Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam đứng thứ 3 khu vực ASEAN
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nêu bối cảnh năm 2020, toàn thế giới gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, suy thoái kinh tế chung. Trong bối cảnh đó Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thực hiện "mục tiêu kép": Phòng chống dịch, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân. "Trong thành công này, khoa học công nghệ có những đóng góp quan trọng", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định dẫn chứng: Năm 2020, kinh tế Việt Nam tăng trưởng dương 2,91%, là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) bình quân 5 năm đạt khoảng 45,2% (mục tiêu đề ra là 30-35%). Để phòng, chống COVID-19, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt 10 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia đột xuất.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao bằng khen của Thủ tướng ghi nhận đóng góp của Bộ Khoa học và Công nghệ. |
Các nhiệm vụ thực hiện nuôi cấy, phân lập virus SARS-CoV-2; sản xuất kit thử; nghiên cứu phát triển vaccine phòng COVID-19 Nanocovax đã được thử nghiệm lâm sàng trên người; Nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm thành công sản phẩm robot sử dụng tại các bệnh viện và khu cách ly; chiếu xạ khử khuẩn miễn phí thiết bị, vật phẩm y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch; phối hợp cùng các bộ, ngành xây dựng bản đồ vùng dịch sử dụng Vmap, phát hiện những người có nguy cơ lây nhiễm tại các điểm du lịch; xây dựng phần mềm khai báo y tế...
Trong năm 2020, chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam đứng ở vị trí 42/131 quốc gia, nền kinh tế, duy trì thành công thứ hạng đã đạt được năm 2019 và đứng thứ nhất trong nhóm 29 quốc gia, nền kinh tế có cùng mức thu nhập, đứng thứ 3 trong ASEAN, sau Singapore và Malaysia.
Thứ trưởng Lê Xuân Định cho biết thêm, các kết quả nghiên cứu cơ bản đã góp phần phát triển một số hướng ứng dụng liên ngành, đa ngành giúp tiếp thu, làm chủ các công nghệ tiên tiến phục vụ sản xuất và đời sống. Năm 2020, số lượng công bố quốc tế của Việt Nam tăng gấp 1,4 lần so với năm 2019. Việt Nam nằm trong Top 50 nền kinh tế đạt được tiến bộ đáng kể nhất trong bảng xếp hạng theo thời gian.
Nên đề xuất cơ chế vượt trội, tháo những điểm ách tắc
Chia sẻ tại hội nghị, ông Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao những đóng góp của khoa học, công nghệ đã giúp nâng giá trị gia tăng của nhiều sản phẩm nông nghiệp, mang lại lợi nhuận cao hơn. Thông qua các nhiệm vụ hợp tác, ứng dụng khoa học công nghệ, nông dân Đồng Tháp được hỗ trợ sử dụng thiết bị thông minh trong canh tác nông nghiệp. "Các thành tựu của ngành Nông nghiệp có vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo", ông Hoan khẳng định.
Ghi nhận những đóng góp của khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng, Thủ tướng đã tặng Bằng khen cho tập thể Bộ Khoa học và Công nghệ. Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao và ghi nhận sự chuyển biến trong hoạt động của Bộ Khoa học và Công nghệ, đã nhanh nhạy, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất (vaccine, kit thử, phòng chống dịch...). Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những tòa nhà chọc trời được thi công, những công trình lớn được xây lắp bởi những người Việt Nam cho thấy năng lực khoa học công nghệ của đất nước rất lớn.
Tuy nhiên, ông cũng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung nghiên cứu, đề xuất cơ chế vượt trội, tháo những điểm ách tắc và minh bạch hơn nữa trong cơ chế tài chính bởi nếu không thay đổi quan niệm "nghiên cứu khoa học phải có rủi ro" thì sẽ rất khó. Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được trong giai đoạn trước để thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, lấy doanh nghiệp làm trung tâm đổi mới sáng tạo. Bộ Khoa học và Công nghệ cần phấn đấu đi đầu trong công khai minh bạch để tạo cơ chế thúc đẩy sáng tạo trong cộng đồng những người làm nghiên cứu, trong đó tăng cường nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn.