Rao bán gần chục món đồ từ đồng hồ, đến máy nâng cơ mặt, máy xông hơi mặt cầm tay và mỹ phẩm các loại, chị Ánh Duyên (quận 3, TP HCM) chỉ bán được duy nhất một bộ serum dưỡng da đã trúng thưởng trong tiệc tất niên. Chị sang tay lấy 900.000 đồng, so với giá niêm yết 1,9 triệu đồng.
"Chỉ món này còn mới nguyên 100% và giảm hơn nửa giá mới có khách lấy. Các món còn lại đã qua sử dụng nhưng cũng còn khá mới. Rao giá rất rẻ mà không ai mua. Tết này thanh lý đồ không như kỳ vọng mọi năm", chị nói.
Chị Duyên rao bán đồ cũ qua các hội nhóm mỹ phẩm trên mạng xã hội. Song song đó, chị ký gửi tại các cửa hàng chuyên bán đồ cũ, với mức phí 30.000 đồng mỗi sản phẩm. Cửa hàng sẽ bán tại mặt bằng của họ và thông qua livestream. "Mùa này bán ký gửi rất chậm, họ trả lại tôi cả mớ đồ", chị Duyên nói thêm.
Không dựa vào bất kỳ hội nhóm hay nền tảng nào, anh Minh Lộc (TP Thủ Đức, TP HCM) tự rao bán chiếc iPhone 13 Pro Max 512 GB, pin còn 90%, không trầy xước, và tặng kèm 30 chiếc ốp lưng với giá mong muốn là 22 triệu đồng trên trang mạng xã hội cá nhân.
Sau một ngày, anh nhận 16 lời hỏi mua nhưng vẫn chưa chốt được khách nào. Hầu hết đều trả giá thấp hơn, duy nhất một người chấp nhận giá 22 triệu đồng nhưng xin trả góp 3 tháng.
"Tôi đã tham khảo thị trường từ trước. Tôi đưa ra giá rẻ hơn máy cũ cửa hàng 3 - 4 triệu đồng và rẻ hơn ứng dụng chuyên thanh lý đồ 1-2 triệu đồng nhưng khách muốn giảm thêm làm tôi lưỡng lự", anh Lộc cho biết.
Thực tế, Tết năm nay so với năm ngoái, nền tảng chuyên bán đồ cũ Chợ Tốt cũng ghi nhận tăng trưởng lượt đăng bán điện thoại cũ cao gấp 500 lần so với tốc độ tăng trưởng tin đăng bán điện thoại mới, lần lượt là 23% và 0,04%. Trong khi đó, lượt liên hệ mua điện thoại mới giảm 33% còn điện thoại cũ giảm 10%. Tính chung các sản phẩm công nghệ thì tin rao bán tăng cao nhưng lượt liên hệ mua TV, điện thoại, laptop, máy tính bảng... đều giảm sâu.
Không chỉ điện thoại, báo cáo thị trường của Chợ Tốt cho biết, hoạt động mua bán hầu hết ngành hàng, đặc biệt là các sản phẩm có giá trị cao như đồ gia dụng, thiết bị điện tử và không thiết yếu đều giảm 4-14% so với trung bình sức mua của cả năm. Riêng sức tiêu cho nhóm giá trị cao giảm 8-21%.
Trái ngược với suy giảm ở bên mua, số lượng tin đăng thanh lý sản phẩm mùa Tết tăng vọt. Đơn cử các sản phẩm công nghệ dịp cuối năm tăng mạnh 5-24%. Tình hình cũng tương tự trên nhóm mua bán Sài Gòn Chợ Lạc Xoong, một nhóm mua bán với hơn 75.800 thành viên trên mạng xã hội.
"Thu nhập giảm nên dòng tiền vào chợ không nhiều, mọi người không dám mua sắm mạnh tay nên chỉ mua đồ ăn uống là chính", ông Đàm Hà Phú, Nhà sáng lập chợ cho biết. Theo ông, các tiểu thương online đắt hàng mùa này ngoài thực phẩm thì còn lại là nhóm quần áo. "Quần áo thanh lý rất mau, hoặc hàng nội thất, độ điện cũ nhưng giá trị thấp", ông nói thêm.
Tương tự, đại diện Chợ Tốt cho hay điểm sáng thị trường Tết năm nay là ngành hàng thời trang, với hoạt động giao dịch vẫn tăng trưởng 9% do nhu cầu mặc đồ mới đón Tết, thái độ cởi mở hơn về việc mua quần áo cũ. Cùng với đó, sản phẩm công nghệ giá bình dân, linh phụ kiện thay thế, đính kèm tăng 3-5%.
Ông Phú cho rằng, do cung nhiều hơn cầu, người thanh lý đồ cũ mùa Tết năm nay muốn bán được nhanh chỉ còn cách chấp nhận hạ giá sâu hơn. "Giá thật sự hời thì sẽ bán được rất nhanh, không còn cách nào khác", ông nói.
Chị Thu Xuân (Gò Vấp, TP HCM) cho biết vì cần tiền mặt nên phiếu mua hàng đồ điện tử 3 triệu đồng trúng thưởng tiệc tất niên phải chấp nhận cho "ra đi nhanh" với giá 2 triệu đồng.
"Chờ thêm khách khác có thể giá tốt hơn nhưng khá mất thời gian. Trước đó, các phiếu dịch vụ như phòng khách sạn muốn bán được thì phải giảm một nửa giá có khi 70% mới có người lấy", chị Xuân kể kinh nghiệm.
Viễn Thông