vĐồng tin tức tài chính 365

Rủ nhau đi đón Việt kiều...

2023-01-18 10:39
Rủ nhau đi đón Việt kiều... - Ảnh 1.

Việt kiều về nước đông. Thật vui khi người thân đã gặp người thân - Ảnh: T.T.D.

Nhiều nhà "chơi lớn", thuê hẳn xe 16 chỗ chở bà con lên tận sân bay đón cho bớt… nôn nao. Không khí sân bay những ngày cuối năm thật xúc động. Những vòng tay siết chặt, những cái khoác vai, những nụ cười hạnh phúc và cả những giọt nước mắt trùng phùng.

Náo nức đón người thân

Đón người yêu từ Osaka, Nhật Bản, sau sáu tiếng bay về Việt Nam, anh Quế An (quận Phú Nhuận) đã canh giờ máy bay hạ cánh, cộng thêm thời gian chờ nhập cảnh và lấy hành lý khoảng một giờ. Thay vì chen vào dòng người đứng đợi, anh nhắn tin cho bạn gái sẽ đón ở vị trí cột số 15 - góc sảnh đến vắng người hơn ở sân bay Tân Sơn Nhất. Sau 20 phút, anh và bạn gái gặp nhau rồi ra về, thoát cảnh chen chúc "khỏe re".

Chuyện một người về, 10 người đón là bình thường. Giữa "biển người" qua lại tại ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất, hình ảnh nhiều người thuộc lứa trung niên khoảng 50 - 60 tuổi, cả những em nhỏ tầm 7 - 10 tuổi, dõi mắt theo từng người bước ra để mong sớm gặp người thân. Không ít người mệt lả sau quãng đường dài di chuyển và mỏi mòn đợi ở sân bay, nhưng khi gặp người thân kéo vali ra thì cười nói rôm rả như chưa hề mỏi mệt.

Chia sẻ với chúng tôi, phần lớn những người đi đón có chung lý do vì người thân của họ cả năm (không ít người là nhiều năm) mới về nước ăn Tết một lần nên mừng quá, lên tận sân bay đón cho "bớt nôn".

Bà Phạm Thị Sáu (65 tuổi), quê Sóc Trăng, thuê chiếc xe 16 chỗ chở dì, chú, cô và cả... hàng xóm đi đón gia đình con trai định cư ở Canada đã lâu chưa về. Bà Sáu bảo không nôn sao được khi nghe con nói lần này nó đưa cả vợ và hai đứa con gái về quê ăn Tết với ông bà. Hơn tháng nay, cả nhà bà chộn rộn, dọn dẹp nhà cửa, chỉ trông tới ngày được lên sân bay đón con cháu.

Ở Mỹ hơn 20 năm, ông Tuấn Kiệt, Việt kiều Mỹ, ít khi về quê ăn Tết. Năm nay nhân việc ra Tết đứa cháu ruột làm đám cưới, ông Kiệt kết hợp về nước luôn. Hơn 15 người bà con của ông đã rủ nhau lên sân bay Tân Sơn Nhất đón cho... hoành tráng.

"Tôi biết là phiền người thân khi phải chen chúc đợi đón nhưng không thể từ chối được sự nhiệt tình. Xuống sân bay lúc 0h, tôi nhắn tin liền cho người nhà, bảo chờ sau hai tiếng nữa mới ra khỏi nhà ga để họ bớt sốt ruột. Cảm giác về Việt Nam có gia đình ra đón thực sự rất khó tả. Lần nào về một mình thấy buồn rười rượi. Ai trải qua mới biết", ông Kiệt nói.

Dù vậy, cũng có người cho rằng thời nay việc kết nối, trò chuyện qua Facebook, Zalo... đã rất dễ dàng, không còn xa cách như trước, nên có lẽ cần thay đổi cách thức đưa đón. Điều này sẽ giúp tránh ùn tắc ở sân bay, giảm tình trạng chen lấn, đôi khi nhếch nhác vì quá nhiều người đến chỉ để đón... một người. Chưa kể hành trình đi đón người nhà của nhiều gia đình ở các tỉnh rất chật vật, mỏi mệt khi phải vượt quãng đường vài trăm cây số suốt 5 - 6 tiếng, chờ giờ hạ cánh lúc nửa đêm rồi lại gấp gáp quay về, rất vất vả.

Rủ nhau đi đón Việt kiều... - Ảnh 2.

Rất đông người dân chờ đón người thân ở ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cần bố trí hợp lý hơn

Tình cảm của những người đi đón có lẽ ai cũng hiểu, song thực tế vẫn có những cách đón đưa hợp lý khác, vẫn đong đầy tình cảm nhưng không quá vất vả cho cả người đi đón lẫn người được đón và sân bay cũng bớt... quá tải.

