Mấy ngày qua, chị Sầm Thị Thanh, trú thị trấn Kim Sơn (huyện Quế Phong) tất bật chốt đơn, đóng gói và vận chuyển các thùng trà hoa vàng cho khách. Mỗi năm, cơ sở của chị xuất ra thị trường khoảng 2-3 tạ thành phẩm, trong đó tập trung nhiều nhất vào nửa cuối tháng Chạp.
"Trung bình ngày thường tôi bán được 1-2 kg, riêng tháng Chạp có hôm bán 4-5 kg", chị Thanh nói. Giá mỗi kg trà chị Thanh bán khoảng 2,5 triệu đồng.
Trà hoa vàng là đặc sản nổi tiếng của Nghệ An những năm gần đây. Trà có vị thơm đặc trưng, vị hơi đắng... Để có sản phẩm ra lò, những người dân địa phương vào rừng tự nhiên hái hoa. Các cơ sở chế biến phải qua nhiều công đoạn cầu kỳ như "tuyển hoa đẹp", sấy... Do đó, giá sản phẩm này khá cao, dao động 2-10 triệu đồng. Dịp Tết nhiều người dùng trà hoa vàng làm quà biếu.
Cùng ở huyện Quế Phong, cơ sở chế biến trà hoa vàng Kim Sơn cũng đông khách dịp áp Tết, trong đó loại đắt nhất 8-10 triệu đồng mỗi kg hoặc rẻ hơn tùy chủng loại. Sản phẩm này được bán tại nhiều gian hàng ở các tỉnh thành trong cả nước. Mỗi năm, nơi đây cho ra thị trường 6 tạ đến 1 tấn.
"Sản lượng trong tháng Chạp tăng 15-20% so với các tháng khác. So với dịp Tết hai năm trước, năm nay sản lượng tăng hơn", ông Lô Hùng Cường, chủ cơ sở trà hoa vàng Kim Sơn nói. Nguyên nhân theo ông có thể do hoạt động kinh doanh đã nhộn nhịp trở lại sau thời gian chững lại vì dịch; sản phẩm hiện cũng được nhiều người biết đến hơn.
Ghi nhận của VnExpress cho thấy, các cửa hàng bán sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu Nghệ An (OCOP) giao dịch khá sôi động. Những ngày qua, nơi đây bán mỗi ngày 2-3 kg, trong khi trước đây trung bình mỗi tháng chỉ bán được 1-1,5 kg trà hoa vàng.
Tại các cửa hàng chuyên bán sản phẩm đặc sản xứ Nghệ, mặt hàng này cũng hút khách.
Lý giải việc giá bán tại các cửa hàng có chứng nhận OCOP đắt hơn so với các cơ sở khác, ông Cường cho rằng, do đây là sản phẩm đạt chất lượng, đặc trưng, tiêu biểu ở địa phương nên tốn nhiều chi phí và khắt khe hơn.
Anh Nguyễn Hữu Bắc, trú phường Đông Vĩnh (TP Vinh) cho rằng giá sản phẩm tuy cao, song khi thưởng thức sẽ cảm nhận được vị rất đặc biệt. "Tôi thường mua đi biếu bạn bè và dùng riêng cho gia đình", anh nói.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Quế Phong, cho biết mỗi năm các cơ sở sản xuất trà hoa vàng thu gom khoảng 30 tấn hoa tươi, cho ra thị trường hàng tấn sản phẩm. Quế Phong là "thủ phủ" trà hoa vàng, nơi đây có khoảng 200 ha mọc ở rừng tự nhiên.
Hải Chi