Số liệu giới chức Trung Quốc công bố hôm 17/1 cho thấy dân số nước này năm 2022 lần đầu đi xuống kể từ năm 1961. Theo đó, con số này giảm 850.000 xuống 1,4 tỷ người. Tốc độ giảm mạnh hơn dự báo đánh dấu bước ngoặt với nước này, có khả năng tác động lớn đến nền kinh tế và vai trò công xưởng thế giới của họ.
Dấu mốc về dân số xảy ra khi Trung Quốc vẫn là nền kinh tế đang phát triển, có thu nhập trung bình. Các nhà kinh tế học cho rằng mục tiêu của giới chức Trung Quốc – vượt Mỹ thành nền kinh tế lớn nhất thế giới – giờ sẽ càng khó khăn hơn khi dân số giảm.
"Khả năng Trung Quốc vượt Mỹ giờ đã giảm một bậc", Roland Rajah – kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Lowy (Australia) nhận định trên Wall Street Journal.
Kinh tế toàn cầu đang ngày càng dựa vào lực lượng lao động nhà máy đông đảo của Trung Quốc để sản xuất hàng hóa. Người tiêu dùng nước này cũng là thị trường đang lên cho các hãng xe và hàng thời trang xa xỉ phương Tây. Vì thế, việc dân số suy giảm đồng nghĩa số người tiêu dùng giảm đi, đúng thời điểm Trung Quốc chịu sức ép thúc đẩy tăng trưởng bằng tiêu dùng, thay vì đầu tư và xuất khẩu.
Khả năng hồi phục tiêu dùng cũng sẽ chịu sức ép bởi thị trường lao động yếu và giá nhà giảm – kéo theo tài sản của các gia đình Trung Quốc giảm. Tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm 16-24 vẫn cao, với 16,7% trong tháng 12. Tăng trưởng thu nhập khả dụng có thể chậm lại, còn 4% mỗi năm trong 5 năm tới, giảm từ 8% trước đại dịch, theo David Wang – kinh tế trưởng tại Credit Suisse cho biết.
Trung Quốc gần đây đã rút lại hàng loạt chính sách chống dịch ngặt nghèo vốn kìm hãm tăng trưởng năm 2022, để mở đường cho phục hồi kinh tế năm nay. Bước ngoặt này là một phần trong kế hoạch thúc đẩy nền kinh tế, trong đó có nới lỏng quy định về bất động sản và công nghệ.
Bắc Kinh đặt cược hoạt động kinh tế hồi phục mạnh khi giới chức ngày càng phát đi nhiều tín hiệu rằng tỷ lệ lây nhiễm đã đạt đỉnh. Một số cố vấn của chính phủ Trung Quốc cho rằng giới chức nhiều khả năng công bố mục tiêu tăng trưởng 5-5,5% cho năm 2023, tương đương năm ngoái. Hôm 17/1, Trung Quốc công bố GDP năm 2022 tăng 3% - mức tệ thứ nhì kể từ năm 1976.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đang diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ), Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã gửi thông điệp trấn an đến các nhà đầu tư và lãnh đạo doanh nghiệp. Ông cho biết tăng trưởng của Trung Quốc sẽ quay về mức tiền đại dịch trong năm nay, khi nước này mở cửa trở lại.
Trong một phiên thảo luận tại Davos với chủ đề "Chương tiếp theo của Trung Quốc", các diễn giả đều tỏ ra lạc quan. Lãnh đạo Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong Nicolas Aguzin cho biết việc Trung Quốc đại lục mở cửa và bỏ chính sách Zero Covid là "chất xúc tác tích cực nhất" với các thị trường toàn cầu năm nay.
"Nếu Trung Quốc tăng trưởng ổn định trong năm 2023, khoảng 5% hoặc hơn, tăng trưởng toàn cầu sẽ được củng cố đáng kể", Kevin Rudd – CEO Asia Society cho biết.
