Đề nghị Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam sớm nghiên cứu sử dụng nguồn kinh phí công đoàn để hỗ trợ đoàn viên và người lao động bị mất việc làm hoặc bị cắt giảm việc làm, đặc biệt là người lao động có hoàn cảnh khó khăn để đảm bảo sớm ổn định cuộc sống, đón Tết đầm ấm.
Đây là một trong số các nội dung mà Thủ tướng yêu cầu trong văn bản 235/VPCP-KGVX vừa được Văn phòng Chính phủ phát ra. Tuổi Trẻ xin giới thiệu một số ý kiến chuyên gia về ý nghĩa và cách thức thực hiện, làm sao tiền hỗ trợ đến nhanh nhất với người lao động.
* PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương (nguyên viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội):
Chính phủ cũng nên vào cuộc
Chính phủ cần có chỉ đạo nóng, không thể không cứu người lao động gặp khó khăn, nhất là Tết đến gần.
Mặc dù kinh tế phục hồi nhưng thị trường lao động vẫn bất ổn. Do đó, Chính phủ cũng cần hỗ trợ thêm bởi không phải doanh nghiệp nào cũng có tổ chức công đoàn.
Ngoài ra, nếu chỉ hỗ trợ người mất việc, giảm việc trong doanh nghiệp thì như "nước chảy chỗ trũng".
Không chỉ hỗ trợ người lao động trong doanh nghiệp, nhà máy mà cần thêm cả gói hỗ trợ cho lao động làm việc tự do, có thể từ các mức 500.000 đồng - 1 triệu đồng/người để đón Tết.
Thực tế, những người mất việc ở doanh nghiệp sản xuất thì ảnh hưởng đến những người bán hàng, vận chuyển, bốc dỡ. Thị trường lao động có tính co giãn, liên kết nhau, không phải là người này bị ảnh hưởng rồi thì nghĩa là người khác không bị ảnh hưởng.
Để khoản hỗ trợ này nhanh đến người lao động, Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cần tham gia để liên kết với dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an.
Đây là hệ thống tương tự hệ thống tiêm chủng vắc xin, thiếu thông tin thì bổ sung, hỗ trợ đẩy nhanh quá trình xác minh thông tin, chuyển hỗ trợ đúng đối tượng, tránh trùng lắp. Quan trọng là giải ngân nhanh để người lao động có tiền ổn định cuộc sống, sắm Tết và "hậu kiểm" về sau.
* Ông Lê Văn Thanh (thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH):
Xác định đúng đối tượng
Những người mất việc làm được hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong khi người khó khăn thì công đoàn sẽ hỗ trợ.
Không phải người giãn việc, giảm việc nào cũng khó khăn, chỉ một số nhất định.
Do đó, phải xác định đúng đối tượng để hỗ trợ. Đó là trách nhiệm của công đoàn khi xây dựng phương án triển khai.
* Ông Phạm Minh Huân (nguyên thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH):
Tổng liên đoàn Lao động cần nhanh chóng ra quyết định và nâng mức hỗ trợ
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cần nhanh chóng ra quyết định để hỗ trợ người lao động khó khăn vì Tết rất gần.
Đặc biệt là những người xa quê, mang thai, nuôi con nhỏ. Tổng liên đoàn cần có phương án triển khai chi tiết gồm mức hỗ trợ bao nhiêu, xác định đối tượng thế nào, quy trình triển khai, cách thức nhận tiền.
Thông thường, công đoàn cơ sở nắm chắc thông tin người lao động nên giao cho lực lượng này triển khai, lập danh sách. Còn những nơi không có, yếu quá thì cần có phương án khác.
Công đoàn có nguồn lực riêng, không phải từ ngân sách nhà nước nên chủ động họp bàn, sớm có quyết định, triển khai nhanh, đúng đối tượng, đơn giản hóa thủ tục. Việc khó nhất bây giờ là xác định đúng đối tượng khó khăn, sau đó là nguồn lực, phân bổ trách nhiệm cho các cấp, thời gian triển khai...
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có thể nâng mức hỗ trợ lên 5 triệu đồng/người nhưng nếu tối đa 3 triệu đồng/người cũng rất quý, nhất là khi Tết Nguyên đán tới gần. Về lâu dài, các cơ quan liên quan phải ngồi lại với nhau vì hết thách thức này đến thách thức khác ảnh hưởng đến người lao động.
