Hằng năm khoảng 21, 22 tháng chạp, nhiều hộ gia đình tại phường Đông Xuyên, TP Long Xuyên, An Giang nấu chè trôi nước trước ngày đưa ông Táo về trời. Đây là dịp buôn bán chè đặc biệt trong năm, vì thế bà con hàng xóm xúm xít chung tay ngày đêm với công suất tăng 500% để kịp đem chè ra chợ.
Cả xóm cùng nấu chè trôi nước
Phường Đông Xuyên có khoảng 10 hộ làm chè trôi nước và các loại chè khác truyền từ nhiều thế hệ. Mỗi dịp Tết về, cả xóm nhà nhà ngồi vo chè bên bếp lửa ấm, làm tăng thêm sự rộn ràng của mùa xuân.
Bà Lê Ngọc Trúc, phường Đông Xuyên, TP Long Xuyên, cho biết đã có hơn 20 năm làm nghề bán chè được kế thừa từ mẹ chồng.
"Tôi bán nhiều loại chè như chè đậu trắng, đậu xanh, khoai cao, chè trôi nước ngày chừng chục ký. Dịp rằm lớn trong năm, đặc biệt ngày 23 tháng chạp, lượng chè trôi nước khoảng 5.000 viên. Ngày thường chỉ khoảng 100 viên, các loại chè khác khoảng 200kg, làm tăng thu nhập đáng kể", bà Trúc nói.
Còn bà Trần Mỹ Hoa Huệ, ngụ Mỹ Xuyên, TP Long Xuyên, cho rằng ngày đưa ông Táo về trời đã thành thông lệ, người dân mua chè trôi nước nhiều.
"Chị em chúng tôi chung tay phụ giúp để kịp đem chè ra chợ phục vụ bà con. Chúng tôi có khoảng 10 người thay phiên nhau làm từ 4h sáng ngày 22 tháng chạp xuyên đêm đến rạng sáng ngày 23 là xong. Chị em có dịp ngồi với nhau vừa làm vừa nói chuyện, thấy không khí Tết cận kề rồi", bà Huệ nói.
Bí kíp nấu chè trôi nước thơm ngọt
Để làm chè trôi nước phải qua nhiều công đoạn. Nếp đem ngâm mềm, xay thành bột, vắt khô đến độ dẻo vừa phải để làm vỏ bánh. Muốn màu xanh đỏ tím thì trộn lá dứa, trái gấc, củ dền... vào bột trắng để viên chè thành phẩm nhiều màu bắt mắt. Nhân bánh thường làm bằng đậu xanh nấu chín, trộn với dừa nạo, nêm vừa ăn.
Các chị làm hoàn toàn bằng tay, lấy miếng bột nặn sao cho mỏng, tròn rồi đặt viên nhân đậu vào giữa, áo vỏ bột cho đều tay rồi vo tròn đều. Nồi nước trong veo đun sôi trên bếp lửa chờ sẵn, hai chị sẽ lấy viên chè vo sẵn nắn lại cho đều lần nữa rồi để vào nồi nước đang sôi. Đến khi viên chè nổi lên mặt nước bắt đầu chín, đợi thêm khoảng 5 phút vớt ra thau nước lạnh chờ nguội để các viên chè không bết dính vào nhau.
Cuối cùng vớt chè vào thau nước đường đã nấu sẵn vừa độ ngọt là thành phẩm. Để chè có mùi thơm, các chị xắt gừng thành sợi mỏng để vào, khi ăn cho thêm chút nước cốt dừa và đậu phộng.
Chè trôi nước ngày nay vẫn được khách ưa chuộng, là món ăn đặc sắc miền Tây không thể thiếu trong các dịp đám thôi nôi, đầy tháng và dịp Tết... góp phần tăng thu nhập cho bà con.
AT - Cứ mỗi lần trời bắt đầu se lạnh, báo hiệu mùa đông về, tôi lại nhớ nội tôi. Nhớ nhất là những đêm học khuya, nội đãi chúng tôi những viên chè trôi nước to bằng... cả nắm tay. Nhìn viên chè sóng sánh trong nước đường vàng sền sệt, đứa nào cũng muốn ăn cho nhanh, và cuối cùng đứa nào cũng mắc nghẹn ít nhất một lần...
Xem thêm: mth.4172526131103202-oat-gno-aud-pid-coun-iort-ehc-uan-gnuc-mox-ac/nv.ertiout