Vô duyên và ác ý
Có ý kiến về những câu hỏi cho vấn đề khó nói, bạn đọc Thanh Tâm bày tỏ: Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi miền mỗi khác nữa. Tóm lại là không nên có thói quen hỏi những câu thừa thãi này cho không khí vui vẻ trong những ngày xuân.
"Phải thừa nhận văn hóa của mình đến năm nay, thời đại 4.0 mà vẫn tàn dư phong kiến trong việc quan niệm sinh con, lấy chồng lấy vợ", bạn đọc Thanh Tâm Viết thêm.
Đã có rất nhiều bạn trẻ cứng tuổi mà chưa lấy chồng, lấy vợ kể lại khi về quê nghỉ lễ, Tết thường bị người thân hỏi "như vỗ mặt": Bao giờ lấy chồng, bao giờ lấy vợ? Sao lâu quá mà không cưới?...
Những lúc như vậy, các bạn trả lời cũng khó mà không trả lời cũng khổ, bị mang tiếng vô lễ, bất kính với người làng, người thân.
"Tôi biết có nhiều người thân hỏi như thế là thể hiện sự quan tâm. Tuy nhiên sự quan tâm này không nên thể hiện thái quá. Ngoài ra có những người hàng xóm cũng hỏi nhưng như muốn mỉa mai mình, rất mất lịch sự. Ban đầu tôi còn trả lời, sau chỉ cười cho qua", bạn đọc Ánh Trâm có ý kiến thêm.
Tương tự, bạn đọc Minh Anh cho biết mình đã từng chứng kiến những tình huống hỏi dồn ép, hỏi vô duyên, nói những câu rất xóc óc chứ không phải là "câu hỏi thay cho lời chào xã giao".
"Tôi ví dụ có một lần tôi bắt gặp mọi người hỏi dồn một chị: Có tin vui gì chưa? Sao không đẻ đi cho rồi? Sợ đau à? Hay là bị tịt rồi?
Ham làm giàu chi cho lắm, đẻ đi cho có tiếng trẻ vui cửa vui nhà. Gặp nhau ngày Tết vui đâu không thấy, chỉ thấy cạnh khóe nhau, hỏi những câu không có tế nhị gì thì dễ sinh ra mất lòng nhau lắm", bạn đọc Minh Anh kể lại.
Xin giữ phép lịch sự
Cùng có ý kiến về việc hỏi thăm nhau chuyện lấy chồng lấy vợ trong những ngày đầu xuân nhưng bạn đọc Anh Tú có cái nhìn nhẹ nhàng hơn với những ý kiến trên.
"Bị hỏi những điều như vậy, tôi thấy có chi đâu mà sợ. Các bạn trẻ quá nhạy cảm rồi. Nếu ai hỏi khi nào cưới thì bảo ngày mai, còn hỏi lương thì bảo bí mật! Thế thôi cho qua chuyện, có gì đâu", bạn đọc Anh Tú nêu ý kiến.
Không đồng tình với bạn đọc Anh Tú, bạn đọc Mai Anh phản hồi: Không thể nói hỏi như thế là không gây phương hại cho người đối diện. Bởi khi người ta lớn tuổi, chưa lập gia đình hoặc đã lập gia đình lâu mà chưa có con thì đều có lý do tế nhị cả.
Do đó, đã là lý do tế nhị thì không nên hỏi, đề cập về những điều mà người khác không muốn được hỏi và không muốn trả lời. Trước khi hỏi thăm nhau thì nên suy nghĩ kỹ chứ hỏi thăm người khác mà để người ta không vui thì vô nghĩa.
Đồng tình với ý kiến trên, bạn đọc Minh Hằng cũng cho rằng người Việt mình có cái tật là nhiều khi quan tâm nhau, quan tâm đến những chuyện riêng tư của người khác quá mức cần thiết, thành ra đôi khi trở nên bất lịch sự.
Theo bạn đọc Hằng, để những câu chuyện vui vẻ ngày xuân thì khi gặp nhau mọi người không nên hỏi thăm nhau về những điều quá ư riêng tư. Thay vào đó hãy nhắc lại những kỷ niệm đẹp của những mùa xuân xưa, những món ăn yêu thích, những nơi cần đi du lịch… hay việc làm bánh, làm mứt.
"Mỗi dịp về Tết tôi không bị mọi người hỏi chuyện cưới xin nhưng thường bị vặn vẹo: Làm khá không cháu? Lương cháu được bao nhiêu? Tôi trả lời lương thấp cho qua chuyện thì dường như mọi người cười mỉa mai mình. Thật khổ!", bạn đọc Minh Hằng kể thêm.
Bạn quan tâm và muốn chia sẻ thêm điều gì về vấn đề trên? Bạn có bao giờ gặp phải tình huống tương tự, những câu hỏi mà "không muốn trả lời" như trên?
Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... mời bạn gởi đến PHẢN HỒI TRONG NGÀY qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết.
ĐỨC TUYÊN tổng hợp
Xem thêm: mth.73051141111103202-a-uad-os-ior-ohc-id-ed-gnohk-oas-ioh-uac-iov-mat-ohk-tet-yagn/nv.ertiout