Ví dụ như COVID-19 giảm thì lại có suy thoái toàn cầu, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính sách hỗ trợ người lao động căn cơ, toàn diện phải bàn bạc kỹ lưỡng chứ không phải chờ khó khăn mới suy tính.
* Ông Vũ Trọng Bình (cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH):
Để người lao động an tâm
Chỉ đạo của Chính phủ về việc sớm có hỗ trợ người lao động khó khăn rất kịp thời, có ý nghĩa để chăm lo cho đời sống của người lao động trong dịp Tết Nguyên đán đến gần.
Đây cũng là việc thúc đẩy cho thị trường lao động phát triển, người lao động yên tâm nghỉ Tết, bảo đảm sức khỏe để tham gia thị trường lao động tốt hơn trước và sau Tết.
Bộ LĐ-TB&XH tập trung xử lý những vấn đề xã hội bức xúc
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2023 ngày 14-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá ngành LĐ-TB&XH đã hoàn thành đạt và vượt cả 6/6 chỉ tiêu chủ yếu được Quốc hội, Chính phủ giao.
Tuy vậy, Thủ tướng cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như các chính sách xã hội còn thiếu tính liên kết, chưa bao phủ hết tất cả các đối tượng. Chỉ tiêu về tăng năng suất lao động chưa đạt yêu cầu.
Bạo lực đối với phụ nữ, xâm hại trẻ em có xu hướng gia tăng. Riêng vấn đề nhiều trẻ em bị tai nạn, thương tích tăng, nhất là đuối nước, tự kỷ, Thủ tướng giao Bộ Y tế và Bộ LĐ-TB&XH phân tích rõ nguyên nhân để có giải pháp xử lý.
Do vậy, Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH tập trung xử lý những vấn đề xã hội bức xúc, quan tâm, tạo sự chuyển biến rõ rệt như xác nhận, công nhận người có công, không bỏ sót ai; tình trạng bạo lực, xâm hại, buôn bán trẻ em, phụ nữ.
Tình trạng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vi phạm hợp đồng; quản lý lao động người nước ngoài ở Việt Nam cũng cần được quan tâm, giải quyết.
"Chúng ta không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần", Thủ tướng nêu rõ.
Kỳ vọng thực hiện trước Tết
Trước đó, tại Hội nghị tổng kết nghị quyết số 68 và nghị quyết 126 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 ngày 26-12, ông Phan Văn Anh, phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết Công đoàn Việt Nam mong muốn các cơ quan liên quan như Bộ LĐ-TB&XH, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ người lao động tương tự nghị quyết 68.
Theo đề xuất, nhóm lao động mất việc được hỗ trợ ở mức 3 triệu đồng/người/một lần duy nhất. Còn những lao động bị tạm chấm dứt hợp đồng nhận một lần 2 triệu đồng/người. Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, trong tuần này Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ có văn bản liên quan đến hỗ trợ người lao động bị mất việc làm hoặc bị cắt giảm việc làm.
Ông Phan Văn Anh cũng gợi ý giao công đoàn cơ sở lập danh sách lao động khó khăn và cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ xác định bảng lương, thu nhập của người được hỗ trợ trước khi mất việc. Ông kỳ vọng gói này sẽ thực hiện trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Trong khi đó, ông Ngọ Duy Hiểu - phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - cho hay hiện nay có hơn 11 triệu đoàn viên công đoàn trong tổng số gần 18 triệu người lao động có quan hệ lao động.
Tổ chức công đoàn đang huy động cao nhất các nguồn lực để hỗ trợ đoàn viên và người lao động bị mất việc làm hoặc bị cắt giảm việc làm, đặc biệt là người lao động có hoàn cảnh khó khăn để đảm bảo sớm ổn định cuộc sống, đón Tết đầm ấm.
Nhận hỗ trợ sau Tết cũng tốt, miễn là được hỗ trợ
* Chị Lê Thị Kim Hồng (44 tuổi, ngụ Bình Tân - công nhân may mất việc):
Công ty tôi đóng cửa cho toàn bộ công nhân nghỉ làm từ tháng 11 đến nay. Hơn hai tháng qua tôi nhận làm việc lặt vặt để có đồng ra đồng vô trang trải tiền ăn uống cho gia đình ba người.
Mấy bữa nay thì nhận dọn dẹp nhà dịp Tết, ngày 200.000 đồng, ngày 250.000 đồng. Chồng thì làm xây dựng, cuối năm nay nghề xây dựng cũng đâu có công trình nên gia đình cũng chật vật.
