Mua gom nhiều nhà “đất vàng”
Theo cáo trạng truy tố của Viện KSND TP Hà Nội cho thấy, ông Nguyễn Thanh Thủy (ngụ phường Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội) và Nguyễn Thị Liên đã ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh đề ngày 20/3/2017 với nội dung cùng nhau góp vốn, đầu tư mua nhà đất tại số 296, 298, 300 phố Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng. Hai bên tạm tính giá trị hợp tác đầu tư là 200 tỷ đồng, mỗi bên góp 100 tỷ. Lợi nhuận sau đầu tư được chia theo tỷ lệ 50/50 (hợp đồng có luật sư Cao Văn Bình ký làm chứng).
Khu đất nằm trên phố Bà Triệu liên quan đến vụ án này
Ông Thủy đã viết các giấy nhận 50 tỷ từ vợ chồng Liên - Hiển đề ngày 2/4/2017 để “cùng nhau mua trả tiền cho các hộ dân tại 296, 298, 300 Bà Triệu” và Giấy biên nhận 50 tỷ đồng đề ngày 5/5/2017 để “thanh toán tiền mua BĐS tại số 296, 298, 300 Bà Triệu”.
Trong thời gian từ tháng 5 - 9/2017, ông Thủy đã mua gom được 11 nhà đất của 11 hộ dân tại 296, 298, 300 Bà Triệu (tổng diện tích hơn 300m2) và được Sở TN&MT cấp 11 sổ đỏ đứng tên ông Thủy.
Đồng thời, ông Thủy còn mua đất lối đi (qua hình thức vi bằng) cũng như đứng tên thuê, hoặc nhờ con gái đứng tên thuê hơn 100m2 nhà thuộc sở hữu Nhà nước (SHNN) tại địa chỉ trên.
Đến ngày 1/10/2017, ông Thủy đã ký Biên bản thanh lý hợp đồng với Liên - Hiển, nội dung “đồng ý chuyển nhượng lại 50% cổ phần, tương đương 100 tỷ đồng cho ông Hiển, bà Liên” (có luật sư Cao Văn Bình ký làm chứng). Ông Hiển, bà Liên có nghĩa vụ thanh toán cho ông Thủy 50% giá trị hợp tác kinh doanh, tương đương 100 tỷ. Ông Thủy có trách nhiệm hoàn thiện toàn bộ thủ tục để khối tài sản đầu tư là nhà đất tại 296, 298, 300 Bà Triệu chuyển sang ông Hiển, bà Liên theo đúng quy định (Biên bản có luật sư Cao Văn Bình ký làm chứng).
Cùng ngày, ông Thủy viết giấy nhận tiền 100 tỷ đồng của vợ chồng Liên - Hiển và nêu rõ “Nay, do thiếu nguồn vốn kinh doanh, tôi quyết định chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp đã mua nhà 296, 298, 300 Bà Triệu... Đồng thời, tôi sẽ làm hợp đồng công chứng toàn bộ sổ đỏ đã cấp cho tôi, chuyển sang cho chị Liên và chồng là anh Hiển. Tôi đã nhận nốt số tiền 100 tỷ đồng và bàn giao nhà cho chị Liên, anh Hiển”.
Một ngày sau (2/10/2017), ông Thủy đã ký 11 hợp đồng chuyển nhượng nhà đất tại số 296, 298, 300 Bà Triệu cho vợ chồng Liên - Hiển theo 11 sổ đỏ đã đứng tên, có công chứng của VPCC Nguyễn Tú.
Ngoài ra, ông Thủy còn ký đơn đề nghị chuyển quyền thuê nhà ở cũ thuộc SHNN liên quan các khu đất trên cho Liên - Hiển. Năm 2018, Hiển hoàn thành các thủ tục mua nhà ở cũ thuộc SHNN, chuyển đổi diện tích mục đích sử dụng chung, gộp các sổ đỏ tại số 296, 298, 300 và được Sở TN&MT hợp thành 4 sổ đỏ (tổng diện tích hơn 676m2).
Đến tháng 4 và tháng 5/2018, vợ chồng Hiển - Liên ký hợp đồng bán toàn bộ nhà đất trên cho ông Lê Hải An với số tiền ghi trên hợp đồng là 30 tỷ đồng.
Cần làm rõ một số vấn đề
Hơn 1 năm sau khi vợ chồng ông Hiển – bà Liên bán xong nhà đất, ngày 26/9/2019, ông Thủy có đơn tố cáo cho rằng mình đã bị vợ chồng Hiển - Liên lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt nhà đất tại số 296, 298, 300 Bà Triệu và hai căn nhà khác. Ông Thủy cho rằng mình chỉ nhờ Liên - Hiển đứng tên làm thủ tục mua nhà ở cũ thuộc SHNN, chuyển mục đích sử dụng chung và gộp các sổ đỏ; nhưng Hiển - Liên đã chiếm đoạt, bán cho người khác.
Ban đầu, Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội khởi tố Hiển - Liên để điều tra hành vi “Trốn thuế” do cho rằng vợ chồng này đã ghi số tiền chuyển nhượng trên hợp đồng không đúng giá trị chuyển nhượng thực tế cho ông An (gần 320 tỷ đồng). Sau đó CQĐT thay đổi tội danh sang “Lạm dụng tín nhiệm tài sản”.
Theo kết luận điều tra và cáo trạng, ông Thủy muốn mua nhà, đất thuộc SHNN, chuyển đổi diện tích đất sử dụng chung và làm thủ tục gộp các sổ đỏ nhà đất tại số 296, 298, 300 Bà Triệu nhưng do khó khăn trong việc làm giấy tờ nên đã nhờ Hiển đứng tên làm giúp.
Để hợp thức việc nhờ này, Hiển và ông Thủy thống nhất thực hiện ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh với Liên (do Hiển nhờ ký), viết các giấy nhận tiền góp vốn và chuyển nhượng lại phần vốn đã góp, ký các hợp đồng công chứng chuyển nhượng nhà đất tại số 296, 298, 300 với Liên và Hiển. Sau khi Hiển làm xong các thủ tục mua nhà, gộp sổ đỏ, đã bán toàn bộ cho ông An được gần 320 tỷ đồng để sử dụng cá nhân
Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát xác định tổng giá trị các thửa đất Hiển chiếm đoạt là 127 tỷ đồng. Liên có hành vi giúp sức cho Hiển. Tuy nhiên, Hiển cho rằng việc hợp tác đầu tư mua gom nhà đất với ông Thủy là có thật, cũng như có việc vợ chồng mình chuyển tiền 3 lần (tổng cộng 200 tỷ đồng) như 3 giấy nhận tiền ông Thủy đã ký.
Luật sư bào chữa cho Hiển cho rằng, không có chứng cứ thể hiện quan hệ chuyển nhượng nhà đất giữa ông Thủy và Liên - Hiển là “giả cách” bởi đều được thực hiện theo quy định, được công chứng viên công chứng. Việc cho rằng văn bản giấy tờ trên là “giả cách” mà chỉ dựa chỉ vào lời khai của ông Thủy là chưa khách quan.
Ngoài ra, cả Hợp đồng góp vốn và Biên bản thanh lý đều có luật sư Bình ký người làm chứng, đóng dấu văn phòng luật sư. Kết luận giám định cũng thể hiện chữ ký trong Hợp đồng hợp tác kinh doanh, Biên bản thanh lý hợp đồng và 3 giấy nhận tiền là chữ ký ông Thủy.
Ông Thủy cho rằng mình không thuộc đối tượng được mua nhà cũ thuộc SHNN và Hiển - Liên mua nhà đất thì thuận hơn. Tuy nhiên, LS lại cho rằng: “Không có quy định nào chứng minh nội dung này. Thực tế ông Thủy đã mua nhà đất và đứng tên 11 sổ đỏ trong khu vực này cũng không gặp vướng mắc gì. Toàn bộ 11 Hợp đồng chuyển nhượng nhà đất từ ông Thủy cho Hiển - Liên hiện vẫn có giá trị pháp lý và chưa hề bị cơ quan thẩm quyền tuyên bố vô hiệu do “giả cách”. Vì vậy đây là những vấn đề cần được làm rõ”, LS nói.
Xem thêm: lmth.472005-ueirt-ab-ohp-nert-gnav-tad-pahc-hnart-uv-ux-tex-ib-nauhc/hnid-pahp/nv.ylgnoc