Ngoài đại diện của Trường HUFLIT cùng Trường Quân sự Quân khu 7, buổi họp báo còn có sự tham dự của nhân chứng là sinh viên quay đoạn clip tại Trường Quân sự Quân khu 7 gây xôn xao cộng đồng mạng.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, hiệu trưởng trường HUFLIT, nói ông hết sức bất ngờ trước thông tin sai sự thật, bịa đặt liên quan đến trường vào dịp cuối năm. Vụ việc xuất phát từ một video bị cắt ghép, lồng vào nội dung xuyên tạc.
Theo ông Tuấn, khi nhà trường gửi sinh viên đến Trường Quân sự Quân khu 7 để học thì nhà trường đã gửi trọn niềm tin, trách nhiệm cho Trường Quân sự Quân khu 7.
Sau khi biết được thông tin lan truyền trên mạng xã hội, nhà trường đã liên hệ với Trường quân khu 7 để nắm tình hình, ngay sau đó mọi việc đã được giải quyết ổn thỏa.
Tuy nhiên, trên mạng xã hội lại lan truyền mạnh thông tin xuyên tạc liên quan một clip của một sinh viên khác quay lại.
Trước buổi họp báo, vào sáng 12-1, đại diện Trường Quân sự Quân khu 7 đã làm việc với HUFLIT và có thông tin chính thức về sự việc.
Đại diện Trường Quân sự Quân khu 7 cho biết sinh viên Trường đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM tham gia học giáo dục quốc phòng và an ninh tại đơn vị.
Khoảng 21h30 tối 10-1, trong quá trình sinh hoạt tập thể, xảy ra tranh cãi nội bộ giữa hai nữ sinh viên. Do không làm chủ cảm xúc, một nữ sinh viên la hét và khóc lóc.
Sự việc đã được cán bộ quản lý tại trung tâm động viên giải quyết xong, không để xảy ra hậu quả gì. Sinh viên này cũng được trung tâm thông báo về cho gia đình, động viên để ổn định tâm lý.
Hiện nay, mọi hoạt động, quá trình giáo dục quốc phòng và an ninh tại Trường Quân sự Quân khu 7 vẫn diễn ra bình thường.
Trước đó, tối 11-1, trên mạng xã hội lan truyền một số video và hình ảnh chụp màn hình các đoạn tin nhắn, cho rằng một số sinh viên Trường đại học Ngoại ngữ và Tin học TP.HCM (HUFLIT) đã bị xâm hại khi học quân sự tại Trường Quân sự Quân khu 7 (TP.HCM).
Trên các trang Confession - một hình thức kênh chia sẻ ẩn danh trên Facebook - một số bài viết đã thuật lại câu chuyện trên, thu hút hàng chục ngàn lượt chia sẻ của cộng đồng mạng.
Hàng ngàn bài đăng khác đã "tam sao thất bản" diễn biến vụ việc khiến câu chuyện trở thành chủ đề "nóng" được quan tâm. Theo thống kê của Google, từ khóa "HUFLIT quân sự" ghi nhận đến hơn 200.000 lượt tìm kiếm trong chưa đầy 12 giờ qua.
Liên quan đến vụ việc nêu trên, sáng 12-1, Trường Quân sự Quân khu 7 đã làm việc với đại diện Trường đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM để phối hợp ngăn chặn, xử lý những thông tin sai sự thật đăng tải lên mạng xã hội.
Trước đó, sau clip phát tán cho rằng nữ sinh viên HUFLIT đang học giáo dục quốc phòng an ninh tại Trường Quân sự Quân khu 7 tự tử do bị xâm hại, trường đã yêu cầu các sinh viên có liên quan viết tường trình làm rõ sự việc, đồng thời chỉ đạo đơn vị tạm dừng huấn luyện lớp 23, Đại đội 6, Tiểu đoàn 3.
Nhà trường khẳng định những thông tin lan truyền trên một số trang mạng xã hội là thông tin sai sự thật, thất thiệt, xuyên tạc với dụng ý xấu. Đồng thời cho biết sẽ mời cơ quan chức năng vào cuộc xác minh những người chia sẻ, đưa tin sai sự thật và đề nghị xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Theo công văn của Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh, Trường quân sự Quân khu 7, thông tin clip lan truyền trên mạng xã hội liên quan Trường đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM (HUFLIT) là "thông tin thất thiệt, không đúng sự thật".