Đồng Việt Nam chỉ mất giá 3,5%
Báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI nhận định về diễn biến trên thị trường trong nước những ngày đầu tháng 1/2023 cho biết, thanh khoản tiền đồng (VND) tích cực, kết hợp với dòng tiền ngoại tệ khả quan (kiều hối, vốn FDI và cán cân thương mại) giúp tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại và tỷ giá liên ngân hàng tiếp tục hạ nhiệt. Cụ thể, tỷ giá đã giảm khoảng 0,7% so với cuối tuần trước, trong khi tỷ giá “chợ đen” cũng chỉ giao dịch ở mức 23.700 đồng/USD - tương đương trên thị trường niêm yết.
Đáng chú ý, tỷ giá liên ngân hàng đã giảm về vùng 23.450 đồng/USD - mức tỷ giá mua của Ngân hàng Nhà nước tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước và có thể kích hoạt việc bán USD từ khối ngân hàng thương mại. Thực tế, tỷ giá đã nhanh chóng hạ nhiệt từ tháng 12/2022 và tính đến ngày 30/12/2022, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng đã giảm xuống mức 23.730 đồng/USD (chỉ mất giá 3,5% so với đầu năm).
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam nhận định, đồng Việt Nam đã tăng trở lại từ mức 24.500 đồng/USD hồi đầu tháng 12/2022 lên mức hiện tại khoảng 23.500 đồng/USD. Động thái này trùng hợp với sự phục hồi của đồng nhân dân tệ (CNY) khi các biện pháp kiềm chế Covid-19 được nới lỏng, được hỗ trợ bởi những dự đoán về việc nền kinh tế Trung Quốc sẽ mở cửa trở lại sớm hơn dự kiến.
Cũng theo ông Quang, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam nên không có gì ngạc nhiên khi VND có mối tương quan chặt chẽ với CNY. Sự suy yếu của CNY kéo dài do những lo ngại về tăng trưởng và chính sách không Covid đã khiến VND rơi xuống mức thấp kỷ lục mới là 24.874 đồng/USD vào đầu tháng 11/2022, bất chấp các yếu tố cơ bản trong nước tích cực.
Đối với tỷ giá, chúng ta không thể chủ quan bởi sức ép lạm phát vẫn hiện hữu. Trong bối cảnh diễn biến USD còn nhiều bất trắc, có thể xảy ra biến động lớn.
Theo SSI, áp lực đối với tỷ giá USD/VND đã tạm thời hạ nhiệt khi yếu tố về dòng tiền cũng như tâm lý đã được cải thiện. Với việc Ngân hàng Nhà nước sẽ ưu tiên yếu tố ổn định thanh khoản trong năm 2023, biến động của tiền đồng được kỳ vọng sẽ không còn mạnh mẽ như trong năm 2022, đặc biệt trong bối cảnh USD được kỳ vọng đã lập đỉnh vào cuối năm 2022, cũng như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ kết thúc chu kỳ tăng lãi suất vào giữa năm 2023.
“Thông thường, theo yếu tố mùa vụ, dòng vốn ngoại tệ thường khá tích cực trong giai đoạn đầu năm, nhất là kiều hối và Ngân hàng Nhà nước thường thực hiện nghiệp vụ mua ngoại tệ nhằm bổ sung dự trữ ngoại hối, cung cấp thanh khoản tiền đồng giai đoạn trước Tết Nguyên đán”, báo cáo của SSI nhận định.
Cũng trong diễn biến có liên quan, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, áp lực lên tỷ giá tiền đồng giảm nhờ chỉ số đồng USD yếu đi. USD giảm sức hấp dẫn so với các đồng tiền chủ chốt khác, kéo chỉ số đồng USD giảm 8%, từ 113 điểm vào đầu tháng 11 xuống 104 điểm vào giữa tháng 12/2022. Trong bối cảnh tỷ giá USD/VND giảm áp lực, Ngân hàng Nhà nước có thêm công cụ hỗ trợ nền kinh tế, chẳng hạn xem xét mua dự trữ ngoại hối để bơm thanh khoản VND ra thị trường nhằm hạ nhiệt mặt bằng lãi suất trong nước.
2023, tỷ giá dự báo tăng khoảng 2%
Trong cuộc trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp BIDV cho biết, tỷ giá USD/VND dự kiến vẫn trong xu thế tăng là chủ đạo trong năm 2023, song mức tăng có thể khiêm tốn hơn năm 2022, vào khoảng 2% và biên độ dao động có thể theo hình thái khá giằng co. Nếu so với năm 2022, áp lực tăng tỷ giá có thể không cao khi đà tăng lãi suất của Fed dự kiến sớm dừng lại và giảm bớt sức mạnh của đồng USD quốc tế, qua đó tác động tích cực hơn đến tâm lý thị trường, hạn chế nhu cầu ngoại tệ gia tăng.
