Theo báo cáo tài chính mới công bố, Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.210 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Do mức giảm của doanh thu lớn hơn mức giảm của giá vốn hàng bán nên dù chi phí hàng bán tiết giảm 15% nhưng lợi nhuận gộp trong kỳ vẫn giảm từ 201,7 tỷ đồng xuống chỉ còn 154,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chi phí bán hàng trong quý giảm hơn 53% xuống chỉ còn 36 tỷ đồng nhưng chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng mạnh lần lượt 396% và 19% so với cùng kỳ. Điều này dẫn đến sau khi khấu trừ các chi phí, công ty thu về 81 tỷ đồng lợi nhuận trong quý IV, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2021
Nguyên nhân sự giảm trên được phía công ty lý giải là do thị trường tiêu thụ chịu ảnh hưởng từ lạm phát và suy thoái kinh tế nên sức tiêu thụ của FMC cũng bị trầm lắng, doanh số bán hàng chỉ đạt 84% so với quý trước.
Luỹ kế năm 2022, doanh thu thuần của Sao Ta đạt 5.701 tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm 2021. Trong đó, đóng góp nhiều nhất là doanh thu đến từ bán thuỷ sản đạt hơn 5.488 tỷ đồng, chiếm 96% tổng cơ cấu.
Trong năm, công ty ghi nhận khoản lãi chênh lệch tỉ giá hơn 73,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ ghi nhận hơn 39,4 tỷ đồng, tăng 86%. Khoản lãi trên đến từ tăng tỉ giá ngoại tệ trong thời gian gần đây, đem lại nguồn thu cho các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản như Sao Ta.
Đáng chú ý, trong chi phí bán hàng năm 2022 của công ty có ghi nhận chi phí chống bán phá giá tăng hơn 124% lên chỉ còn 5,3 tỷ đồng. Theo thông tin từ phía công ty, đây là khoản chi phí thuế chống bán phá giá áp dụng cho các công ty xuất khẩu tôm sang Mỹ.
Sau thuế, công ty báo lãi 319 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2021. Kết quả này đã giúp công ty hoàn thành kế hoạch đề ra của cả năm.
Về tình hình tài chính doanh nghiệp, tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của Sao Ta ở mức 2.988 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận giảm 26%, còn gần 280 tỷ đồng. Chỉ số hàng tồn kho cũng giảm nhẹ xuống còn 929 tỷ đồng.
Đặc biệt, chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng mạnh 137%, từ 188 tỷ đồng vào đầu năm lên 445,5 tỷ đồng vào cuối năm. Theo đó, mức tăng đa phần đến từ dự án nhà máy thuỷ sản Sao Ta với chi phí 377 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với số đầu năm.
Dư nợ phải trả đến cuối kỳ của công ty đạt 874 tỷ đồng, tăng 20,8%, trong đó, nợ ngắn hạn chiếm đa số. Đáng chú ý, các khoản vay ngắn hạn chiếm tới gần 59% cơ cấu dư nợ của Sao Ta.
Thông tin thêm về các khoản vay ngắn hạn, Sao Ta hiện đang có khoản vay ngắn hạn hơn 515 tỷ đồng, tăng 24,5% bao gồm 4 khoản vay ngoại tệ đến từ 2 ngân hàng là Vietcombank và Vietinbank. Trong đó, khoản vay lớn nhất trị giá hơn 207,6 tỷ đồng với tài sản đảm bảo là hàng tồn kho và các khoản phải thu, nhà máy và nhà ở công nhân cùng một số tài sản khác của Sao Ta.
Chia sẻ với truyền thông tại Lễ mừng xuất khẩu thuỷ sản đạt 10 tỷ USD, Chủ tịch HĐQT Thực phẩm Sao Ta, ông Hồ Quốc Lực cho biết: “Năm 2022 đi qua, để lại cho ngành thủy sản bao vui buồn lẫn lộn. Vui vì đầu năm với những con số tăng trưởng bất ngờ đầy phấn chấn, tự hào. Buồn vì cuối năm khi sản xuất, tiêu thụ giảm quá lớn, cũng có phần bất ngờ và đáng lo hơn là hệ quả chưa dừng lại”.
Chính vì vậy, theo ông Lực, các doanh nghiệp thuỷ sản cần chú trọng lớn nhất là làm tăng sức cạnh tranh sản phẩm thông qua tính toán tối ưu quy trình chế biến, các định mức tiêu hao; chú trọng nâng cao năng suất thông qua trang bị các công cụ hỗ trợ; đồng thời coi trọng sự uyển chuyển trong hoạch định thị trường từng giai đoạn, đi liền là sản phẩm tập trung tương ứng cũng như chọn lọc lại các khách hàng phù hợp.