Tuy nhiên, các biện pháp của Trung Quốc sẽ gặp phải hàng loạt thách thức. Đó là dân số già nhanh, năng suất giảm, mức nợ cao và bất bình đẳng xã hội tăng. Các nhà kinh tế học cho rằng những vấn đề này sẽ gây sức ép lên kinh tế Trung Quốc nhiều thập kỷ tới. Trong đó, dân số giảm có thể còn đe dọa kinh tế nhiều hơn là tăng trưởng chậm.
Một nền kinh tế có thể tăng trưởng nếu có thêm lao động, hoặc năng suất lao động tăng. Tuy nhiên, lực lượng lao động của Trung Quốc – đã đạt đỉnh từ năm 2014 – và được dự báo giảm 0,2% mỗi năm cho đến 2030, theo báo cáo của S&P Global Ratings.
Tăng trưởng năng suất cũng đang chậm lại. Tốc độ này đạt trung bình 1,3% giai đoạn 2009 – 2019, giảm so với 2,7% thập kỷ trước đó, theo ước tính của tổ chức nghiên cứu Conference Board. "Trung Quốc có vẻ sẽ già trước khi giàu", Andrew Harris – nhà kinh tế tại Fathom Consulting nhận định.
Dù vậy, các nhà kinh tế học cho rằng vẫn có lý do để lạc quan. Trung Quốc có thể tận dụng tốt hơn nguồn lao động thành thị, đang làm việc dưới khả năng trong các doanh nghiệp nhà nước, cũng như các lao động ở nông thôn.
Họ cũng có thể bổ sung công nghệ, tự động hóa vào các nhà máy, để thay thế hoặc hỗ trợ lực lượng lao động đang co lại. Các tiến bộ về robot, trí tuệ nhân tạo và các lĩnh vực công nghệ cao khác có thể kéo năng suất lên đáng kể, Harris cho biết. Dù vậy, ông nói rằng không dám chắc các biện pháp này sẽ thành công.
Trung Quốc vẫn đang sử dụng công thức tăng trưởng cũ, là khuyến khích các địa phương và doanh nghiệp đi vay để đầu tư. Các nhà kinh tế học đã cảnh báo mô hình này không bền vững trong dài hạn.
Tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc đã lên cao trong đại dịch, do các chính quyền địa phương đi vay để cấp vốn dự án cơ sở hạ tầng và thúc đẩy kinh tế. Tính đến tháng 6/2022, tín dụng cho lĩnh vực phi tài chính đạt 51.800 tỷ USD, tương đương gần 300% GDP, theo dữ liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS).
Các chính sách của Trung Quốc trong đại dịch tập trung vào khía cạnh nguồn cung hơn là nhu cầu của nền kinh tế. Không như nhiều nước phương Tây, chính phủ Trung Quốc không hỗ trợ tiền cho các hộ gia đình. Phần lớn nỗ lực hỗ trợ là cho các hãng sản xuất.
"Các vấn đề hệ thống mà Trung Quốc gặp phải trước Covid-19 giờ vẫn tồn tại", George Magnus – nhà kinh tế học tại Đại học Oxford cho biết, "Một số còn trầm trọng hơn do đại dịch".
Dù một số diễn giả tại Davos tỏ ra lạc quan, nhà đầu tư và lãnh đạo doanh nghiệp trong và ngoài Trung Quốc vẫn lo lắng về sự sẵn sàng của Bắc Kinh trong việc mạnh tay gỡ bỏ hạn chế với doanh nghiệp tư nhân. Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã trấn an lo ngại này tại Davos. Ông khẳng định họ sẽ không quay về nền kinh tế kế hoạch.
Trung Quốc cũng đang tìm cách tự chủ trong nhiều lĩnh vực chủ chốt. Nước này tập trung cấp vốn vay giá rẻ cho các ngành được ưu tiên, như chất bán dẫn, năng lượng tái tạo và dược phẩm. Dù vậy, các nhà kinh tế cho rằng các khoản chi này thường dành cho doanh nghiệp quốc doanh có hiệu suất làm việc thấp, khiến đột phá thực sự bị hạn chế.
Hà Thu (theo WSJ)