Mặc dù vậy, khả năng thu hút dòng vốn ngoại tệ sẽ chưa thuận lợi trong bối cảnh ảm đạm của kinh tế thế giới cũng như trong nước. Vị lãnh đạo BIDV cho rằng, cân đối cung - cầu ngoại tệ trong năm 2023 sẽ ở trạng thái khá cân bằng. Một số cấu phần tích cực hơn năm 2022 bao gồm kiều hối, cán cân thương mại dịch vụ, trong khi cấu phần tiêu cực hơn sẽ là cán cân thương mại hàng hóa do triển vọng xuất khẩu trở nên khó khăn hơn.
Riêng giải ngân FDI có thể trong đi ngang so với năm 2022, dao động quanh khoảng 22 tỷ USD. Ngoài ra, các giải pháp điều hành mang tính chủ động, linh hoạt và ngày càng có tính thị trường hơn của Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp giảm thiểu các biến động mạnh cho thị trường khi cần thiết.
“Bên cạnh đó, cũng cần đặc biệt theo dõi, quan sát các yếu tố có thể gây áp lực lên tỷ giá trong năm 2023: Thứ nhất, căng thẳng địa chính trị trên thế giới leo thang (Nga - Ukraine, Trung Quốc - Đài Loan…); thứ hai, lộ trình thắt chặt tiền tệ của Fed không sớm chậm lại như kỳ vọng; thứ ba, môi trường vĩ mô trong nước gia tăng mức độ khó khăn”, vị lãnh đạo BIDV nói.
Còn ông Đinh Đức Quang cho hay, trong khi các thị trường ủng hộ việc Trung Quốc mở cửa trở lại sớm hơn dự kiến, thì quỹ đạo phục hồi của quốc gia này khó có thể diễn ra suôn sẻ do sự gia tăng nhanh chóng của các ca nhiễm Covid-19. Suy thoái dự kiến diễn ra ở các nền kinh tế phương Tây như Mỹ, Anh… và khu vực đồng Euro có khả năng làm tăng thêm những bất ổn.
“Trong dự báo mới nhất về tỷ giá các đồng tiền châu Á so với đồng đô-la Mỹ, UOB dự báo tỷ giá USD/VND sẽ ở các mức 23.700 đồng/USD, 24.000 đồng/USD, 23.700 đồng/USD và 23.400 đồng/USD tương ứng với từng quý của năm 2023”, ông Quang chia sẻ thêm.
Ở một dự báo khác, chuyên gia của Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho rằng, VND đã phục hồi mạnh trong những tuần gần đây, nhưng tốc độ tăng có thể sẽ chậm lại khi khó khăn còn hiện hữu. Việc bổ sung dự trữ ngoại hối có thể sẽ là ưu tiên chính của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới. Sự cải thiện của cán cân vãng lai và sự phục hồi du lịch có thể sẽ hỗ trợ cho tiền đồng và tỷ giá USD/VND được dự báo đạt 23.400 đồng/USD vào cuối năm 2023 và 23.000 đồng/USD vào cuối năm 2024.
“Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thận trọng với lạm phát, sự suy yếu của VND và bất ổn tài chính phát sinh từ các khoản cho vay rủi ro trong lĩnh vực bất động sản. Ngân hàng Nhà nước có thể ưu tiên giữ ổn định tiền đồng, miễn là không ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh thương mại”, ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam của Standard Chartered Việt Nam cho biết.
Còn bà Trần Khánh Hiền nhận định: “Chúng tôi cho rằng, chỉ số đồng USD khó có thể giảm xuống dưới 100 điểm, thậm chí có thể tăng trở lại nếu Fed tăng lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản vào quý I/2023. Do đó, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ duy trì quan điểm thận trọng nhất định về tỷ giá trong nửa đầu năm 2023”.
Cũng liên quan đến câu chuyện tỷ giá, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) nói: “Đối với tỷ giá, chúng ta không thể chủ quan bởi sức ép lạm phát vẫn hiện hữu. Trong bối cảnh diễn biến USD còn nhiều bất trắc, có thể xảy ra biến động lớn. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành với định hướng kiên định duy trì sự ổn định ngoại tệ, duy trì sự thông suốt của thị trường ngoại tệ để thị trường ổn định và có thể mua vào, gia tăng dự trữ”.