Sáng 12-1, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo - PCTNTC) đã họp phiên thứ 23 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo.
Điểm đáng chú ý của phiên họp này là Ban Chỉ đạo đã quyết định biểu dương các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán cùng các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương có thành tích trong công tác PCTNTC năm 2022.
Thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo, ngay chiều cùng ngày, Ban Nội chính Trung ương – Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo đã tổ chức thông báo kết quả phiên họp 23.
Trước khi đi vào nội dung phiên họp, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học thay mặt Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo đã trao thưởng về thành tích báo chí với tám cơ quan báo chí theo danh sách sau:
Ban Biên tập tin trong nước - Thông tấn xã Việt Nam; Ban Xây dựng Đảng báo Nhân Dân; Phòng Chính trị - Ban Thời sự Đài truyền hình Việt Nam; Phòng Phóng viên - Ban Thời sự Đài Tiếng nói Việt Nam; Tạp chí Nội chính; Báo Thanh Niên; Báo Tuổi Trẻ TP.HCM; Báo Pháp Luật TP.HCM.
Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học (giữa) và đại diện tám cơ quan báo chí được Ban Chỉ đạo khen thưởng thành tích PCTNTC năm 2022. Ảnh: Phước H |
Đây là hoạt động thi đua, khen thưởng trong thời gian gần đây của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC. Dịp này năm trước, thay mặt Ban Chỉ đạo, lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương đã trực tiếp đến biểu dương, khen thưởng các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong danh sách được chọn.
Báo Pháp Luật TP.HCM - cơ quan chủ quản là UBND TP.HCM, đã dành nhiều quan tâm cho công tác PCTNTC. Ngoài điều tra, phản ánh, đấu tranh với các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực; theo đuổi, đăng tải quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các vụ án được dư luận quan tâm, điểm đáng chú ý là tờ báo dành sự quan tâm đặc biệt tới công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, trong đó có thể chế PCTNTC.
Từ rất sớm, trước khi Luật PCTN được ban hành năm 2005, báo Pháp Luật TP.HCM đã viết nhiều về cuộc điều tra xã hội học đầu tiên về tham nhũng ở Việt Nam, do Ban Nội chính Trung ương thời đó chủ trì thực hiện.
Báo cũng tuyên truyền có tính hệ thống quá trình triển khai Luật PCTN 2005, qua đó có nhiều bài viết phản ánh kết quả và hạn chế của công tác PCTN qua từng giai đoạn.
Từ khi Ban Chỉ đạo được tổ chức lại trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng ban, Pháp Luật TP.HCM thường xuyên có bài viết giới thiệu sâu về hoạt động của Ban Chỉ đạo, của Ban Nội chính Trung ương – Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo.
Báo có những bài viết sâu về phương thức lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTNTC, về quá trình hoàn thiện mô hình, cơ chế hoạt động, chức năng nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo và Ban Nội chính Trung ương.
Báo có những bài viết giới thiệu ý nghĩa sâu sắc của Hội nghị toàn quốc đầu tiên của các cơ quan nội chính, cả trước, trong, sau sự kiện này. Các bài tuyên truyền đậm nét quá trình nghiên cứu, đi đến mở rộng chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN sang phòng, chống suy thoái chính trị, đạo đức, lối sống. Có những bài viết tạo dư luận thuận lợi, ủng hộ cho việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTNTC.
Thời điểm tổng kết 10 năm công tác PCTNTC, khi dư luận xã hội có phần băn khoăn, lo lắng về những hiệu ứng không mong muốn khi Đảng đẩy mạnh công tác PCTNTC, lấy đây là nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Pháp Luật TP.HCM có những bài viết với thông điệp không chấp nhận thỏa hiệp với tham nhũng để lấy tăng trưởng kinh tế ngắn hạn.
Đáng chú ý, Pháp Luật TP.HCM là tờ báo dành nhiều quan tâm tới việc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Qua đó cho thấy công tác PCTNTC đang được đẩy mạnh một cách đồng bộ, bài bản.