Vậy nhưng, gần đây, chính quyền huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông và người dân đã khiến nhiều người ngạc nhiên khi cũng từ giống ấy, họ tạo ra một thương hiệu lúa gạo ngay trên vùng đất tưởng chừng chỉ phù hợp với cà phê, cao su hay hồ tiêu.
****
ST24 và ST25 đã bén duyên với vùng đất xã Buôn Choah, huyện Krông Nô hơn 5 năm trước. Giống lúa quý được ươm mầm dưới chân núi lửa Nâm Blang đã mang đến cuộc sống ấm no hơn cho người dân xã vùng sâu, vùng xa Đắk Nông này.
Nhắc tới giống lúa gạo "ngon nhất thế giới", người dân Krông Nô sẽ kể về bà Chu Thị Mười, một nông dân ở xã Buôn Choah và ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện. Đây là 2 người đã đưa ST24 và ST25 từ miền Tây lên Tây Nguyên.
Chúng tôi gặp bà Chu Thị Mười khi bà đang tất bật xay xát những bao lúa ST24, ST25 để bán cho người dân sử dụng dịp Tết. Bốc một nắm gạo trắng trong đưa cho chúng tôi xem, bà không giấu được niềm vui.
Bà Mười nhớ lại: "Năm 2017, một lần xem tivi thấy quảng cáo lúa ST24 thơm ngon, tôi nảy sinh ý định mua về trồng thử. Hôm sau, tôi nói việc này với ông Lộc. Thật trùng hợp, ông ấy cũng có ý định đưa ST24 về địa phương trồng thử nghiệm nhằm thay thế các giống lúa cũ đã thoái hóa. Vì thế, khi tôi đề nghị ông đã nhận lời ngay".
Ít ngày sau, ông Lộc nhờ người quen mua 50 kg lúa giống ST24 về đưa cho bà Mười gieo sạ trên 4 sào ruộng. Là giống mới ở địa phương, bà Mười chưa nắm rõ quy trình sản xuất nên vụ đầu tiên lúa bị xoắn lá, 4 sào chỉ thu hoạch được 1 tấn - thấp hơn nhiều lần so với các giống lúa người dân trồng xung quanh.
"Lúc ấy tôi cũng chán nản, tính vụ sau sẽ quay lại trồng giống lúa truyền thống. Tuy nhiên, khi mang lúa về xay ăn thì gạo thơm ngon, vị đậm đà nên tôi làm liều trồng thêm vụ nữa. Rút kinh nghiệm từ vụ trước và với sự hỗ trợ của Phòng NN-PTNT huyện Krông Nô, gia đình tôi mở rộng diện tích trồng ST24, thu được kết quả tốt. Gia đình tôi đang duy trì trồng ST24 và ST25 trên diện tích 4 ha, năng suất bình quân 10 tấn/ha, thu nhập tăng khoảng 25%" - bà Mười hồ hởi.
Theo ông Doãn Gia Lộc, năm 2017, giống lúa cũ ở địa phương đã thoái hóa, nhiều sâu bệnh nên ông luôn đau đáu việc đưa giống lúa mới về thay thế. 50 kg lúa giống ST24 ban đầu ông nhờ người mua về giao bà Mười trồng thử nghiệm dù năng suất rất thấp nhưng chất lượng gạo lại rất tốt nên địa phương quyết tâm thuần phục.
Ông Lộc cho biết: "Đến năm 2018, Phòng NN-PTNT tham mưu cho UBND huyện trồng thí điểm 50 ha lúa ST24 trên cánh đồng mẫu lớn ở xã Buôn Choah. Nhờ sự quyết liệt của huyện và sự ủng hộ của người dân, diện tích trồng lúa ST24, sau đó là ST25, ngày càng mở rộng, đến nay đã đạt 1.400 ha (2 vụ) với khoảng 300 hộ tham gia trên cánh đồng Buôn Choah".
****
Trước khi đưa ST24 và ST25 về địa phương, từ năm 2012, UBND huyện Krông Nô đã yêu cầu Phòng NN-PTNT triển khai xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lúa nước tại xã Buôn Choah.
