Tín dụng sẽ tăng thấp hơn
Theo thông tin Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng chia sẻ tại hội nghị trực tuyến ngày 3/1, dư nợ tín dụng năm 2022 ước tăng 14,5% so với đầu năm. Ước tính, hệ thống ngân hàng đã bơm ra nền kinh tế hơn 1,5 triệu tỷ đồng trong năm 2022 - mức tăng lớn nhất từ trước đến nay xét về giá trị tuyệt đối.
Trong năm qua, các ngân hàng đã đẩy mạnh cho vay ngay từ nửa đầu năm, khiến hệ thống cạn room (hạn mức) tín dụng được cấp. Suốt nhiều tháng sau đó, thị trường bị đứt gãy tín dụng, các nhà băng và doanh nghiệp đều trông chờ vào quyết định nới hạn mức của NHNN để giải tỏa "cơn khát" vốn. Dù vậy, cơ quan quản lý đã không vội nới room trong bối cảnh tỷ giá căng thẳng và thanh khoản thị trường chịu tác động tiêu cực sau vụ việc tại Ngân hàng SCB. Mãi tới đầu tháng 12/2022, NHNN mới có đợt cấp thêm room, giúp việc vay vốn trở nên dễ thở hơn.
Trong khi tín dụng cả năm tăng mạnh, các nhà băng lại gặp khó trong việc huy động tiền gửi, áp lực thanh khoản, lãi suất tiền gửi tăng. Cụ thể, tính tới ngày 21/12/2022, tiền gửi chảy vào hệ thống ngân hàng qua kênh tổ chức và dân cư đạt 11,6 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 5,99% so với đầu năm. Đây là mức tăng tiền gửi thấp nhất của hệ thống ngân hàng trong chục năm trở lại đây.
Vì thế, dù đã được nới room tín dụng những tháng cuối năm 2022 và sẽ có room mới trong 2023, song nhiều chuyên gia nhận định, khả năng tăng trưởng tín dụng năm nay thấp hơn năm 2022.
Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo, tăng trưởng tín dụng toàn ngành sẽ là 11 - 12% trong năm 2023, thấp hơn mức mục tiêu 15,5 - 16% năm 2022, do nhu cầu tín dụng giảm trong bối cảnh lãi suất tăng cùng với các động lực tăng trưởng kinh tế có xu hướng suy giảm.
VNDirect cũng nhận định, tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại và đạt khoảng 12% trong năm 2023, do thị trường bất động sản kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc và lãi suất cao. Chủ đầu tư dự án bất động sản sẽ gặp khó khăn trong việc huy động vốn khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng, lãi suất tăng cao ảnh hưởng đến nhu cầu vay mua nhà. Hơn nữa, các doanh nghiệp sẽ tạm thời ngưng mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh lãi suất tăng cao và nhu cầu tiêu dùng suy yếu.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, mục tiêu của chính sách tiền tệ trong năm 2023 là giảm lãi suất, tín dụng tăng trưởng vừa phải và ổn định tỷ giá.
Nhưng nợ xấu sẽ tăng?
Trong khi tín dụng năm 2023 được dự báo tăng trưởng thấp, thì chất lượng tín dụng có thể đi xuống do tình hình thị trường bất động sản khó khăn. Với tỷ trọng dư nợ bất động sản và xây dựng xấp xỉ 30% tổng dư nợ của ngành, sự suy yếu của thị trường bất động sản không chỉ ảnh hưởng triển vọng tăng trưởng tín dụng, mà còn là những khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu.
VDSC cho rằng, năm 2023, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục hành trình vượt bão trong chu kỳ bất động sản đi xuống cùng với triển vọng kém tích cực của xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, quy mô nợ xấu và chi phí tín dụng sẽ khác nhau giữa các ngân hàng, dựa trên mức độ thận trọng của ngân hàng trong việc trích lập dự phòng và khả năng hồi phục tài chính của khách hàng.
Thực tế, chất lượng tín dụng trong quý III/2022 cho thấy, kết quả kinh doanh nhiều ngân hàng không khả quan, khi tỷ lệ nợ xấu tăng lên, tỷ lệ dự phòng giảm. Nợ xấu gia tăng một phần là do các khoản nợ tái cơ cấu do Covid-19 đã hết hạn cơ cấu từ tháng 6/2022. Tổng dư nợ tái cơ cấu do Covid-19 tại các ngân hàng đến cuối quý III/2022 giảm 58% so với đầu năm. Với việc một phần dư nợ tái cơ cấu chuyển thành nợ xấu, tỷ lệ hình thành nợ xấu tăng nhanh trong quý III/2022.
Còn VNDirect đưa ra nhận định, bên cạnh căng thẳng thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, một vấn đề nghiêm trọng khác liên quan đến việc các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn về thanh khoản, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Doanh nghiệp đang phải đối mặt với chi phí lãi vay tăng cao, do USD và lãi suất tiền đồng tăng, ảnh hưởng lên khả năng trả nợ. Thêm vào đó, những khó khăn trong việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp và khả năng trả nợ suy giảm sẽ tác động xấu đến chất lượng tài sản của ngân hàng trong năm 2023. Dẫu vậy, với các ngân hàng đã trích lập đầy đủ cho nợ cơ cấu và không liên quan nhiều đến trái phiếu doanh nghiệp sẽ có khả năng kiểm soát chi phí rủi ro tín dụng tốt hơn các ngân hàng khác.
Xem thêm: lmth.15171000042210202-oac-nav-nov-uac-uhn-ud-ial-mahc-gnat-oab-ud-gnud-nit/nv.semitaer