Trong văn bản đề xuất cơ chế thí điểm "tạo động lực phát triển y tế", trong đó có xây thêm bệnh viện tư, người đứng đầu ngành y tế TP.HCM cho rằng hiện số giường bệnh của TP.HCM chỉ đạt 42 giường/10.000 dân. Con số này nếu so với nhu cầu khám chữa bệnh cho khu vực và so sánh với các nước phát triển vẫn còn rất thấp.
"Chưa kể, một số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối đang gặp khó khăn trong phát triển thêm nhiều kỹ thuật chuyên sâu do cơ sở hạ tầng quá chật hẹp, xuống cấp, nguồn kinh phí hạn hẹp" - ông Tăng Chí Thượng, giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhấn mạnh.
Chờ quá lâu, người bệnh bị lỡ "thời gian vàng"
Câu chuyện quá tải và thiếu thốn trang thiết bị hoặc trang thiết bị xuống cấp... chưa bao giờ "giảm nhiệt" tại các cơ sở y tế công lập. Đặc biệt sau dịch COVID-19, thực tế này lại càng bộc lộ.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ sáng 11-1 tại khu vực khám bệnh của Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Tai mũi họng... có rất đông người dân xếp hàng dài chờ bốc số đăng ký khám bệnh. Tại các khu vực dãy ghế chờ luôn chật cứng người ngồi, bảo vệ liên tục nhắc nhở "giữ an ninh trật tự".
Trong dòng người vật vạ chờ lượt khám bệnh tại Bệnh viện Ung bướu, bà T.P. (73 tuổi, ngụ tại TP Thủ Đức) vẻ mặt mệt mỏi, nói thều thào: "Tôi bị bệnh u tuyến giáp nhiều năm nay. Sáng ra phải tranh thủ dậy thật sớm đến bệnh viện bốc số thứ tự rồi chờ cho yên tâm". Dù bốc số từ lúc hơn 6h sáng nhưng mãi đến 10h30 cùng ngày bà mới đến lượt khám bệnh. Nhưng theo bà P., đây là lần khám nhanh nhất của bà.
Tương tự, ông P.V.S. (69 tuổi, quê Tây Ninh) cho biết ông phải dậy từ lúc 4h30 để kịp đến Bệnh viện Ung bướu thăm khám, lúc về tới nhà đã là giấc chiều.
"Thăm khám tại các bệnh viện tư nhân được cái nhanh nhưng chi phí đắt đỏ, người nghèo chúng tôi không có điều kiện. Người bệnh chúng tôi chỉ quen với ở đâu khám uy tín, giá cả vừa phải và chi trả được BHYT. Do vậy dù liên kết hay hợp tác gì, ngành y tế cũng nên chia sẻ và đáp ứng nhu cầu này cho người bệnh" - ông S. tâm sự.
Bệnh viện Ung bướu TP.HCM từ lâu luôn rơi vào tình trạng "căng thẳng" về lượng người đến khám chữa bệnh như trên. Ông Phạm Xuân Dũng - giám đốc bệnh viện - nói sự "căng thẳng" được hiểu là bệnh nhân còn phải chờ đợi ở khâu điều trị.
"Dù đã có nhiều biện pháp cải thiện nhưng bệnh nhân vẫn mất một thời gian chờ đợi. Rõ ràng với người bệnh, đặc biệt bệnh nhân ung thư, việc chờ đợi không nên xảy ra, bởi ít nhiều làm mất thời gian vàng điều trị" - ông Dũng khẳng định.
Ngoài bệnh nhân chuyển tuyến tăng (từ 75 - 82%), việc máy móc, thiết bị không đủ hoặc cũ kỹ không đáp ứng nhu cầu chuyên môn cũng khiến người bệnh ung thư phải đợi từ sáu đến tám tuần mới được xử lý, điều trị.
Không kham nổi
Cũng chính vì những lý do trên, Sở Y tế TP.HCM đã kiến nghị được quyền quyết định một số cơ chế chính sách nhằm thu hút nguồn lực xã hội, nhất là hệ thống y tế tư nhân tham gia phát triển thêm các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa kỹ thuật cao.
