bà. Ba nhìn má, má nhìn ba nén tiếng thở dài ngó ra đầu ngõ, mà trông ngóng các con.
Đó cũng là lý do mà Tết nào má tôi cũng gọi điện thoại cho từng đứa, nhắc chừng: "Tết, mùng mấy bây về?".
Đôi lần bực mình, chúng tôi lại càm ràm: "Thì con sắp xếp được mới về chứ má. Con cũng có gia đình riêng, công việc rồi khách khứa… Đâu phải cứ muốn là đóng cửa về ngay được". Giọng má chùng xuống: "Ừ! Tao cũng hỏi chừng chừng tụi bây vậy thôi...".
Thế mới hay, nước mắt muôn đời chảy xuôi. Những đứa con trưởng thành từ vòng tay cha mẹ đôi khi cứ mải mê tìm kiếm niềm vui ở đâu đó trong thế giới phồn hoa tất bật ngoài kia, mà quên rằng hạnh phúc thật ra rất đơn thuần. Một lần trở về cùng cha mẹ, ngồi bên nhau quây quần bên mâm cơm đoàn viên, đã là hạnh phúc.
Dẫu đi thật xa, con người ta vẫn cần nơi để trở về. Như lần trở về của tôi sau vài năm bận rộn và cách ngăn do dịch bệnh. Vừa đến đầu làng, tôi đã thấy lòng mình nao nao khi nhìn thấy bóng dáng thân thuộc của ba má. Tôi ôm chặt má, cầm bàn tay chai sạn của ba, cứ thế mà thút thít, mặc cho má la: "Bây lớn rồi mà còn khóc nhè".
Những ngày ở quê là chuỗi ngày tôi tìm lại chính mình sau một năm tất bật với công việc. Cũng bởi, phố thị ồn ào, ngất nghểu nhà cao tầng đứng sát bên nhau nhưng dễ khiến con người ta cảm thấy bơ vơ, lạc lõng.
Về quê vào những ngày giáp Tết, nghe tiếng cười đùa của trẻ con hàng xóm phụ cha mẹ phơi lạp xưởng, bánh tráng… giữa khoảng sân đầy nắng, ngang qua bờ rào dâm bụt, len qua mấy chậu cúc đại đóa vàng tươi ngoài hiên, trở thành niềm vui của nhà mình.
Cổng nhà ai cũng rộng mở, chẳng cần bấm chuông, chỉ cần khẽ bước qua bờ rào, đã thấy cảnh xúm xít, quây quần của các bà, các mẹ, các chị cùng ngồi lại bên hiên nhà vừa chuyện trò vừa sên mứt, lột vỏ củ hành, lột hột vịt để dành kho thịt.
Chỉ ngồi một chút bên má và cô dì ở quê mà học hỏi biết bao điều hay thứ lạ để nấu nướng, bày biện nhà cửa. Tôi thấy mình hóa trẻ thơ, khi háo hức cùng ba dán những bông mai giả lên tường, lau chùi bộ lư đồng sáng choang, rồi lăng xăng xuống bếp phụ má kho nồi thịt kho, bày biện mâm cơm cuối năm.
Trưa ba mươi, ba mặc đồ chỉnh tề đứng thắp nhang cho ông bà. Má hay lẳng lặng đứng sau ba, khẽ nhìn tấm hình ông bà nội, ngoại trên bàn thờ, khẽ nói: "Ba má nhớ về ăn Tết với gia đình con nghen". Mùi hương trầm lảng bảng, nghe đâu đó bên sông tiếng ai đang gọi đò, chắc có người đang vội về nhà ngày cuối năm.
Sáng mùng một, chị Hai và mấy đứa em kế tôi cuối cùng cũng về nhà. Ba má tươi tỉnh hẳn. Cơm nước xong, má cười, thủng thẳng nói: "Ừ! Cúng ông bà, ăn bữa cơm đầu năm cùng ba má rồi tụi bây muốn đi đâu thì đi. Chơi đâu thì chơi. Ba má không cản. Ba má chỉ cần một ngày Tết tụi bây quây quần là đủ".