Vì vậy nếu nhận được hỗ trợ lúc này quý lắm. Nghe nói công nhân mất việc như tôi thì được lãnh 3 triệu, số tiền đó cũng đủ lo ăn uống mấy ngày Tết.
* Anh Phạm Minh Vương (42 tuổi, quê Phú Yên - công nhân cơ khí xây dựng):
Ba tháng qua ngành xây dựng cũng khó khăn, tôi gần như không có việc làm mà gia đình có hai đứa con đi học nên thời gian vừa rồi khó khăn lắm.
Vợ tôi thì làm công nhân may mặc, may mắn là vẫn còn việc làm nhưng cả năm qua hầu như không có tăng ca, thu nhập lúc bình thường 7-8 triệu thì giờ 5-6 triệu mà phải lo cho cả nhà. Những năm trước cận Tết là làm còn cực hơn ngày thường, năm nào cũng về cận Tết 27, 28.
Tôi nghĩ là năm nay khó khăn thì cũng đã khó khăn rồi nhưng sau Tết, khi công nhân mất việc quay lại mà nhận được hỗ trợ 2-3 triệu cũng đỡ lắm, cũng trang trải được nhiều khoản. Mong năm mới công việc sẽ suôn sẻ, thuận lợi để vợ chồng ổn định nuôi con cái học hành, phụ giúp cha mẹ.
* Ông Lưu Kim Hồng (chủ tịch công đoàn tại một doanh nghiệp trên địa bàn TP Thủ Đức, TP.HCM):
Từ trước đến nay việc hỗ trợ người lao động gặp khó khăn thì các công đoàn cơ sở, công đoàn công ty vẫn thực hiện rất thường xuyên.
Nhưng nếu Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai chính sách hỗ trợ cho người lao động mất việc làm hoặc tạm hoãn hợp đồng vào thời điểm này thì cũng sẽ hỗ trợ đáng kể cho công nhân và gia đình họ, nhất là đối với công nhân ở các công ty đã đóng cửa và ngừng hoạt động.
Tất nhiên ai cũng mong muốn có thể triển khai hỗ trợ để người lao động nhận tiền trước Tết bởi với một khoản tiền 2-3 triệu đồng thì người lao động và gia đình họ có thể đón một cái Tết đầy đủ hơn.
Nhưng nếu quá gấp rút thì nên thực hiện ngay sau Tết khi người lao động quay trở lại TP.HCM tìm việc, ít nhất cũng có thể trang trải tiền trọ, điện nước trong tháng đầu quay trở lại TP.
* Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM):
Không vi phạm luật
Việc Thủ tướng đề xuất sớm nghiên cứu sử dụng nguồn kinh phí công đoàn nhằm hỗ trợ đoàn viên và người lao động mất việc… là hợp lý và cần thiết.
Về việc sử dụng kinh phí công đoàn, công đoàn cơ sở được sử dụng 65% tổng số thu kinh phí công đoàn, 60% tổng số thu đoàn phí công đoàn và 100% tổng số thu khác của đơn vị.
Doanh nghiệp được sử dụng 65% tổng số thu để chi cho hoạt động tuyên truyền, phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, ký thỏa ước lao động tập thể, bảo vệ, chăm lo cho người lao động tại các đơn vị này.
Cuối năm số kinh phí sử dụng cho các hoạt động trên chưa hết chuyển thành tích lũy và trả lại cho công đoàn cơ sở sau khi công đoàn cơ sở của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được thành lập…
Ngoài ra cũng có quy định các khoản chi nhằm hỗ trợ khi người lao động gặp khó khăn như chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn bệnh nghề nghiệp, bản thân hoặc gia đình gặp khó khăn do tai nạn, rủi ro hoặc thiên tai, hỏa hoạn hoặc bệnh tật hiểm nghèo gây tổn thất về sức khỏe hoặc tài sản của các thành viên là đoàn viên công đoàn.
Do đó việc hướng tới sử dụng kinh phí công đoàn để hỗ trợ người lao động là không trái với Luật công đoàn.
Mới tờ mờ sáng, các lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã có mặt tại ga xe lửa Dĩ An để chia tay hàng ngàn người lao động về quê ăn Tết bằng vé miễn phí qua những chuyến tàu xuân nghĩa tình, với lời hẹn trở lại nhà máy sau nghỉ lễ.
Xem thêm: mth.23343328051103202-hnahn-neih-cuht-nac-tet-court-ceiv-maig-ceiv-tam-ib-gnod-oal-ort-oh/nv.ertiout