Trong đó cần có cơ chế, chính sách để TP.HCM giao đất cho hệ thống y tế tư nhân tham gia xây dựng thêm các bệnh viện mới, đặc biệt ưu tiên cho các chuyên khoa hiện đang quá tải tại các bệnh viện công lập như chấn thương chỉnh hình, ung bướu, tim mạch, thần kinh, mắt, tai mũi họng... với quy mô từ 300 - 500 giường/bệnh viện.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Tăng Chí Thượng khẳng định trong bối cảnh mới, đặc biệt là mục tiêu "xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao; phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ công nghệ thế giới và hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm sức khỏe khu vực ASEAN", ngành y tế TP.HCM cần phải huy động nguồn lực xã hội tham gia. Nếu chỉ dựa vào ngân sách nhà nước thì không thể kham nổi.
"Nhân lực các bệnh viện đầu ngành của TP hiện nay đều có năng lực chuyên môn rất giỏi, đủ sức tiếp cận phát triển các kỹ thuật mới nhưng sẽ rất khó bởi nguồn lực cơ sở hạ tầng và trang thiết bị máy móc không đáp ứng" - ông Thượng nói.
Đơn cử như Bệnh viện Chợ Rẫy, một bệnh viện tuyến cuối hạng đặc biệt ở TP.HCM, từng "đại diện" cho nhiều cơ sở y tế công lập nêu thực trạng chung là "chưa được đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại như thiết bị cận lâm sàng, xét nghiệm". Chưa kể, phần lớn các trang thiết bị đã cũ kỹ, xuống cấp, năng suất thấp, lạc hậu cả về chức năng lẫn tuổi thọ.
Điều này hoàn toàn trái ngược với các cơ sở y tế tư nhân là luôn đáp ứng hệ thống máy mới, cập nhật liên tục và bảo trì, bảo hành, đào tạo thường xuyên. Việc đầu tư như những bệnh viện tư nhân cho các bệnh viện công lập là điều "không thể", bởi vượt quá khả năng của các cơ sở y tế. "Nhưng nếu các bệnh viện công có được hệ thống đó, sẽ mang lại lợi ích tối đa trong khám chữa bệnh" - một giám đốc bệnh viện công ở TP.HCM khẳng định.
Còn ông Phạm Xuân Dũng cho rằng tâm lý chung của người bệnh khi đến bệnh viện là mong muốn được cung cấp các dịch vụ điều trị sớm. Việc "đáp ứng ngay nhu cầu" là điều cần thiết nhưng rào cản về cơ sở vật chất lẫn phương tiện trang thiết bị đôi lúc không cho phép.
Ông Dũng dẫn chứng việc đầu tư một hệ thống máy móc. Nếu y tế tư nhân thường được phê duyệt đầu tư rất nhanh khi điều đó có lợi thì ngược lại y tế công thường phải xem xét rất lâu, có khi phải kéo dài 3-4 năm mới được phê duyệt. Và lúc đó hệ thống máy đã lỗi thời.
Cũng theo đánh giá của ông Dũng, những năm gần đây chuyên môn kỹ thuật của ngành ung bướu tuy có phát triển nhưng chưa đáp ứng kỳ vọng. Đặc biệt trong việc chẩn đoán và điều trị sớm. Và muốn vậy, đòi hỏi phải có sự chung tay từ tư nhân trong việc đầu tư các hệ thống máy móc chẩn đoán mới hơn.
"Tôi hoàn toàn đồng tình với đề xuất này của Sở Y tế. Trong khả năng tiềm lực có hạn, không chỉ riêng y tế mà các lĩnh vực khác đều cần các nguồn lực của xã hội để thúc đẩy mọi việc. Tuy vậy, việc này cần phải có hành lang pháp lý rõ ràng, dựa trên sự điều tiết của Nhà nước" - ông Dũng nói.
