Gần một năm sau cuộc chiến của Nga ở Ukraine, các nhà phân tích quân sự phương Tây lo ngại Matxcơva sẽ phát động một cuộc tấn công mới trong vài tuần hoặc vài tháng tới, lợi dụng thời điểm nguồn dự trữ đạn dược của Kiev đang cạn kiệt.
Động thái mở đường
Một số nước thành viên Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã đặc biệt lo lắng viễn cảnh trên, nổi lên mạnh nhất là Anh.
Ngày 15-1, Văn phòng Thủ tướng Anh Rishi Sunak xác nhận London sẽ gửi 14 xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 cùng 30 khẩu pháo tự hành AS90 đến Ukraine, bất chấp sự chỉ trích từ Đại sứ quán Nga. Thông báo cũng cho biết Anh sẽ gửi thêm đạn dược và chịu trách nhiệm huấn luyện kíp lái là các binh sĩ Ukraine, vốn đã quen với các hệ thống do Liên Xô (cũ) sản xuất.
"Các xe tăng Challenger 2 không có khả năng giúp lực lượng vũ trang Ukraine lật ngược tình thế trên chiến trường, nhưng chúng sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp cho pháo binh Nga", Đại sứ quán Nga tại Anh cảnh báo sau động thái của London.
Việc Nga tự tin xe tăng của Anh sẽ không tạo ra sự khác biệt là có cơ sở. Với chiến trường rộng lớn như miền đông Ukraine, 14 xe tăng Challenger 2 là rất mỏng nếu phân bổ cho toàn bộ điểm nóng.
Ukraine có thể tập hợp tất cả để tạo mũi nhọn tấn công nhưng sẽ tạo rủi ro toàn bộ có thể bị phá hủy nếu Nga phản kích. Tuy nhiên, Đại sứ quán Nga tại Anh dường như đã cố tình lờ đi ý nghĩa của việc London gửi xe tăng chiến đấu chủ lực cho Kiev.
Đây sẽ là những xe tăng hạng nặng đầu tiên của phương Tây đến Ukraine, mở đường cho một loạt động thái tương tự khác.
Ông Matthew Sussex, một thành viên cấp cao tại Trung tâm quốc phòng của Đại học Quốc gia Úc, cho rằng quyết định của Anh sẽ tạo ra hiệu ứng dây chuyền trong NATO về việc gửi gì cho Ukraine.
Phương Tây từ lâu đã thận trọng không gửi các vũ khí hạng nặng tấn công cho Kiev vì lo sợ sẽ bị xem là dính líu ngày càng sâu vào cuộc chiến ở Ukraine.
Mắt xích Đức
Một số nhà quan sát cho rằng động thái của Anh sẽ tạo ra một "liên minh xe tăng cho Ukraine" trong tương lai gần. Đã có một số cuộc thảo luận giữa Pháp, Đức, Ba Lan cùng vài nước khác về việc này trong thời gian qua.
Chẳng hạn, sau cuộc gặp ngày 11-1 với những người đồng cấp Ukraine và Litva tại thành phố Lviv của Ukraine, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tuyên bố nước ông sẽ chuyển giao xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất cho Ukraine như một phần của "một liên minh".
Cuối ngày hôm đó, Thủ tướng Anh Rishi Sunak thông báo Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace sẽ "làm việc với các đối tác" trong những tuần tới để tăng cường hỗ trợ cho Ukraine, bao gồm cả việc cung cấp xe tăng. Ngày 12-1, Phó thủ tướng Đức Robert Habeck tuyên bố nước này sẽ không cản đường khi các nước khác quyết định ủng hộ Ukraine.
Tuyên bố của ông Habeck là một tín hiệu quan trọng, bởi các nước như Ba Lan muốn gửi xe tăng Leopard 2 bắt buộc phải xin phép quốc gia sản xuất là Đức. Leopard 2 là xe tăng hiện đại nhất châu Âu, được đánh giá cao hơn Challenger 2.
"Người Ukraine thực sự muốn Leopard 2 vì số lượng xe tăng này là rất nhiều nếu tính trên khắp châu Âu", một quan chức Pháp am hiểu vấn đề nói với tờ Politico.
Ukraine đã yêu cầu khoảng 300 xe tăng - một con số mà một quan chức phương Tây đã mô tả là "không quá đáng" và cần thiết cho một cuộc phản công hiệu quả ở chiến trường miền đông. Nhưng vấn đề ở đây là Đức vẫn chần chừ khiến cả Pháp và Ba Lan đều mất kiên nhẫn.
Hôm 5-1, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố sẽ gấp rút gửi xe chiến đấu bọc thép AMX-10 RC cho Ukraine. Chỉ một ngày sau đó, Đức và Mỹ thông báo sẽ gửi xe chiến đấu bộ binh cho Kiev. Theo một quan chức Pháp, quyết định của ông Macron là nhằm gây áp lực lên Đức, buộc Berlin phải chấm dứt sự thận trọng của mình.
Việc e ngại Nga chỉ là một phần lý do cho sự chần chừ của Đức. Một lý do khác là nội bộ nước này hiện đang khá rối, đặc biệt là chuyện nhân sự tại Bộ Quốc phòng Đức. Ngày 16-1, Bộ trưởng Quốc phòng Christine Lambrecht từ chức sau một loạt phát ngôn và hành động trước sau bất nhất về Ukraine.
Uy tín của bà Lambrecht đã bị ảnh hưởng lớn sau khi Đức và Mỹ gửi xe chiến đấu cho Ukraine, bởi trước đó bà khẳng định chắc nịch sẽ không có xe chiến đấu nào từ Đức cho Ukraine. Việc Berlin không tăng chi tiêu quốc phòng và viện trợ cho Ukraine như Thủ tướng Olaf Scholz đã hứa cũng được cho là bị vướng ở bà Lambrecht.
Thủ tướng Scholz đã tuyên bố ông "chia sẻ" quan điểm của Phó thủ tướng Habeck về cách các nước viện trợ cho Ukraine. Việc để bà Lambrecht, người ông từng gọi là "bộ trưởng quốc phòng hạng nhất", ra đi cho thấy những áp lực của các nước đã bắt đầu có tác dụng với Berlin.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 14-1, Thủ tướng Anh Rishi Sunak hứa Anh sẽ gửi Ukraine một số xe tăng chiến đấu chủ lực và các hệ thống pháo bổ sung.
Xem thêm: mth.5535407071103202-eniarku-ohc-gnat-ex-hnim-neil-ar-om-hna/nv.ertiout