Ước muốn sum vầy của ba má hóa ra đơn thuần như thế. Chúng tôi nhìn nhau, rồi nhìn ba má cũng nở nụ cười mà chợt nghe lòng mình chùng xuống.
"Tết, mùng mấy bây về?", chẳng rõ câu nói này má còn có thể nhắc chừng chúng tôi thêm bao nhiêu lần nữa trong đời...
NGUYỄN THỊ HƯƠNG GIANG
Cảm ơn hơn 100 bạn đọc đã gửi bài Về nhà
Cuộc thi viết "Về nhà" là nơi để bạn đọc chia sẻ những cuộc trở về nhà - trở về gia đình yêu dấu của mình trong mùa xuân với những cuộc đoàn tụ đong đầy cảm xúc, để rồi từ đó ở lại hay ra đi rồi cũng hướng tới sống tốt hơn, chăm chút hơn cho gia đình và xã hội.
Cuộc thi dành cho mọi bạn đọc trong và ngoài nước. Bài viết không quá 1.200 chữ, ưu tiên kèm ảnh hoặc video giới hạn 5 phút..., gửi về địa chỉ email: venha@tuoitre.com.vn.
Giải thưởng Về nhà: 1 giải nhất: 20 triệu đồng; 1 giải nhì: 15 triệu đồng; 1 giải ba: 10 triệu đồng; 10 giải khuyến khích: mỗi giải 5 triệu đồng.
Thời gian nhận bài dự thi: từ 3-1 đến hết ngày 1-3-2023.
Tính đến ngày 8-1, cuộc thi đã nhận được hơn 100 bài dự thi. Cảm ơn các bạn:
phanh dang, loan nguyen, Nguyễn Hà Tiên, Trang Nguyễn Thị Thùy, thai hoang, Thu Hien, Chung Thanh Huy, ngoc thach, Mỹ Châu Nguyễn Thị, Nguyễn Tấn Lộc, Thu Vũ, Tanthoi Le, tam tranvan, Hiển Bùi, Tuan Bui thanh, Dương Lê Đức, Bình Nguyễn Thanh, TCKT_ To Uyen-SPC, Phương Thảo Nguyễn, Lê Thảo, Ngọc Dung Huỳnh, Hiếu Nguyễn Văn, Hiếu Nguyễn, Nguyễn Thị Diệu Phước, Lê Quốc Kỳ, Trang Chu, Xuân Nguyễn Duy, Hương Giang Nguyễn Thị, Hiệp Trinh, Chí Nguyên Trần, Hà Thu, Tha Trương, Nhu Tran, Thảo Nguyễn Hoàng, Quoi Tran, Trisha Võ, Nhung Mai, Dũng Mai Đức, Pham Trang, Thương Hoàng, Can Dung, Thanh Lê, Thị Tâm Nguyễn, Đào Nguyễn, Minh Huyền Vũ Thị, Long Trieu, Nga Cao, 32.Trần Khánh Vy FK9, Nẻo Về Thiện Lành, Em Nguyên, Nhung Lê Thị, Bích Hà, Lê Minh Hải PT, Nguyễn Oanh, Hà Trần, Thảo Nguyễn Hoàng, cương kim, Đinh Trung, MAP MINH, Thành Đồng Nguyễn, Kim Hà Trần, Nguyễn Quốc Vỹ, Lê Văn Lượng...
BAN TỔ CHỨC
Ở quê tôi, cứ đến tháng chạp, cho dù có bận bịu cách mấy thì việc canh ngày để lặt lá mai luôn là chuyện phải ưu tiên hàng đầu. Bởi năm nào thiếu hoa mai thì coi như cái Tết đó khó mà trọn vẹn, đủ đầy.
Xem thêm: mth.16251519180103202-ev-yab-tet-yam-gnum/nv.ertiout