Cổ phiếu công nghệ Trung Quốc đã ghi nhận đã tăng giá mạnh mẽ, đưa vốn hoá lên 700 tỷ USD khi quốc gia này bắt đầu mở cửa trở lại và quy định siết chặt đã được nới lỏng với lĩnh vực này. Sự hứng khởi đã thu hút sự chú ý của các nhà quản lý tài sản nước ngoài sau thời “tháo chạy”.
Hang Seng Tech Index - theo dõi các công ty công nghệ Trung Quốc, đã tăng gần 60% kể từ mức thấp nhất vào tháng 10 năm ngoái. Những công ty vốn hoá lớn như Tencent và Alibaba đạt tổng cổng 350 tỷ USD vốn hoá, dựa theo dữ liệu của Bloomberg.
Đà tăng này trái ngược hoàn toàn với diễn biến đầy tiêu cực vào năm ngoái. Nhiều công ty lớn trong lĩnh vực này đã ghi nhận vốn hoá giảm mạnh kể từ năm 2021 do những quy định gắt gao của Bắc Kinh. Ở đỉnh điểm của đợt siết chặt quy định, nhiều nhà quản lý quỹ nước ngoài đã nhận định chứng khoán Trung Quốc trở thành điểm “không thể đầu tư”.
Hiện tại, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn hoài nghi. Các chiến lược gia và trader chia sẻ rằng trong khi các nhà đầu tư địa phương và quỹ phòng hộ đang “gom” cổ phiếu công nghệ Trung Quốc kể từ khi đà hồi phục bắt đầu diễn ra, nhưng hầu hết các nhà đầu tư lớn trên toàn cầu vẫn “đứng ngoài”.
Andy Maynard - trader tại ngân hàng đầu tư China Renaissance, cho hay: “Liệu có phải một nhà quản lý quỹ đầu tư vào lĩnh vực công nghệ ở Boston đã tạo động lực cho đợt hồi phục này không? Tôi sẽ nói là không. Giờ đây mọi thứ như FOMO.”
Vốn hoá của Hang Seng Tech Index (nghìn tỷ USD).
Các nhà đầu tư và nhà phân tích quốc tế từng đóng vai trò là một trong những động lực lớn nhất đối với các cổ phiếu công nghệ như Alibaba, Tencent và NetEase - những công ty trong nhiều năm đã giúp thúc đẩy đà tăng trưởng thần tốc của Trung Quốc và định hình lại nền kinh tế bằng các “siêu ứng dụng”. Song, bối cảnh đã thay đổi hoàn toàn vào nửa cuối năm 2021, khi Bắc Kinh tiến hành một cuộc điều chỉnh quy định phạm vi lớn với các doanh nghiệp quyền lực nhất của ngành.
Giờ đây, các chiến lược gia nhận định “cuộc chơi” lại thay đổi khi Bắc Kinh đang tận dụng mọi nguồn lực sẵn có để thúc đẩy tăng trưởng sau thời gian duy trì chính sách Zero Covid. Đà tăng gần đây của TTCK đã nhận được động lực từ những lời kêu gọi tích cực từ những nhà phân tích, dù trước đây họ từng cảnh giác với việc khuyến nghị nhà đầu tư quay lại với lĩnh vực công nghệ.
Si Fu - chiến lược gia cổ phiếu Trung Quốc tại Goldman Sachs, cho biết việc áp lực về quy định pháp lý giảm bớt, động lực lợi nhuận được cải thiện với các cổ phiếu công nghệ và rủi ro bị huỷ niêm yết ở New York bớt căng thẳng đang góp phần vào đà hồi phục. Ông cũng nói thêm rằng, việc Trung Quốc mở cửa trở lại “cũng có thể thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng và chi tiêu ở các trung tâm thương mại.
Các nhà phân tích tại Morgan Stanley cũng ngày càng lạc quan hơn khi đánh giá công nghệ là lĩnh vực có tiềm năng trở nên vượt trội trong bối cảnh mọi hoạt động được mở cửa trở lại. Gần đây, họ đã đưa ra khuyến nghị đối với “các công ty internet Trung Quốc có vốn hoá lớn, thanh khoản cao và đặc biệt là Alibaba.”
Cổ phiếu công nghệ Trung Quốc hồi phục mạnh mẽ.
Một số tín hiệu mạnh mẽ nhất về tiềm năng mua vào vào trong năm đến từ Bắc Kinh. Chính quyền Trung Quốc bắt đầu nắm giữ “cổ phần vàng” - có quyền đặc biệt với một số quyết định kinh doanh, trong các công ty của Alibaba và Tencent. Động thái này đánh dấu vai trò của chính phủ đối với các tập đoàn công nghệ và báo hiệu cho đợt siết chặt quy định sắp kết thúc. Các nhà chức trách cũng tiếp tục phê duyệt các tựa game quan trọng với Tencent và NetEase và hãng gọi xe Didi cũng được đăng ký khách hàng mới sau cuộc điều tra cách đây 2 năm.
Zhikai Chen - trưởng bộ phận chứng khoán châu Á tại BNP Paribas Asset Management, nhận định những động thái đó thực tế hơn trước đây. Ông nói: “Hiện tại, Trung Quốc đang có những hành động tích cực và mạnh mẽ hơn lời nói.” Nhưng ông cũng cho biết các quỹ toàn cầu, sau cú sốc lớn trong 3 năm quá, có lẽ vẫn chưa đánh giá cao lĩnh vực công nghệ Trung Quốc và điều họ quan tâm là liệu kết quả kinh doanh trong các quý tới sẽ ra sao.
Tâm lý cảnh giác đó được phản ánh trong báo cáo đánh giá về dòng tiền và dữ liệu nắm giữ cổ phần được thực hiện bởi các nhà phân tích của China International Capital Corporation. Báo cáo cho thấy đợt tăng giá gần đây của chứng khoán Hong Kong chủ yếu được thúc đẩy bởi các quỹ phòng hộ và những đợt short covering, khi nhà đầu tư bán khống cổ phiếu cần mua lại để đóng vị thế.
Si - chuyên gia của Goldman, nhận định toàn bộ hoạt động giao dịch với cổ phiếu Trung Quốc ở Mỹ, Hong Kong và đại lục chứng kiến vị thế của các quỹ phòng hộ tăng lên đáng kể, trong khi các quỹ vị thế mua không tăng nhanh như vậy.
Maynard nhận định mức định giá của các cổ phiếu lớn nhất ngành công nghệ khó có thể quay lại mức cao như trước đợt siết chặt quy định. Ông nói: “Chúng ta sẽ không thể quay trở lại nửa đầu năm 2021, mọi thứ đã thay đổi. Các động lực giờ đây đã khác rất nhiều, bao gồm thị trường, môi trường pháp lý, kinh tế vĩ mô…”
Tham khảo FT