Lúc đó, Buôn Choah chưa được đầu tư đường giao thông, người dân vẫn còn trồng lúa kiểu "chọc lỗ, tỉa hạt" nên khi xây dựng cánh đồng mẫu lớn gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ quyết tâm, 1 năm sau huyện Krông Nô đã hình thành cánh đồng mẫu lớn.
Ông Doãn Gia Lộc và bà Chu Thị Mười mang giống lúa ST24, ST25 từ miền Tây lên Tây Nguyên gieo trồng thành công
Trên cơ sở cánh đồng mẫu lớn, huyện Krông Nô tiếp tục xây dựng kế hoạch sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn VietGAP. Thời điểm đó, nhiều ý kiến đã phản đối, cho là điên rồ vì ngay ở vựa lúa ĐBSCL còn chưa làm mà nơi khó khăn như Krông Nô lại "bày đặt" VietGAP. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của các bên liên quan, việc này đã thành công ngoài mong đợi.
Năm 2015, hơn 40 ha lúa ở Krông Nô được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Lúa trong vùng VietGAP có giá bán cao hơn 5.000 đồng/kg, tăng giá trị hơn 26 triệu đồng/ha/năm so với sản phẩm bên ngoài nên nhận được sự đồng thuận của người dân trong việc mở rộng vùng sản xuất, xây dựng thương hiệu lúa gạo.
Ông Doãn Gia Lộc kể: "Tiếp nối thành công, năm 2018, 50 ha lúa ST24 trồng khảo nghiệm thay thế giống cũ ở Buôn Choah đã sinh trưởng, phát triển và có khả năng chống chịu sâu bệnh rất tốt. Đặc biệt, chất lượng gạo có nhiều ưu điểm như: hạt trong, cơm đậm, hàm lượng dinh dưỡng vượt trội".
Để quản lý chất lượng, UBND huyện Krông Nô yêu cầu thành lập 2 hợp tác xã sản xuất lúa tập trung. Đến năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho lúa gạo Krông Nô. Năm 2020, địa phương xây dựng thành công 2 mặt hàng OCOP (chương trình "Mỗi xã một sản phẩm") 3 sao và 4 sao về gạo Buôn Choah. Đến nay, sản phẩm gạo Buôn Choah Krông Nô đã tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart và OCOP.
Theo ông Bùi Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND huyện Krông Nô, từ chỗ phải "cầm tay, chỉ việc", người dân địa phương đã chủ động các khâu trong sản xuất, nhất là việc thúc đẩy cơ giới hóa, từng bước chuyển đổi số trong nông nghiệp. Sau khi có chứng nhận, thương hiệu lúa gạo Krông Nô ngày càng được nhiều người biết đến và tin dùng, đời sống người dân ngày càng được cải thiện.
"Chất lượng sản phẩm lúa gạo Krông Nô đã được kiểm nghiệm tại Viện Dinh dưỡng. Điểm khác biệt của gạo ST24 và ST25 trồng tại đây là hạt trong, không gãy, hương vị thơm ngon, đậm đà không nơi nào có được. Đó là nhờ sự vun đắp phù sa, tạo nên lớp phì nhiêu từ sông Krông Nô, đặc biệt là hàm lượng khoáng từ sự phong hóa của cao nguyên đá nằm dưới chân núi lửa Nâm Blang" - ông Sơn phân tích.
Ông Doãn Gia Lộc cho rằng dù đã đạt được kết quả tích cực song Krông Nô vẫn còn nhiều điều phải làm trong việc sản xuất lúa gạo. Theo đó, tiềm lực của các hợp tác xã, cơ sở sản xuất còn hạn chế. Hằng năm, huyện chỉ giữ lại được khoảng 1/3 sản lượng lúa gạo thu hoạch, số còn lại thương lái đưa về miền Tây chế biến, gắn các nhãn mác khác mà không thể quản lý.
"Chúng tôi đang kêu gọi doanh nghiệp có tiềm lực đến Krông Nô đầu tư nhà máy sản xuất lúa gạo, chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm như: bánh gạo, bột gạo, chưng cất rượu... để tăng giá trị" - ông Lộc nhấn mạnh.
Xem thêm: mth.21000919081103202-neyugn-yat-o-oag-aul-ueih-gnouht/et-hnik/nv.moc.dln