“Tôi không quan tâm đến lợi ích kinh tế” đây là câu nói mà tỷ phú Elon Musk đã hùng hồn tuyên bố vào tháng 4 năm 2022 khi đề cập tới thương vụ thu mua Twitter. Tuy nhiên, khi chuẩn bị hoàn tất thương vụ 44 tỷ USD này, nhà sáng lập Tesla mới hiểu rằng mình không thể bán hết hoặc cầm cố số cổ phiếu của hãng xe điện Tesla chỉ để có đủ tiền mua Twitter.
Chính bởi vậy, Elon Musk đã phải gửi yêu cầu vay vốn đến các ngân hàng với tổng số tiền vay lên tới 13 tỷ USD. Sau đó, các ngân hàng đã chuyển tiền vào một tài khoản ủy thác sau khi hoàn tất chi tiết hợp đồng, theo thông tin từ tờ báo Wall Street Journal.
Các nhà phân tích nhận định, Elon Musk có vẻ không quan tâm quá nhiều đến lợi nhuận cơ bản của Twitter mà chú trọng vào vấn đề tự do ngôn luận và kiểm duyệt nội dung trên nền tảng mạng xã hội này nhiều hơn.
Nhưng ngày trả lãi cuối cùng cũng đến. Một báo cáo mới đây của Financial Times cho biết, tỷ phú Elon Musk sẽ phải thanh toán khoản lãi đầu tiên và có thể phải trả sớm nhất là trong tháng này. Nhưng với tình hình tài chính “biến động rối ren” của Twitter, nhiều người đặt ra câu hỏi: Liệu Twitter có thể trả khoản nợ khổng lồ này được không, hay sẽ vỡ nợ và tuyên bố phá sản?
Bởi kể từ khi tỷ phú Elon Musk tiếp quản, Twitter đã mất hơn 4 triệu USD mỗi ngày. Bên cạnh đó, Twitter cũng không phải một mạng xã hội mạnh về khả năng kiếm tiền dù đây là nền tảng nổi tiếng trên toàn cầu. Theo tờ Quartz, trong 9 năm kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán, Twitter chỉ báo lãi 2 năm tài khóa duy nhất là năm 2018 và 2019 với con số hơn 1 tỷ USD.
Vì vậy, các giải pháp để trả khoản nợ hơn 300 triệu tỷ đồng mà Elon Musk sẽ phải cân nhắc là bán thêm cổ phiếu Tesla hoặc bắt đầu làm thủ tục phá sản cho mạng xã hội này.
Musk đã mua Twitter với giá 44 tỷ USD bằng khoản vay 13 tỷ USD từ các ngân hàng là Morgan Stanley và Bank of America. Và thực tế, "con nợ" của thương vụ này là Twitter chứ không phải cá nhân vị tỷ phú. Twitter sẽ phải trả lãi khoảng 1,5 tỷ USD mỗi năm, theo Financial Times.
Nếu Twitter không thực hiện được khoản thanh toán đó, ban quản trị mạng xã hội có thể nộp đơn xin phá sản để bắt đầu quá trình tái cơ cấu nợ. Twitter đã lỗ 221 triệu USD vào năm 2021. Để khắc phục, tân CEO đã cố gắng cắt giảm chi phí và tăng doanh thu kể từ khi mua công ty.
Ông cũng sa thải khoảng 50% nhân viên, khoảng 7.500 lao động để cắt giảm chi phí và ra mắt dịch vụ đăng ký Twitter Blue mới. Dịch vụ xác minh người dùng này của Twitter sẽ cung cấp tick xanh cho tất cả người tham gia mạng xã hội này với mức giá 8 USD/tháng (khoảng 200 nghìn đồng) trên ứng dụng Twitter dành cho iOS.
Các tính năng mới được giới thiệu trong phiên bản lần này bao gồm: Tick xanh dùng để xác minh với tất cả người dùng, hạn chế các quảng cáo không phù hợp, đăng video dài hơn hay xếp hạng ưu tiên cho nội dung chất lượng. Ông cũng duy trì nguồn thu từ quảng cáo trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn sẽ tìm kiếm một nguồn thu khác cho Twitter.
Tuy nhiên, chính bản thân Musk cũng đã nhiều lần nói rằng tình hình tài chính của Twitter có vấn đề và “bóng gió” rằng công ty này có khả năng nộp đơn phá sản. Nhưng câu chuyện Twitter có thật sự không thể trả lãi và vỡ nợ hay không vẫn còn là một ẩn số. Thông tin mới sẽ tiếp tục được cập nhật.
Tổng hợp