vĐồng tin tức tài chính 365

'Thắt chặt hầu bao' sắm Tết

2023-01-19 07:33

Chị Hà, chuyên bán hàng xách tay, chia sẻ, lượng đơn hàng giảm một nửa so với năm ngoái. "Hàng năm, sau 23 tháng Chạp, hàng bán rất được, tôi chốt đơn, giao hàng liên tục. Nay thì ế ẩm", chị kể. Theo chị, khách hàng cũng tính toán, chi li hơn trong mua sắm Tết dù tệp khách hàng quen chủ yếu làm cho công ty nước ngoài, công ty nhà nước quy mô lớn, thu nhập ở mức ổn định.

Ví dụ, khác với các năm, giỏ quà giá rẻ dao động 550.000-800.000 đồng năm nay được ưa chuộng hơn. Khách hàng thay vì chọn mua các loại đùi heo muối trọng lượng 5 kg như năm ngoái, nay chuyển xuống loại 1kg.

Điều này cũng tương tự với đồ phụ kiện, trang sức. Như với đồng hồ, chị Hà cho biết, cận Tết các năm đều chốt đơn "loại mười mấy triệu một cái" thì nay không bán được. "Túi xách từ các loại có giá trên 5 triệu giờ cũng ít có người mua, họ chỉ chọn quanh mức giá 1 triệu đồng. Trang sức cũng chỉ quanh quẩn những bộ có giá 2 triệu đồng", chị nói.

Người dân mua hàng tại Big C Gò Vấp. Ảnh: Thi Hà

Người dân mua hàng tại Big C Gò Vấp TP HCM. Ảnh: Thi Hà

Chị Minh, chủ một cửa hàng bán trái cây online tại Hà Nội, cho biết sức mua giảm. "Khách giờ không mua rộng rãi như trước, họ tập trung vào những hoa quả thiết yếu", chị nói. Không chỉ khách mua online giảm, chị Minh kể, cơ sở bán buôn hoa quả của gia đình ở chợ Long Biên cũng ế khách.

"Chưa năm nào những ngày cận Tết bán lại chán như bây giờ. Mọi năm là hàng chục xe hàng, năm nay lẹt đẹt 1-2 xe mà còn không mấy người mua", chị chia sẻ. Tương tự, An Linh, chủ cửa hàng bán hoa ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) kể, khác với mọi năm "ngập việc" thì nay "người mua rén lắm, chỉ hỏi chứ không thấy mua".

Khảo sát tại các chuỗi cửa hàng điện máy, nội thất cũng cho thấy tình trạng "ế ẩm" dù có khuyến mãi khủng. Một nhân viên cửa hàng điện tử trên phố Nguyễn Trãi (Hà Nội), cho biết, khách chỉ xem và so sánh giá chứ không mua. "Tư vấn cho khách cho khách đủ thứ, họ gật đầu có vẻ ưng nhưng rồi lại hẹn hôm sau quay lại", người này kể.

Tương tự, tại siêu thị điện máy trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh, TP HCM), quản lý cửa hàng cho biết, nếu các năm trước khách xếp thành hàng dài để thanh toán thì nay sức mua không mấy khả quan. "Người dân thắt chặt chi tiêu nên hàng điện máy ế ẩm. Chúng tôi vẫn cố đợi khách từ nay đến hết 30 Tết", quản lý cửa hàng nói.

Ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện hệ thống CellphoneS (chuỗi cửa hàng chính hãng điện thoại, máy tính và smarthome) thông tin, sức mua cận Tết chỉ tăng khoảng 35% và đạt đỉnh 50% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 50% và 100% của những năm trước. Giai đoạn cao điểm mua sắm cũng tương đối ngắn, khoảng một tuần, trong khi thông thường lên đến hai tuần.

"Đây cũng là kịch bản đã được dự báo trước khi tình hình kinh tế, đặc biệt trong nửa cuối năm 2022, có nhiều tin tức kém lạc quan như người lao động bị chậm hoặc giảm thưởng Tết khiến việc mua sắm có phần kém sôi động", ông Huy nói.