Nhiều du học sinh cho biết muốn tạo bất ngờ và cũng tránh để mọi người phải vất vả đi lại đường xa nên chỉ thông báo chung chung chứ không cụ thể lịch trình. Xuống sân bay là bắt xe về nhà, chẳng phiền ai. Đến nơi, cả nhà ai nấy đều bất ngờ. Với họ, sang nước ngoài một mình, ngay cả lần đầu tiên còn có thể tự xử lý được mọi việc thì chuyện về nhà đâu vất vả gì. 

"Thể hiện tình cảm thì về nhà thể hiện. Việc đứng ngồi đông đúc ở sân bay không thể nói là thể hiện tình cảm nhớ nhung được", một nữ Việt kiều Úc (quận Gò Vấp) nói. Chị cho biết toàn tự đi, về một mình, bất đắc dĩ mới có một đứa em ra đưa/đón. Chị không muốn cha mẹ già phải ngồi chờ đợi mệt mỏi, uể oải ngoài sân bay. Theo chị, ở nhiều nước khác cũng không ai mất cả ngày cả buổi như vậy.

Giám đốc một chuỗi cửa hàng điện thoại lớn tại TP.HCM mới đây đáp chuyến bay từ Mỹ về Việt Nam cho biết sau khi hạ cánh đã phải mất hơn một  tiếng chờ lấy hành lý vì quá đông. Khi bước ra nhà ga, ông "choáng" trước cảnh bà con đón người thân đông đúc như ở sân vận động. Ông chủ động đẩy hành lý ra đón xe buýt từ sân bay về nhà với giá chưa tới... 1 USD (gồm vé khách và bốn kiện hành lý).

Dù vậy trên thực tế, tình trạng chen chúc chờ đón Việt kiều ở sân bay những năm qua không hề thuyên giảm. Thậm chí hiện nay với điều kiện kinh tế tốt hơn, đường bay mở nhiều hơn, số chuyến bay quốc tế tăng thêm, Việt kiều về thăm quê ăn Tết càng đông khiến tình trạng "kẹt cứng" ở sân bay những ngày giáp Tết cổ truyền càng căng thẳng.

Việc đưa đón Việt kiều mỗi khi Tết đến còn tiếp diễn dù theo thời gian có thể sẽ bớt căng thẳng hơn. Nhưng có lẽ các sân bay cũng cần có phương án tăng cường phân luồng, bố trí hỗ trợ để việc đưa đón này được thuận lợi, đảm bảo an toàn, vì dù sao thì cũng là... Tết mà!

Rủ nhau đi đón Việt kiều... - Ảnh 3.

Ghi tên người thân để dễ nhận ra nhau Ảnh: Q.ĐỊNH

Rủ nhau đi đón Việt kiều... - Ảnh 4.

Giây phút đoàn tụ cùng người thân sau thời gian dài xa cách - Ảnh: T.T.D.

Rủ nhau đi đón Việt kiều... - Ảnh 5.

Nắm tay người thân không rời sau thời gian dài gặp lại - Ảnh: Q.ĐỊNH

Tra cứu chuyến bay để đưa đón thuận tiện hơn

Anh Nguyễn Anh Tiên, làm việc ở sân bay Tân Sơn Nhất, cho biết hệ thống tra cứu chuyến bay rất dễ dàng, thuận tiện, mọi người có thể sử dụng để theo dõi hành trình và lên kế hoạch đưa đón phù hợp.

Chẳng hạn, chỉ cần biết số hiệu chuyến bay của người nhà, người thân có thể lên trang Flighrada24.com (trang theo dõi các chuyến bay) tra cứu, từ đó nắm được hành trình bay và thời gian dự kiến hạ cánh.

Nếu muốn thoải mái hơn, có thể cộng thêm khoảng một tiếng so với giờ đáp cho thủ tục nhập cảnh, lấy hành lý. Theo anh Tiên, chủ động tra cứu chuyến bay như vậy sẽ giúp khách hàng nắm được rõ giờ bay, giờ hạ cánh, tránh phải chờ đợi lâu mệt mỏi ở sân bay.

Kiều bào về Việt Nam ăn Tết: Bên gia đình là mùa xuânKiều bào về Việt Nam ăn Tết: Bên gia đình là mùa xuân

2-3 năm cách biệt do đại dịch COVID-19 đủ dài để nhiều người nhận ra cần trân trọng từng phút giây bên gia đình. Và rất đông kiều bào đã về quê nhà Việt Nam đón Tết.

Xem thêm: mth.94451801081103202-ueik-teiv-nod-id-uahn-ur/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Rủ nhau đi đón Việt kiều...”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools