Vụ giữ tài liệu mật của tổng thống Mỹ thêm rắc rối
* Bộ Tư pháp Mỹ chỉ định công tố viên đặc biệt điều tra vụ tài liệu mật của Tổng thống Joe Biden. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland tuyên bố ông Robert Hur - cựu công tố viên liên bang ở Maryland dưới thời cựu tổng thống Donald Trump, sẽ phụ trách điều tra việc xử lý tài liệu mật của ông Biden.
Công tố viên đặc biệt là một luật sư được chỉ định để xử lý một cuộc điều tra và bất kỳ vụ truy tố nào có thể phát sinh từ cuộc điều tra đó, nếu các cơ quan có thẩm quyền thông thường có xung đột lợi ích.
Việc bổ nhiệm diễn ra vài giờ sau khi Nhà Trắng xác nhận gói tài liệu mật thứ hai được ông Biden đưa ra khỏi Nhà Trắng, nhưng không đề cập đến nội dung các tài liệu này.
Trước đó, ông Biden lún vào rắc rối sau khi một số tài liệu mật từ thời ông còn làm phó tổng thống được phát hiện tại nhà riêng của ông ở bang Delaware và văn phòng của ông ở Washington.
Các đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội cũng nhanh chóng tuyên bố sẽ mở cuộc điều tra riêng và độc lập với cuộc điều tra của Bộ Tư pháp.
* Nga củng cố lực lượng để "giải phóng" thành phố Bakhmut. Ngày 12-1, Kênh Rossiya-1 TV dẫn lời ông Yan Gagin, cố vấn chính quyền thân Nga ở khu vực Donetsk, cho biết quân đội Nga sẽ dồn quân để tấn công thành phố Bakhmut (Nga gọi là Artyomovsk) nằm gần Soledar.
"Cả Soledar và Artyomovsk là chìa khóa để tiến công Kramatorsk và các nơi tiếp theo, gồm Slavyansk", ông Gagin nói, và cho biết Ukraine đang dồn quân về "pháo đài" Kramatorsk, Slavyansk.
Việc kiểm soát Soledar sẽ là bàn đạp để Nga tấn công trực tiếp vào Bakhmut. Chính quyền Donetsk nói rằng lực lượng Nga đang cắt các tuyến cung cấp cho lực lượng Ukraine tại Bakhmut và bao vây khu vực này.
* Ukraine khẳng định đang bám trụ ở Soledar. Trong tuyên bố mới nhất cuối ngày 12-1, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định lực lượng của nước này vẫn đang giữ vững vị trí tại thành phố chiến lược Soledar và gây "thiệt hại đáng kể" cho Nga.
Ngoài ra, quân đội Ukraine còn nói Nga đã thất bại trong việc phá sự phòng thủ của Kiev ở hướng Bakhmut.
Công ty quân sự tư nhân Wagner của Nga tuyên bố đã chiếm được Soledar, trong khi chính quyền thân Nga ở Donetsk nói chỉ còn sự "kháng cự nhỏ lẻ" tại thành phố mỏ muối này.
Matxcơva đến nay chưa tuyên bố chiến thắng ở Bakhmut. Hãng tin RIA dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga ngày 12-1 cho biết chiến dịch ở vùng Donetsk đang tiếp tục "thành công".
* Nga sắp mở rộng độ tuổi tòng quân. Ông Andrei Kartapolov, lãnh đạo Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Nga, cho biết Nga sẽ mở rộng độ tuổi tòng quân sớm nhất là từ mùa xuân năm nay. Đây là một phần trong kế hoạch của Matxcơva nhằm tăng số lượng binh lính lên 30%.
Tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ủng hộ Bộ Quốc phòng nước này đề xuất mở rộng độ tuổi phục vụ trong quân đội bắt buộc đối với các công dân Nga từ 21 đến 30 tuổi, thay vì chỉ từ 18-27 tuổi như hiện nay.
Tuy nhiên, ông Kartapolov nói rằng Nga không có kế hoạch tăng số lượng lính nghĩa vụ vì tuổi nhập ngũ tăng lên 21. "Số lượng lính nghĩa vụ chúng tôi có đang giảm đi hằng năm. Và con số đó sẽ không tăng lên", Hãng tin TASS dẫn lời ông Kartapolov nói, đồng thời cho biết thêm rằng con số dự kiến là khoảng 200.000 người.
Mỹ muốn cấm bán dầu chiến lược cho Trung Quốc
* Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cấm bán dầu chiến lược cho Trung Quốc. Ngày 12-1, Hạ viện Mỹ do Đảng Cộng hòa kiểm soát đã bỏ phiếu thông qua dự luật cấm bán dầu từ kho dự trữ dầu mỏ chiến lược của Washington cho Trung Quốc.
Tuy nhiên, dự luật này sẽ khó vượt qua ải Thượng viện do Đảng Dân chủ kiểm soát.
Hạ nghị sĩ Cathy McMorris, lãnh đạo mới của Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện Mỹ, cho biết dự luật này sẽ góp phần chấm dứt "sự lạm dụng kho dầu mỏ dự trữ chiến lược" của Tổng thống Joe Biden.
Tuy nhiên, theo thống kê của Reuters, tính đến tháng 10-2022, các công ty dầu mỏ của Mỹ đã xuất khẩu gần 67 triệu thùng dầu sang Trung Quốc. Trong khi cả năm 2020, khi ông Donald Trump của Đảng Cộng hòa nắm quyền, Washington xuất khẩu 176 triệu thùng sang Trung Quốc.
Vấn đề xuất khẩu dầu cho Trung Quốc đã trở thành tâm điểm tranh luận của Đảng Cộng hòa khi Tổng thống Joe Biden quyết định xuất 180 triệu thùng dầu từ kho dự trữ dầu mỏ chiến lược của Mỹ hồi năm ngoái để ngăn chặn đà tăng giá dầu.
* Kinh tế Mỹ có thể "hạ cánh mềm" trong năm 2023. Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế Kristalina Georgieva nhận định Mỹ có thể tránh suy thoái trong năm nay, và nếu có sẽ chỉ là suy thoái rất nhẹ.
Theo bà Georgieva, thị trường lao động Mỹ vẫn ổn định và nhu cầu của người tiêu dùng vẫn mạnh mặc dù lãi suất tăng để chống lạm phát.
Mới nhất, dữ liệu của Chính phủ Mỹ công bố ngày 12-1 cho thấy lạm phát ở Mỹ trong tháng 12-2022 xuống mức thấp nhất trong hơn một năm, báo hiệu đợt tăng giá tiêu dùng tồi tệ nhất có thể đã kết thúc.
* EU lên kế hoạch dự trữ thuốc. Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách dự trữ để chấm dứt tình trạng thiếu thuốc trên toàn khu vực và buộc các nhà sản xuất phải đảm bảo nguồn cung.
Ngoài ra, châu Âu cũng sẽ giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và tăng năng lực sản xuất trong nước, tờ Financial Times dẫn phát biểu từ Ủy ban châu Âu (EC).
Ngoài ra, chính sách mới cũng sẽ bao gồm các đề xuất cấm xuất khẩu khẩn cấp đối với các sản phẩm quan trọng chiến lược, một động thái dự kiến sẽ vấp phải sự phản đối quyết liệt của ngành dược phẩm.
Tình trạng thiếu thuốc diễn ra ở toàn bộ 27 thành viên EU và Anh, bao gồm những loại thuốc cơ bản như kháng sinh và giảm đau, trong bối cảnh các bệnh gia tăng vào mùa đông và Trung Quốc giảm xuất khẩu thuốc.
Hãy biết sợ lưỡi dao!
Nga bổ nhiệm chỉ huy mới cho chiến dịch tại Ukraine; Tập đoàn Nga tuyên bố "giải phóng Soledar"; WHO nói Trung Quốc báo cáo thấp số ca tử vong COVID-19... là một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng 12-1.