Về tính khả thi của đề xuất, ông Thượng cho rằng về mặt nguyên lý là "rất ổn". Ông cho biết khi đề xuất này được công bố đã có nhiều chuyên gia từ hội hành nghề y tư nhân đồng tình. Sắp tới ngành y tế sẽ tổ chức hội thảo bàn sâu nhưng điều quan trọng cơ chế phải cho phép và từ cơ chế phải có một hướng dẫn cụ thể các nơi mới dám làm.
"Tôi ví dụ nếu y tế tư nhân có đất đai, có tiềm lực xây dựng cơ sở vật chất hiện đại và cần hợp tác công - tư thì các cơ sở y tế công lập với nguồn lực chuyên môn sâu sẵn có có thể hợp tác. Đó là một hình thức hoàn toàn hợp lý, làm sao trên cơ sở hợp pháp và có lợi cho cả ba bên gồm người bệnh - y tế tư nhân và y tế công lập" - ông Thượng chia sẻ thêm.
Cần phân định rạch ròi nhiệm vụ
Nói thêm về đề xuất trên, một lãnh đạo bệnh viện tư nhân tại TP.HCM cho biết việc liên kết y tế tư nhân với công lập là "rất ổn". Việc này sẽ giúp tối ưu hóa nguồn lực, tư nhân sẽ hỗ trợ các bệnh viện công lập về các vấn đề như cơ sở vật chất, trang thiết bị, giường bệnh...
Ở chiều ngược lại, tại các bệnh viện công lập sẽ hỗ trợ các bệnh viện tư nhân về con người. Đó là các bác sĩ có chuyên môn, tay nghề cao vận hành thiết bị tư nhân, tiện nghi hiện đại... Đồng thời, các bác sĩ công lập sẽ có thêm môi trường hiện đại phát triển thêm tay nghề, tạo uy tín và thương hiệu.
"Khi liên kết, nếu người bệnh có nhu cầu sẽ sử dụng dịch vụ. Dịch vụ cao được cấu thành bởi bác sĩ chuyên môn giỏi, cơ sở vật chất hiện đại. Việc liên kết này sẽ rút ngắn được thời gian chờ đợi, giảm tải tình trạng quá tải tại các bệnh viện" - vị này nói.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng - phó chủ tịch thường trực Hội Hành nghề y tư nhân (TP.HCM) - cũng khẳng định đề xuất của Sở Y tế là sự "mở lòng" về quan điểm trong việc đa dạng hóa đầu tư cho y tế nhằm chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng tốt hơn. Việc này gián tiếp thừa nhận sự đóng góp của y tế tư nhân trong hệ thống y tế chung của cả nước.
"Đây là hướng đi đúng trong xã hội hóa y tế. Nếu được chấp thuận, đây sẽ là tiền đề tiến tới sự công bằng trong đầu tư và chăm sóc sức khỏe người dân. Việc này tạo ra các điều kiện thông thoáng giữa các nguồn lực y tế. Đặc biệt là làm tăng hiệu năng, năng suất làm việc của bác sĩ" - bác sĩ Tùng nói.
Tuy nhiên, theo ông Tùng, việc liên kết cần phải phân định rạch ròi nhiệm vụ của các bên. Trong đó, Nhà nước chỉ nên xây dựng bệnh viện, còn tư nhân chịu trách nhiệm quản lý. Nên tránh hình thức tư nhân đầu tư trong bệnh viện công, bởi sẽ dễ hình thành nhóm "quyền lực" và "quyền lợi".
"Với hình thức này, Nhà nước chỉ cần quản về tài sản và chuyên môn. Còn việc quản trị và trách nhiệm xã hội do tư nhân phụ trách. Việc quản lý này đều được quy định rạch ròi bằng cơ chế thông qua chỉ số KPI và được kiểm toán độc lập", bác sĩ Tùng nói thêm.
