Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6,83% năm nay
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa công bố Báo cáo “Kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng 2023”, với 2 kịch bản tăng trưởng cho năm 2023.
Theo kịch bản 1 – kịch bản khả thi nhất - tăng trưởng kinh tế năm 2023 có thể đạt mức 6,47%. Mức này xấp xỉ chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 2023 mà Chính phủ xác định, là 6,5%.
Ở kịch bản 2, tăng trưởng có thể đạt tới 6,83%. “Nếu tiếp tục cải cách nhanh, tăng năng suất, kịch bản 2 có thể là mục tiêu đạt được”, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) nói trong Hội thảo Kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng 2023.
Dự báo của CIEM đưa ra trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2023 được dự báo không thực sự khả quan. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây đưa ra cảnh báo, 1/3 số nền kinh tế trên thế giới có thể rơi vào suy thoái trong năm nay. Tổ chức này từng dự báo (công bố tháng 10/2022) tăng trưởng toàn cầu năm 2023 chỉ đạt 2,7%.
Một khảo sát của Ernst & Young - “Big 4” kiểm toán thế giới - vừa được thực hiện cũng cho thấy, 98% CEO được khảo sát nhận định kinh tế năm nay sẽ suy giảm. Trong đó, 55% CEO đã chuẩn bị cho một đợt suy thoái kéo và nghiêm trọng hơn khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2007 - 2008.
CIEM cho rằng, nền kinh tế Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố hơn, như khả năng kiểm soát sự lây lan của các biến thể virus SARS-CoV-2 và các dịch bệnh mới, gia tăng cạnh tranh địa chính trị, xung đột Nga - Ukraine có thể kéo dài, mức độ thắt chặt tiền tệ ở các nền kinh tế chủ chốt nhằm xử lý áp lực lạm phát.
Trong khi đó, các yếu tố trong nước được CIEM lưu ý là tiế́n độ thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội. CIEM cho rằng, nếu duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, Việt Nam có thể tiếp tục cải cách và thúc đẩy các biện pháp tài khóa, tiền tệ giúp tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, tăng trưởng kinh tế sẽ phụ thuộc đáng kể vào khả năng đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, gắn với việc tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) và xử lý các rủi ro gắn với đối đầu thương mại - công nghệ giữa các siêu cường, xu hướng giảm giá của các đồng tiền ở khu vực so với USD...
Đưa ra nhận định tại một diễn đàn ngày 11/1, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng ADB tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang đối mặt với những “cơn gió ngược”, điển hình là thiếu sự liên kết giữa thị trường nội địa và xuất khẩu, bộc lộ rõ nhất là khi nhu cầu trong nước tăng lên, nhưng Chỉ số Nhà Quản trị mua hàng (PMI) vẫn giảm. Sự mất cân đối trong cơ cấu nền kinh tế khi khu vực xuất khẩu phụ thuộc lớn vào các doanh nghiệp FDI là lý do khiến tổng cầu xuất khẩu giảm, PMI đi xuống.
Song bên cạnh “những cơn gió ngược”, cũng có những “cơn gió xuôi” xuất hiện. “Ẩn số của năm nay là việc mở cửa của Trung Quốc. Đây là một chủ thể vừa gây ra gió ngược và gió xuôi với nền kinh tế Việt Nam”, ông Cường nói.
Cần quyết liệt cải cách, đổi mới
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, trong đó có các mục tiêu tăng trưởng, kiểm soát lạm phát…, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.
Trong kịch bản khả thi nhất, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2023 có thể đạt mức 6,47%
Theo đánh giá của các chuyên gia CIEM, việc lồng ghép nội dung về cải cách môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh vào Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2023, thay vì ban hành một Nghị quyết 02/NQ-CP như những năm trước, càng thể hiện quyết tâm lồng ghép các nỗ lực cải cách này vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tránh tình trạng cải cách mang tính cơ học.
Song, các chuyên gia của CIEM cũng cho rằng, bước sang năm 2023, Việt Nam càng phải nhìn nhận yêu cầu đổi mới để cải thiện chất lượng tăng trưởng. Khung chính sách cho đổi mới sáng tạo cần được hoàn thiện hơn nữa, đặc biệt gắn với việc mạnh dạn cho thí điểm các ý tưởng, mô hình kinh doanh mới trên nền tảng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh... Cách thức cải cách cũng cần phải đổi mới quyết liệt hơn.
Cụ thể, cần tiếp tục hướng dẫn, tổ chức triển khai hiệu quả các luật căn bản của thể chế kinh tế thị trường, như Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Quản lý nợ công; Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật An ninh mạng…
Đặc biệt nhấn mạnh vấn đề tạo thuận lợi cho thương mại, ông Nguyễn Anh Dương lưu ý, cần tăng cường mức độ sẵn sàng về pháp lý cho thương mại không giấy tờ xuyên biên giới.
Trong đó, cần cải thiện môi trường pháp lý phù hợp với các yêu cầu của FTA để mọi người dân và doanh nghiệp Việt Nam được bảo vệ dữ liệu và thông tin cá nhân một cách hiệu quả thông qua các công nghệ kỹ thuật số thân thiện với thương mại và thương mại không giấy tờ. Đồng thời, hoàn thiện khung pháp lý về quản lý và thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua kênh thương mại điện tử; chia sẻ thông tin xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh hàng hóa, người và phương tiện vận tải…