Ngày 16-1, UBND tỉnh Bình Định tổ chức lễ khánh thành công trình đền thờ Đại tư đồ Võ Văn Dũng tại thôn Phú Lâm (xã Tây Phú).
Ông Tạ Xuân Chánh - giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định, đại diện chủ đầu tư - cho hay công trình được khởi công vào tháng 10-2021, triển khai xây dựng trên khu đất rộng hơn 12ha (vùng 1 rộng 1,05ha, vùng 3 rộng hơn 11ha) theo lối kiến trúc cổ. Công trình được nâng cao giá trị khi có thế "tọa sơn", phía sau và bên hông được bao bọc bởi dãy núi với những rừng cây xanh mảng lớn, trước mặt là cánh đồng rộng thông thoáng đẹp.
Tại buổi khánh thành, ông Lâm Hải Giang - phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - ôn lại thân thế của Đại tư đồ Võ Văn Dũng.
Ông sinh trưởng tại thôn Phú Lộc, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay là thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định).
Ông tham gia phong trào Tây Sơn từ buổi đầu khởi nghĩa, là người thông minh tài trí lại giỏi võ nghệ nên sớm trở thành một võ tướng kiệt xuất của nhà Tây Sơn.
Năm 1771 đến năm 1785, Võ Văn Dũng tham gia cùng quân Tây Sơn giải phóng phủ thành Quy Nhơn, bốn lần vào Gia Định dẹp loạn chúa Nguyễn ở Đàng Trong và đánh tan hơn năm vạn liên quân Xiêm - Nguyễn trận Rạch Gầm - Xoài Mút. Năm 1786, ông cùng Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc lật đổ chúa Trịnh, xóa bỏ ranh giới sông Gianh chia cắt đất nước trên 200 năm.
Năm 1789, sau chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, ông được Hoàng đế Quang Trung cử đi sứ, thiết lập bang giao hòa hiếu với nhà Thanh. Năm 1791, ông giữ chức Chiêu viễn Đại đô đốc, tước Võ Quốc công; năm 1792, tham gia đoàn sứ bộ sang triều kiến vua nhà Thanh. Năm 1795, vua Cảnh Thịnh phong ông chức Đại tư đồ. Năm 1800-1801, ông cùng với Thiếu phó Trần Quang Diệu chỉ huy quân Tây Sơn bao vây và đánh lấy lại thành Bình Định từ quân Nguyễn…
Võ Văn Dũng là một trong "thất hổ tướng", "tứ trụ đại thần" của triều Tây Sơn, ông được sự ngưỡng mộ và đầy lòng tôn kính của nhân dân. Sau khi ông mất, con cháu thờ phụng ông tại từ đường họ Võ ở thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú. Ngày 16-11-1988, Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã xếp hạng từ đường họ Võ là di tích lịch sử quốc gia.
"UBND tỉnh Bình Định quyết định dùng ngân sách xây dựng đền thờ Võ Văn Dũng để tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc là người Bình Định, đồng thời nhằm phục vụ nhân dân và du khách thăm viếng, qua đó, giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau" - ông Giang nói.
Ông Giang cũng đề nghị kết nối tour du lịch gắn kết với Khu di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Tây Sơn tam kiệt và danh lam thắng cảnh Hầm Hô, để công trình đền thờ Đại tư đồ Võ Văn Dũng thực sự trở thành một địa chỉ văn hóa hấp dẫn, nơi nhân dân và du khách gần xa đến chiêm bái, tưởng nhớ công đức của tiền nhân, bày tỏ lòng thành kính thiêng liêng đối với người anh hùng dân tộc…
TTCT - Về thăm Bảo tàng Quang Trung, được đứng trên mảnh đất, ngôi nhà mà ba anh em Tây Sơn đã ra đời và khôn lớn, tận mắt chiêm ngưỡng cây me già tỏa bóng sum sê, uống ngụm nước mát ngọt từ chiếc giếng cổ, có cảm giác như lời hiệu triệu “Đánh cho để dài tóc. Đánh cho để đen răng...” (*) vẫn đang vang vọng đâu đây. Dù đã 200 năm trôi qua...
Xem thêm: mth.56834235161103202-gnud-nav-ov-od-ut-iad-oht-ned-hnaht-hnahk/nv.ertiout