Theo Quy hoạch điện VII Điều chỉnh, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016, Việt Nam sẽ phát triển 800 MW điện gió vào năm 2020, chiếm khoảng 0,8% tổng nhu cầu điện khi đó. Mục tiêu là phát triển 2.000 MW điện gió vào năm 2025 và 6.000 MW vào năm 2030. Dự thảo Quy hoạch điện VIII (đang được hoàn thiện) đã đưa mục tiêu phát triển điện gió lên tới trên 11.000 MW vào năm 2025… Bản đồ Gió Toàn cầu (Global Wind Atlas) đã ước tính, hơn 39% diện tích của Việt Nam có tốc độ gió trung bình hàng năm trên 6 m/s ở độ cao 65 m và hơn 8% diện tích đất liền của Việt Nam có tốc độ gió trung bình hàng năm trên 7 m/s. Điều này tương ứng với tiềm năng tài nguyên gió là 512 GW và 110 GW. Tiềm năng kỹ thuật của điện gió trên bờ vào khoảng 42 GW phù hợp với dự án điện gió quy mô lớn.
Điện gió trên bờ của Việt Nam được chia thành 6 vùng. Công suất điện gió trên bờ đã được phê duyệt và đang trình bổ sung quy hoạch, dự kiến tới năm 2030 gồm: Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Trung Trung bộ, Tây Nguyên, Nam Trung bộ, Nam bộ. Bên cạnh đó, tiềm năng gió ngoài khơi lớn hơn nhiều so với tiềm năng gió trên bờ (do địa hình bờ biển dài và gió ngoài khơi thường có tốc độ cao, ổn định hơn). Hạ tầng cho điện gió ngoài khơi và lưới điện cũng ít bị hạn chế bởi vấn đề sử dụng đất. Tổng tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi của nước ta là khoảng 160 GW, trong đó Quảng Ninh (11 GW); Hà Tĩnh (4,4 GW); Ninh Thuận (25 GW); Bình Thuận (42 GW); Trà Vinh (20 GW)…
Các dự án điện gió mang lại tiềm năng lớn cho địa phương
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai - Lê Tiến Anh cho biết, khoảng 10 năm trước việc thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo rất thấp, gần như không có dự án nào thì đến giai đoạn này sẽ là điểm bứt phá của những dự án điện gió. Hiện nay, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đã và đang phát triển mô hình điện gió với quy mô lớn. Đây cũng là “điểm sáng” trong thu hút đầu tư từ nhiều năm nay. Trong đó, Gia Lai đang phát triển 17 dự án điện gió với tổng công suất 1.242,2 MW chiếm tổng vốn đầu tư hơn 43.442 tỷ đồng; Đắk Nông 6 dự án, tổng công suất 430 MW, vốn đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng.
Phó Giám đốc Công ty Cổ phần điện gió Ia Bang - Hồ Quý Tri Thức chia sẻ: “Nhà máy Ia Bang 1 (tại Gia Lai) được khởi công từ tháng 1/2021 có công suất 50MW gồm 12 trụ turbine gió (4,2 MW/trụ) với tổng mức đầu tư 1.955 tỷ đồng. Đến nay, nhà máy Ia Bang đã đưa vào sử dụng, đóng góp cho hệ thống điện quốc gia hơn 163 kWh/năm, phục vụ gần 25.000 hộ gia đình. Tây Nguyên có nguồn gió vô tận, xuất hiện tự nhiên, có thể tái tạo, điều này vừa tạo điện năng cho nền kinh tế đất nước vừa đem về hàng trăm tỷ đồng cho ngân sách các tỉnh. Những dự án điện gió tại Tây Nguyên, hiện tại có mức đầu tư từ vài nghìn tỷ đồng đến hàng chục nghìn tỷ đồng, các dự án đã góp phần giúp GDP các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông giữ vững mức tăng trưởng khá”.
Còn ông Ngô Hoàng Sơn - Giám đốc Công ty TNHH Công Nghiệp Hải Yến Bình Phước nhận định: “Với môi trường ở các tỉnh Tây Nguyên, điện gió có thể đạt công suất lên đến hàng chục nghìn MW với tốc độ gió đạt 6 m/s trở lên, những dự án lớn về năng lượng tái tạo như: Điện mặt trời, điện gió,… của các nhà đầu tư nước ngoài triển khai trên cả nước cũng là cơ hội việc làm hấp dẫn để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; Bên cạnh đó, để đạt được kết quả tốt cần phải có đội ngũ nhân lực kỹ thuật, chuyên môn cao. Nắm bắt được lợi thế đó, Công ty TNHH Công Nghiệp Hải Yến Bình Phước đã đầu tư, xây dựng, phát triển dịch vụ thi công điện gió và cũng nhận được sự tin tưởng của các chủ đầu tư.
Công ty TNHH Công nghiệp Hải Yến Bình Phước sẽ tiếp tục mở rộng mô hình cung cấp dịch vụ điện gió và điện công nghiệp trên toàn quốc
“Không chỉ các hạng mục điện gió, mà điện công nghiệp và trang trại nuôi, trồng tại Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai cũng đang phát triển rất rõ rét, vì tại đây có quỹ đất rộng. Với tiềm năng và thế mạnh tại địa phương, doanh nghiệp chúng tôi sẵn sàng thích ứng với môi trường và phát triển đa dạng các ngành như: Cung cấp tấm đan bê-tông cho các trang trại có quy mô lớn, nhỏ; Cung cấp tấm chống thấm; Phát triển điện công nghiệp và xử lý môi trường”, ông Sơn nói thêm.
Việt Nam với đặc điểm địa lý lợi thế, đường bờ biển trải dài hơn 3.000 km và khí hậu cận nhiệt đới gió mùa, đã được khảo sát và đánh giá có tiềm năng gió lớn trong khu vực. Việc xây dựng các nhà máy điện gió là một giải pháp hợp lý, đóng góp tăng đáng kể nguồn sản xuất điện của Việt Nam trong những năm tới.