Năm 2022, các quỹ ETF toàn cầu thu hút được thêm 867 tỷ USD vốn đầu tư, mức cao thứ hai trong lịch sử, chỉ sau kỷ lục đạt được năm 2021 là 1,29 nghìn tỷ USD, theo số liệu từ BlackRock. Con số này rất ấn tượng trong bối cảnh thị trường chứng khoán và trái phiếu toàn cầu có một năm nhiều “đổ vỡ”.
Nhìn kỹ hơn vào con số, các quỹ ETF tập trung vào thị trường trái phiếu chính phủ hút ròng 181 tỷ USD, nhiều hơn 3 năm trước đó cộng lại, theo số liệu của BlackRock. Trong khi dòng tiền trung bình chảy vào các quỹ ETF cổ phiếu có phần chững lại, còn 598 tỷ USD so với mức 1 nghìn tỷ USD năm 2021, thị trường chứng khoán mới nổi vẫn ghi nhận kỷ lục mới khi hút ròng 110 tỷ USD.
Một số lĩnh vực khác mang tính phòng thủ cũng đón nhận dòng tiền đầu tư chảy vào, ví dụ nhóm chăm sóc sức khoẻ (20 tỷ USD), đồ dùng thiết yếu (6 tỷ USD)…
“Bất chấp những khó khăn trong năm 2022, với việc thị trường chứng khoán và trái phiếu giảm 2 con số, thị trường ETF toàn cầu vẫn có quãng thời gian tốt đẹp. Đây là năm thứ hai ghi nhận dòng tiền rót vào ở mức kỷ lục. Đáng chú ý, nếu như năm 2021, thị trường chứng khoán đi lên và chúng ta có cái nhìn tích cực về môi trường đầu tư thì 2022 hoàn toàn trái ngược. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn tiếp tục lựa chọn ETF để ký gửi tài sản và đa dạng hoạt động đầu tư của mình”, Karim Chedid, người đứng đầu bộ phận chiến lược đầu tư của BlackRock cho biết.
Tất nhiên, không phải lĩnh vực nào cũng chứng kiến dòng vốn gia tăng. Các quỹ ETF trái phiếu liên quan tới lạm phát bị rút rọng 14,6 tỷ USD, nhóm quỹ ETF tập trung vào cổ phiếu tại châu Âu chứng kiến năm thứ 3 bị rút tiền liên tiếp, với mức rút 16,8 tỷ USD năm 2022.
“Các nhà đầu tư quay lưng với chứng khoán châu Âu khi khu vực này chịu ảnh hưởng bởi xung đột Nga – Ukraine, lạm phát ở mức cao và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn dự tính”, Rory Tobin, người đứng đầu Global SPDR ETF cho biết.
Dòng vốn ETF chảy vào các thị trường qua các năm |
Tại thị trường chứng khoán, việc các quỹ ETF tâp trung vào thị trường mới nổi tiếp tục nhận dòng vốn kỷ lục được xem là diễn biến bất ngờ. Bởi các thị trường chứng khoán mới nổi đang chịu nhiều áp lực tiêu cực từ chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ, đồng USD tăng giá…
Tuy nhiên, Karim Chedid cho rằng, nhiều nền kinh tế mới nổi đã tự gia cố thị trường trong nước trước tác động từ các yếu tố bên ngoài, trong đó có chu kỳ tăng lãi suất của Mỹ, nên nhà đầu tư vẫn kiên nhẫn rót vốn. Chưa kể, dòng vốn đổ vào thị trường Trung Quốc đã chiếm khoảng một nửa lượng vốn mới được rót vào.
Cụ thể, các quỹ ETF tập trung vào thị trường châu Á – Thái Bình Dương bơm hơn 52 tỷ USD vào riêng thị trường chứng khoán Trung Quốc.