Điều mà chính phủ Vương quốc Anh sắp làm tới đây được cho là có thể khiến Thung lũng Silicon phải “rùng mình”, hoặc chí ít, làm giới điều hành mạng xã hội phải suy nghĩ kỹ trước khi đặt chân tới nước Anh.
Theo Bloomberg, Thủ tướng Rishi Sunak có vẻ kiên định củng cố Dự luật An toàn Trực tuyến thông qua các biện pháp trừng phạt hình sự đối với loạt ông chủ mạng xã hội. Dự luật được đưa ra nhằm bảo vệ người dùng dưới 18 tuổi khỏi những nội dung có hại, và vì vậy, đẩy Mark Zuckerberg đối mặt với 2 năm tù giam. Nguyên nhân là bởi nền tảng mạng xã hội Instagram có dấu hiệu hướng trẻ em Anh tới những nội dung cổ xuý tự tử.
Trước đó, bà Nadine Dorries, Bộ trưởng Kỹ thuật số, văn hóa, truyền thông và thể thao Anh đã cảnh báo CEO Mark Zuckerberg, rằng vị lãnh đạo này có thể sẽ phải ngồi tù nếu Meta không tuân thủ luật an toàn trực tuyến mới.
Danh sách các tội danh được thêm vào dự luật bao gồm khiêu dâm, gian lận, buôn bán ma túy hoặc vũ khí bất hợp pháp, khuyến khích hoặc tạo điều kiện cho hành vi tự sát… Theo Dự luật An toàn Trực tuyến, bất kỳ tài liệu nào chứa các hành vi vi phạm nói trên đều bị xóa khỏi các nền tảng mạng xã hội. Đơn vị sở hữu những nền tảng này cũng phải nhanh chóng ngăn chặn người dùng xem các nội dung đó.
Nghe có vẻ khắc nghiệt, song phía các chính trị gia rất mong muốn siết chặt quy tắc. Công cuộc sửa đổi có thể sẽ được thực hiện khi dự luật đệ trình lên Hạ viện vào mùa xuân này. Nếu không có gì bất thường, Dự luật An toàn Trực tuyến sẽ được thông qua trước tháng 11/2023, khi kỳ họp Quốc hội kết thúc. Theo Jimmy Wales, người đồng sáng lập Wikipedia, đây được coi là một trong những hình thức chuyên chế, trong khi số khác lại nghi ngờ hành vi trả đũa của Anh tại Thung lũng Silicon.
Trước đó, cựu nhân viên Facebook, bà Frances Haugen, đã chia sẻ tài liệu nội bộ với báo giới nhằm công khai cáo buộc mạng xã hội Facebook tác động tiêu cực lên sức khỏe tinh thần một số thanh thiếu niên. “32% các cô gái tuổi teen nói rằng khi họ cảm thấy ghét cơ thể của mình, Instagram khiến cảm giác này trở nên tồi tệ hơn”.
Nền tảng mạng xã hội Instagram được cho là có dấu hiệu hướng trẻ em Anh tới những nội dung cổ xuý tự tử.
Theo CNBC, bà Haugen cho rằng Facebook luôn đặt lợi nhuận của mình lên trên sức khỏe và sự an toàn của người dùng. Điều này phần lớn do thiết kế thuật toán hướng họ đến những bài đăng có độ tương tác cao song vô cùng độc hại.
“Tôi lên tiếng vì nhận ra một sự thật đáng sợ. Hầu như không ai bên ngoài Facebook biết những gì xảy ra bên trong nội bộ công ty này. Ban lãnh đạo lưu giữ những thông tin quan trọng từ công chúng, các cổ đông và chính phủ trên toàn thế giới”, bà Haugen nói.
Ngoài ra, cựu Giám đốc dự án Facebook này cũng cáo buộc Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg và công ty của ông cố tình quảng bá các sản phẩm gây hại cho trẻ em và thanh niên nhằm mục đích kiếm lợi nhuận không ngừng.