Nhóm hàng mang lại doanh số lớn và tăng trưởng tốt vẫn đến từ Apple. Ngoài ra, sức mua cũng được ghi nhận tăng mạnh ở các sản phẩm tivi, máy lọc không khí, robot hút bụi và camera an ninh. Trong khi đó, các sản phẩm IT, laptop và điện thoại ở phân khúc giá rẻ trầm lắng hơn nhiều so với mọi năm. Nguyên nhân là nhu cầu sản phẩm IT khá bão hoà trong tình cảnh dư thừa nguồn cung và khách hàng chính của điện thoại phân khúc giá rẻ là người lao động phổ thông bị ảnh hưởng mạnh về thu nhập.

So với Tết năm ngoái, dữ liệu của nền tảng chuyên bán đồ cũ Chợ Tốt cũng ghi nhận hiện tượng đông người bán, ít khách mua. Cụ thể, lượng đăng bán điện thoại cũ tăng 23%, điện thoại mới tăng 0,04%, trong khi lượt liên hệ mua điện thoại mới giảm 33%, điện thoại cũ giảm 10%. Không chỉ điện thoại, hoạt động mua bán hầu hết ngành hàng, đặc biệt là các sản phẩm có giá trị cao như đồ gia dụng, thiết bị điện tử và không thiết yếu đều giảm 4-14% so với trung bình sức mua của cả năm. Riêng sức tiêu cho nhóm giá trị cao giảm 8-21%.

Điểm sáng của mua sắm năm nay hiện tập trung vào các mặt hàng thực phẩm. Tại TP HCM, so với năm ngoái sức mua tại các chợ và siêu thị đang tăng từng ngày. Ghi nhận tại một số chợ truyền thống như Tân Định (quận 1), Phạm Văn Hai (Tân Bình), Bà Chiểu (Bình Thạnh), Hòa Bình (quận 5), Xóm Mới (Gò Vấp) hàng hóa dồi dào. Giá rau quả, thịt gia súc, gia cầm không tăng. Theo các tiểu thương, thời điểm này, hàng khô, chuối xanh, trái cây để bày mâm ngũ quả được nhiều người chọn mua. Các hàng thịt heo tại các chợ nhanh hết hơn so với những ngày trước đó. Sức mua tăng nhưng giá thịt lợn vẫn như ngày thường, như thịt ba chỉ, thịt thăn 100.000-130.000 đồng một kg, sườn non 130.000-170.000 đồng, móng giò 90.000-120.000 đồng một kg.

Bên cạnh các chợ, tại hệ thống siêu thị BigC, Co.opmart, WinMart... lượng người tới mua sắm tăng gấp đôi so với các ngày trước. Tại WinMart/WinMart+, hệ thống này đang tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện, hầu hết hệ thống siêu thị đều thực hiện các chương trình giảm giá 5-50% với nhiều nhóm hàng và đều được áp dụng đến 30 Tết. Các nhà bán lẻ và tiểu thương tại các chợ truyền thống đều kỳ vọng vào sức mua bật tăng từng ngày từ nay đến ngày 30 Tết.

Sức mua cũng tăng tại các trang thương mại điện tử, hàng hoá bán online với mức tăng 20-50% so với cùng kỳ năm ngoái. Chị Huyền ở Gò Vấp, chuyên bán thực phẩm online, cho biết vẫn đang phải tuyển thêm nhân sự để phục vụ khách.

"Tôi đang có khoảng 1.000 đơn bánh chưng và 2.000 đơn các loại thực phẩm tươi sống phải giao từ nay đến 30 Tết", chị Huyền nói và cho biết chưa có thời gian để mua sắm cá nhân. Tương tự, chị Lan chuyên bán mâm cúng Tết cũng cho biết đang tất bật chuẩn bị nguyên liệu vì lượng đơn đặt mâm cúng Tết tăng 30% so với năm ngoái.

Đức Minh - Thi Hà - Tất Đạt

Xem thêm: lmth.5961654-tet-mas-oab-uah-tahc-taht/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“'Thắt chặt hầu bao' sắm Tết”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools