Việc sử dụng bản điện tử giấy hộ tịch đã được quy định từ 18/2/2022 nhưng theo ông Nguyễn Triều Lưu (Trưởng phòng hộ tịch Sở Tư pháp TP HCM) đến nay chưa địa phương nào triển khai được. Một trong những lý do là số hóa dữ liệu hộ tịch, cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa được triển khai đồng bộ.
"Hiện, các yêu cầu về số hóa dữ liệu hộ tịch và cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại TP HCM đã được đáp ứng nên chúng tôi muốn được thí điểm triển khai", ông nêu lý do của đề xuất.
Ông Lưu lấy ví dụ, khi lên máy bay, thay vì phải xuất trình giấy khai sinh bản giấy của con, cha mẹ chỉ cần cung cấp bản điện tử có QR Code cho cán bộ có thẩm quyền để "quét" thông tin khai sinh và nó có giá trị pháp lý như bản giấy.
Ông cho biết Sở Tư pháp TP HCM chưa nhận được văn bản trả lời của Bộ Tư pháp.
Ngày 16/1, đại diện Bộ Tư pháp cho hay "hoàn toàn ủng hộ" TP HCM thí điểm cấp bản điện tử giấy tờ hộ tịch thay các bản giấy trong giao dịch, thủ tục hành chính. Không riêng TP HCM, địa phương nào hoàn thiện cơ sở hạ tầng đều sẽ được triển khai cấp giấy tờ hộ tịch điện tử.
Hiện, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý đã sẵn sàng chia sẻ, kết nối. Thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục triển khai để hoàn thiện hơn.
Trước đó, từ đầu tháng 6/2022, UBND TP HCM đã thí điểm việc cấp bản sao trích lục các loại sổ, giấy hộ tịch từ dữ liệu số hóa hộ tịch tại kho dữ liệu dùng chung của TP HCM mà không phụ thuộc vào nơi đã đăng ký, nơi lưu trữ sổ hộ tịch và nơi cư trú của người yêu cầu.
Sau ba tháng triển khai, Sở Tư pháp và các cơ quan đăng ký hộ tịch tại TP HCM đã cấp được gần hơn 206.000 bản sao giấy tờ hộ tịch từ dữ liệu số hóa sổ hộ tịch.
Việc đề xuất cấp bản điện tử giấy tờ hộ tịch nhằm tiếp tục khai thác dữ liệu số hóa hộ tịch tại TP HCM.
Năm 2022, Sở Tư pháp TP HCM phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông hoàn thành giai đoạn một, số hóa tất cả cơ sở dữ liệu hộ tịch gồm sổ đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử, và nhận cha mẹ con, tương đương gần 12 triệu hồ sơ hộ tịch. Trong đó, gần 11 triệu hồ sơ hộ tịch đăng ký trước ngày 1/1/2016 đã đồng bộ vào hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp (đạt 97%), còn trên 583.000 hồ sơ đăng ký từ sau ngày 1/12016 (là bản PDF) được lưu tại kho dữ liệu dùng chung của bộ này.
Việc cấp bản điện tử giấy tờ hộ tịch sẽ được thực hiện trực tiếp tại Sở Tư pháp, Phòng tư pháp và UBND phường xã, thị trấn hoặc thực hiện trên Cổng dịch vụ công/hệ thống một cửa điện tử thành phố đã hoàn thành việc kết nối, khai thác dữ liệu công dân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và kết nối liên thông với phần mềm đăng ký quản lý hộ tịch điện tử dùng chung của Bộ Tư pháp.
Bản điện tử giấy tờ hộ tịch sẽ thay bản giấy trong các giao dịch, thủ tục hành chính thực hiện trực tuyến hoặc khi làm thủ tục đăng ký hộ tịch trực tiếp tại cơ quan đăng ký hộ tịch mà cơ sở dữ liệu điện tử chưa được vận hành thống nhất.
Sở Tư pháp cũng đề xuất bản điện tử hộ tịch sẽ được dùng để cung cấp bản chụp trong các thủ tục hành chính, xuất trình/nộp khi thực hiện thủ tục công chứng, chứng thực giao dịch dân sự và được mở rộng ở các lĩnh vực khác khi đáp ứng về điều kiện hạ tầng kỹ thuật.
Hải Duyên - Phạm Dự
Xem thêm: lmth.0139554-noh-tek-yk-gnad-hnis-iahk-yaig-ut-neid-nab-pac-meid-iht-noum-mch-pt/ten.sserpxenv