“Đã đến lúc tăng cường bảo vệ quyền riêng tư, ngăn quảng cáo nhắm đến mục tiêu là trẻ em và yêu cầu các công ty công nghệ ngừng thu thập dữ liệu bất hợp pháp từ các đối tượng này”, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói.
Tức giận vì các công ty công nghệ dường như không giữ lời ngừng gây hại lên sức khỏe tâm thần những người dùng trẻ, nhóm bảo vệ trẻ em của Anh, trong đó có NSPCC, đã thúc đẩy chính phủ siết chặt quy tắc với giới điều hành mạng xã hội.
Theo Stephen Bainbridge, giáo sư luật tại UCLA, việc trừng phạt toàn bộ công ty chỉ vì hành động xấu của một người đứng đầu như hiện nay là hết sức bất công. Cổ đông có thể bị mất tiền, còn nhân viên thì mất việc. Chính vì vậy, biện pháp trừng phạt riêng các lãnh đạo sẽ mang lại nhiều hiệu quả.
“Mark Zuckerberg sẽ không coi trọng quyền riêng tư người dùng, trừ khi nhận ra những hậu quả nghiêm trọng. Một khoản tiền phạt từ FTC sẽ không ăn thua, vì vậy theo dự luật, anh ta sẽ phải ngồi tù”, Thượng Nghị sĩ Ron Wyden, một người ủng hộ việc bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân, nói.
Theo các chuyên gia, Meta có thể sẽ làm bất cứ điều gì để ngăn chặn kịch bản đó xảy ra, song bản thân mối đe dọa gần như chắc chắn sẽ thúc đẩy các công ty hợp tác với cơ quan quản lý trực tuyến mới của Anh. Đây được coi là một sự thay đổi lớn tích cực.
Việc Thủ tướng Rishi Sunak kiên định củng cố Dự luật An toàn Trực tuyến thông qua các biện pháp trừng phạt hình sự khiến lãnh đạo các Big Tech đứng trước rủi ro.
Trước đó, hồi năm 2019, một dự luật về quyền riêng tư cũng đã được đề xuất. Theo đó, các Giám đốc điều hành công nghệ sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu tiết lộ thông tin cá nhân của người dùng. CEO Mark Zuckerberg có thể phải chịu hình phạt nặng nhất là ngồi tù 20 năm, theo các điều khoản của bộ luật quyền riêng tư đó.
Được biết, các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook, Instagram, YouTube, TikTok và các ứng dụng khác trước đây đều vấp phải chỉ trích gay gắt từ một số nhà lập pháp - những người cho rằng chúng có thể gây nghiện, quảng bá thông tin độc hại, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ dung túng cho các hành vi quấy rối. TikTok cũng từng bị tổng điều tra tại Mỹ do các Tổng chưởng lý liên bang nghi ngờ rủi ro tiềm ẩn của nền tảng này đối với sức khỏe trẻ em và thanh thiếu niên.
“Trẻ em và thanh thiếu niên vốn đã phải vật lộn với áp lực xã hội và căn bệnh trầm cảm, vì vậy chúng ta không thể để mạng xã hội làm tổn hại thêm sức khỏe thể chất và tinh thần của các em”, bà Healey nói. “Các Tổng chưởng lý của các bang có nhiệm vụ phải bảo vệ trẻ em và tìm hiểu xem các công ty như TikTok đang tác động như thế nào đến cuộc sống hằng ngày của chúng”.
Về phần mình, TikTok cho biết họ đã phân loại nội dung phù hợp với lứa tuổi, lưu ý một số tính năng như nhắn tin trực tiếp không khả dụng đối với trẻ em.
“Chúng tôi quan tâm sâu sắc đến việc xây dựng những trải nghiệm giúp bảo vệ và hỗ trợ hạnh phúc cộng đồng. Công ty đánh giá cao việc các Tổng chưởng lý đề cao sự an toàn của những người dùng trẻ tuổi. Chúng tôi luôn mong muốn có thể cung cấp thêm nhiều thông tin hơn về những biện pháp bảo vệ quyền riêng tư thanh thiếu niên của nền tảng”, đại diện TikTok cho biết.
Theo: Bloomberg, CNBC