Kỳ vọng trung tâm chẩn đoán sớm với công nghệ cao
Song song với đề xuất nêu trên, ngành y tế TP.HCM đang hướng đến xây dựng trung tâm y tế chuyên sâu khu vực phía Nam và Đông Nam Á, tiền đề là xây dựng trung tâm tầm soát và chẩn đoán bằng công nghệ cao.
Và để hiện thực hóa được mục tiêu này, ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - kêu gọi tư nhân tham gia đầu tư.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thoa - trưởng phòng nghiệp vụ y (Sở Y tế TP.HCM) - cho biết trung tâm tầm soát và chẩn đoán sớm bằng công nghệ cao sẽ hoạt động theo mô hình "bệnh viện trong ngày chuyên về kiểm tra sức khỏe" nhằm phát hiện sớm nhiều bệnh khác nhau, nhất là bệnh ung thư. Từ đó can thiệp sớm mang lại hiệu quả điều trị cao.
Đặc biệt, việc hình thành trung tâm được đánh giá là có tính khả thi khi chuyển đổi công năng cơ sở cũ của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM (sau khi bệnh viện dời sang địa điểm mới).
Trung tâm sẽ liên kết chặt chẽ với các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của TP.HCM trong tổ chức các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân. Đa dạng hóa các hình thức kết hợp giữa các bệnh viện với trung tâm nhằm tối ưu hóa sự phối hợp giữa các chuyên khoa trong công tác chẩn đoán, can thiệp điều trị ngay từ giai đoạn rất sớm, góp phần giảm tỉ lệ tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Để đáp ứng nhu cầu trên, các thiết bị chẩn đoán cao sẽ được ứng dụng như chụp cắt lớp CT, PET/CT giúp phát hiện sớm bệnh ung thư; chụp cộng hưởng từ (MRI), cộng hưởng từ mạch máu (MRA) giúp phát hiện sớm các tổn thương ở não, nhãn cầu, bệnh lý cột sống, u lành, u ác ở các cơ quan trong cơ thể, giải trình tự gene...
"Khi đi vào hoạt động, trung tâm sẽ đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân TP và cả khu vực phía Nam, góp phần làm giảm số lượt người dân ra nước ngoài chữa bệnh. Trung tâm cũng sẽ liên kết chặt chẽ với các công ty du lịch lữ hành nhằm cung ứng loại hình du lịch y tế kết hợp khám sức khỏe bằng công nghệ cao" - giám đốc Sở Y tế TP.HCM nói.
Dự kiến trong năm 2023, ngành y tế TP sẽ kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận việc cử nhân sự đi nghiên cứu, học tập ở các nước tiên tiến, làm tiền đề cho việc xây dựng đề án hình thành trung tâm giai đoạn từ nay đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
Thu hút bác sĩ, điều dưỡng nước ngoài
Sở Y tế TP.HCM kỳ vọng với sự hợp tác từ y tế tư nhân, trước tiên sẽ thành lập thêm cơ sở 2 của các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối góp phần giảm tải và nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh tại các bệnh viện.
Các bệnh viện này sẽ được xây dựng tại một vị trí khác (cơ sở 2). Trong đó, bệnh viện công sẽ cung cấp nhân sự chuyên môn lẫn thương hiệu, đồng thời mong muốn được quyền quy định một số cơ chế, chính sách theo loại hình hợp tác này.
Ngoài ra sẽ nghiên cứu thêm cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực chuyên môn (bác sĩ, điều dưỡng) từ nước ngoài tham gia cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh. Điều này tương tự Qatar, tư nhân xây dựng bệnh viện nhưng toàn bộ nhân viên chuyên môn từ Cuba đến làm việc.
Sở Y tế TP.HCM cho biết nếu so với nhu cầu khám, chữa bệnh trong khu vực và so sánh với các nước phát triển thì chỉ số giường bệnh của TP còn thấp, chỉ 42 giường/10.000 dân.
Xem thêm: mth.98224928021103202-ut-neiv-hneb-ueihn-meht-yax-noum-mch-pt/nv.ertiout