Hướng tới kinh tế tuần hoàn, khu công nghiệp sinh thái
Sáng 27.10, Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM (HBA) tổ chức hội thảo "Doanh nghiệp sản xuất và xu thế phát triển bền vững".
Ông Đào Xuân Đức, Chủ tịch HBA cho biết, xu thế phát triển bền vững, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, khu công nghiệp sinh thái là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia và doanh nghiệp trên thế giới. Việt Nam đã cam kết tổng lượng phát thải quốc gia giảm 43,5% vào năm 2030 và phát thải ròng bằng không (NetZero) vào năm 2050.
Ông Đức cũng thông tin, Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần thứ tư diễn ra giữa tháng 9.2023, UBND TP.HCM chọn chủ đề "Tăng trưởng xanh: Hành trình hướng đến giảm phát thải ròng bằng không" nhằm đón nhận các ý kiến đóng góp của chuyên gia, tổ chức theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn.
Hiện nay, doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến các hoạt động mang tính bền vững, trong đó có việc áp dụng tiêu chí ESG (môi trường - xã hội - quản trị doanh nghiệp). Ông Đức dẫn chứng, nhiều doanh nghiệp đang tiếp tục nỗ lực trong việc giảm thải khí carbon và rác thải, sử dụng nguồn đầu vào có trách nhiệm xã hội, nhằm đáp ứng tiêu chí ESG như Microsoft, Unilever…
Ở trong nước, nhiều doanh nghiệp thay đổi tư duy quản trị về phát triển bền vững và đưa ESG vào trong chiến lược kinh doanh. Cuối năm 2022, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM công bố 20 doanh nghiệp được chọn lọc từ 100 công ty niêm yết lớn nhất tại thị trường chứng khoán Việt Nam, và được đánh giá toàn diện ở 3 khía cạnh tiêu chí ESG, trong đó có Vinamilk.
Chủ tịch HBA cho biết, việc tổ chức hội thảo nhằm giới thiệu những thông tin hữu ích về xu thế phát triển bền vững, trao đổi kinh nghiệm và giải pháp mà một số doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đã bước đầu áp dụng thành công.
Vận dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98
Tại buổi hội thảo, ngoài các giải pháp công nghệ được giới thiệu, nhiều ý kiến cho rằng cần hoàn thiện thể chế, khung pháp lý cho doanh nghiệp phát triển xanh, bên cạnh nỗ lực tự thân của từng doanh nghiệp.
Ông Phạm Bình An, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, để thúc đẩy chuyển đổi sản xuất xanh cần có cơ chế chính sách đồng bộ để huy động nguồn lực trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, khung pháp lý cho phát triển kinh tế xanh nên dựa vào các tiêu chuẩn khu vực, thế giới.
Riêng với TP.HCM, ông An khuyến nghị nên vận dụng các chính sách của Nghị quyết 98 nhằm thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Theo nghị quyết này, nhiều cơ chế về phát triển xanh được đặt ra như bù trừ tín chỉ carbon, điện áp mái trụ sở cơ quan nhà nước, ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược sử dụng năng lượng sạch.
TP.HCM là địa phương tiên phong xây dựng và phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Nhưng sau hơn 30 năm, các khu công nghiệp, khu chế xuất dần trở nên lạc hậu khi vẫn phát triển dựa trên thâm dụng lao động mà chậm chuyển đổi công nghệ. Do vậy, vấn đề chuyển đổi loại hình khu công nghiệp khi hết thời hạn thuê đất được đặt ra.
Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec, chủ đầu tư Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) cho biết, Chính phủ đã có Nghị định 35/2022 quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Do vậy, các tỉnh, thành cần có hướng dẫn thông thoáng cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư chuyển đổi khu công nghiệp tổng hợp sang khu công nghiệp sinh thái, hoặc chuyển đổi từ khu công nghiệp tổng hợp sang khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp phụ trợ.
Bên cạnh đó, các ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp cần xác định chiến lược cộng sinh vùng, cộng sinh giữa các khu công nghiệp với nhau để giảm thiểu giá trị đầu tư. "Thẩm quyền của UBND cấp tỉnh và ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp có thể làm được", ông Điệp nhận định.
Còn đối với các chủ đầu tư khu công nghiệp, ông Điệp khuyến khích nên mạnh dạn chuyển từ khu công nghiệp tổng hợp, khu công nghiệp chuyên ngành sang khu công nghiệp sinh thái.