Sửa đổi Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 lần này, Bộ Công Thương đưa ra các phương án, có thể giữ nguyên như quy định hiện hành, tức là liên Bộ Công Thương - Tài chính cùng quản lý xăng dầu; hoặc giao hoàn toàn việc quản lý, điều hành giá xăng dầu về một trong hai Bộ Tài Chính hoặc Bộ Công Thương.
Bộ này đề xuất chọn phương án giao Bộ Tài chính điều hành giá, quản lý xăng dầu và Bộ Công Thương sẽ phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Cách đây hai ngày, Bộ Công Thương cho biết "đây chưa phải phương án cuối cùng được chọn để báo cáo Chính phủ, do đang trong quá trình lấy ý kiến".
Trong văn bản góp ý gửi Bộ Công Thương việc sửa đổi lần này, Bộ Tài chính cho rằng, một số nhiệm vụ thuộc điều hành giá xăng dầu như giám sát trích lập, sử dụng Quỹ Bình ổn giá; rà soát tính toán công bố các khoản chi phí định mức để tính giá cơ sở... nên thống nhất giao về một đầu mối là Bộ Công Thương.
Tức Bộ Công Thương sẽ là cơ quan chủ trì điều hành giá, cấp phép, quản lý các doanh nghiệp xăng dầu. Việc thống nhất một đầu mối quản lý, điều hành xăng dầu, theo Bộ Tài chính, nhằm tránh phát sinh những bất cập trong tổ chức thực hiện, và Bộ Tài chính chỉ thanh, kiểm tra theo quy định.
Do đó, cơ quan này đề nghị Bộ Công Thương chọn phương án giao đầu mối quản lý, điều hành xăng dầu là Bộ Công Thương để báo cáo Chính phủ.
Các chuyên gia, đại biểu Quốc hội đều cho rằng, giao một đầu mối quản lý, điều hành giá xăng dầu về Bộ Công Thương là hợp lý do phù hợp nội dung Luật giá đang sửa đổi và thực tế kinh doanh xăng dầu mang đặc thù của kinh doanh thương mại.
"Xuất nhập khẩu, quản lý cung cầu thị trường, quan hệ mua bán với nhà máy lọc dầu trong nước, tổ chức bán lẻ... đều do Bộ Công Thương quản lý. Do đó, giao cho Bộ Công Thương là phù hợp", PGS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, nêu.
Về Quỹ bình ổn, công thức tính giá cơ sở xăng dầu, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương chủ động đánh giá, rà soát và lấy ý kiến của các cơ quan liên quan, đối tượng chịu tác động để hoàn thiện, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
Tuy vậy, Bộ này đề nghị Bộ Công Thương bỏ nhận định cho rằng thiếu hụt xăng dầu vừa qua do cơ quan quản lý chưa kịp thời cập nhật, tính đúng, đủ chi phí kinh doanh trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu, khiến doanh nghiệp thua lỗ.
Bộ Tài chính lập luận, việc điều chỉnh các khoản chi phí định mức trong giá cơ sở được cơ quan này thực hiện thường xuyên, bảo đảm điều chỉnh theo kỳ công bố tại Nghị định 95/2021. Theo đó, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam đã được rà soát điều chỉnh 3 lần theo kết quả tổng hợp rà soát báo cáo chi phí thực tế phát sinh tại thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về cảng, Premium trong nước cũng được điều chỉnh 2 lần theo báo cáo thực tế của các đầu mối xăng dầu...
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Công Thương rà soát, đánh giá để giảm bớt số lượng khâu trung gian phân phối xăng dầu; đánh giá kỹ tác động chính sách, nguồn lực tài chính khi sửa đổi quy định về kinh doanh doanh xăng dầu, cũng như nghiên cứu quy định thù lao đại lý tối thiểu (mức chiết khấu tối thiểu) để các cửa hàng bán lẻ đảm bảo hoạt động, kinh doanh.
Hiện dự thảo sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến các cơ quan liên quan, trước khi tổng hợp, báo cáo Chính phủ. Theo quy định, Chính phủ sẽ quyết định cơ quan nào sẽ quản lý mặt hàng xăng dầu.
Anh Minh