Như đã thành thói quen 5 năm nay, cứ cách Tết Nguyên đán 1 tháng, chị Hương lại lên kế hoạch chi tiêu Tết, phần là không để bỏ sót các mục cần chi, phần là để cân đối giữa thu chi cho không bị phát sinh quá nhiều. Tiết kiệm và tập trung khoản thiết yếu là phương châm sắm Tết năm nay của chị.
"Mình dành 10 triệu vào việc mua sắm các vật tư, sản phẩm để chuẩn bị Tết cho gia đình ở Hà Nội; 10 triệu cho việc mua sắm các đồ biếu Tết của nhà nội; 10 triệu cho các đồ biếu Tết của nhà ngoại; 10 - 15 triệu để dành chi tiêu đồ biếu Tết cho họ hàng. Số còn lại, mình sẽ dành một phần để chuẩn bị lì xì cho các con, các cháu", chị trần Thanh Hương, quận Hà Đông, Hà Nội, chia sẻ.
Dù Tết năm nay, người dân sẽ tiết giảm chi tiêu nhưng các mặt hàng truyền thống mang đậm hương vị cổ truyền của Tết như: mứt sen, mứt gừng... là những loại không thể thiếu trên bàn tiếp khách của người dân Việt Nam. Theo ghi nhận, giá các mặt hàng tăng không đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Sắm Tết đơn giản là xu thế những năm gần đây. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)
Các doanh nghiệp cho biết, những sản phẩm giá bình dân vẫn được phần lớn người dân lựa chọn.
Bên cạnh tiết giảm, chọn hàng xuất xứ Việt Nam cũng là cách các gia đình trẻ tiết kiệm thời bão giá.
"Mình vẫn chuộng các sản phẩm của Việt Nam. Thứ nhất là truyền thống, hàng rõ nguồn gốc xuất xứ. Hàng nhập khẩu có nhiều loại nhưng hàng Việt Nam vẫn đảm bảo an toàn về chất lượng, sản phẩm", chị Hạ Thị Như Trang, quận Đống Đa, Hà Nội, cho biết.
Theo các chuyên gia, kế hoạch chi tiêu Tết nên được theo dõi ở một file riêng, độc lập với chi tiêu hàng ngày. Các gia đình nên có một ngân sách riêng chỉ dành cho Tết tránh để việc tiêu Tết vung tay quá trán, ảnh hưởng đến các mục tiêu tài chính khác.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng sắp xếp thứ tự mua sắm khoa học, tránh dồn một thời điểm để phát sinh chi tiêu quá mức, để dành một phần lương, thưởng Tết để phòng các khoản chi đầu năm mới hoặc đầu tư khai xuân cũng là điều các gia đình nên tính đến.
VTV.vn - Biến động kinh tế đã tác động tới "túi tiền" và thói quen mua sắm của đa số người tiêu dùng. Quan niệm "Mua sắm thoải mái vì Tết mỗi năm chỉ có 1 lần" đã không còn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.12835711151103202-meik-teit-tet-mas-gnub-coub-gnul-taht-ert-iougn/et-hnik/nv.vtv