Theo Đại tá Chu An Thanh, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế (Công an TP Hà Nội), trên địa bàn thành phố Hà Nội có 31 trung tâm đăng kiểm (1 trung tâm dừng hoạt động). Trong đó có 6 Trung tâm do Cục Đăng kiểm quản lý, 2 Trung tâm Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội quản lý, 3 Trung tâm do Tổng Công ty vận tải Hà Nội quản lý, 20 Trung tâm đăng kiểm tư nhân, xã hội hóa.
Qua công tác xác minh, điều tra, cơ quan Công an xác định có 10 trung tâm có sai phạm: 2 Trung tâm do Cục Đăng kiểm quản lý (2901V, 2906V), 2 Trung tâm Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội quản lý (3301S, 3302S), 1 Trung tâm do Tổng Công ty vận tải Hà Nội quản lý (2903S) và 5 Trung tâm đăng kiểm tư nhân, xã hội hóa (2914D, 2918D, 2923D, 2929D, 2901S).
Theo Công an thành phố Hà Nội, các vi phạm, sai phạm phổ biến ở các trung tâm có vi phạm là nhận hối lộ để bỏ qua các lỗi không đủ điều kiện đăng kiểm như: hệ thống phanh, tiêu chuẩn khí thải, đèn, trọng tải, phụ tùng đối với phương tiện vận tải không đạt tiêu chuẩn, lốp; đặc biệt là các phương tiện hoán cải trong công đoạn kiểm tra thủ công; nhập biển số xe, gắn cảm biến và tiến hành đo nồng độ khí thải của xe ô tô khác để cho xe ô tô thực tế đăng kiểm đảm bảo đủ tiêu chuẩn về khí thải và được thông qua kiểm định.
Bên cạnh đó, một số trung tâm sử dụng phần mềm để can thiệp vào hệ thống chỉnh sửa vòng tua, thay đổi thông số kiểm định khí thải đối với các phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn về khí thải; sử dụng phần mềm chỉnh sửa ảnh trên máy tính để hạ chiều cao thành thùng xe tải.
Kết quả đấu tranh, Công an thành phố Hà Nội phát hiện 9 vụ tại 10 trung tâm đăng kiểm, qua đó đã khởi tố 4 vụ với 18 bị can, để điều tra về tội nhận hối lộ.
Trong đó, 3 bị can là giám đốc trung tâm, 1 bị can là phó giám đốc trung tâm, 14 bị can là đăng kiểm viên. 5 vụ còn lại, Công an thành phố Hà Nội đã tạm giữ 57 đối tượng là các Giám đốc, Phó Giám đốc, Đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ. Số tiền thu lời bất chính xác định bước đầu khoảng 18,262 tỷ đồng.