“Tôi thực sự nghĩ rằng lãi suất có thể tăng cao hơn 5% bởi những mối nguy về lạm phát sẽ không biến mất sớm như vậy”, ông Dimon cho biết.
Để ngăn chặn đà tăng của giá cả, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất lên 4,25 đến 4,5%, mức cao nhất trong 15 năm. Lạm phát cuối kỳ hay mức lãi suất cuối cùng của chu kỳ tăng này được dự báo sẽ đạt tới 5,1% tại cuộc họp chính sách tháng 12 vừa qua.
Tuy nhiên, sau đó, chỉ số giá tiêu dùng, vốn đo lường chi phí của một rổ hàng hóa và dịch vụ khá rộng lớn đã tăng 6,5% trong tháng 12 so với một năm trước, đánh dấu mức tăng hàng năm nhỏ nhất kể từ tháng 10/2021. Thậm chí, nó còn giảm so với mức tăng của tháng trước đó.
Ông Dimon nói rằng việc lạm phát giảm xuất phát từ các yếu tố tạm thời như giá dầu giảm và kinh tế Trung Quốc giảm tốc do các biện pháp ngăn chặn đại dịch nghiêm ngặt.
“Chúng tôi được hưởng lợi từ việc Trung Quốc tăng trưởng chậm lại cũng như giá dầu giảm một chút. Tôi nghĩ xăng dầu có thể sẽ tăng trong 10 năm tới và Trung Quốc sẽ không còn giảm phát nữa”, ông Dimon nói về những tín hiệu có thể tiếp tục khiến lạm phát Mỹ tăng cao.
Các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ gần đây của FED đã làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế ở Mỹ. Các ngân hàng Trung ương cảm thấy họ cần tăng lãi suất thêm nữa khi thị trường lao động và tiêu dùng vẫn mạnh.
Trong trường hợp đó, ông Dimon tin rằng nếu suy thoái của Mỹ là nhẹ, lãi suất có thể tăng lên tới 6%. Tuy nhiên, vị CEO của JPMorgan cũng khẳng định khó ai có thể đoán trước được suy thoái kinh tế sẽ có hình hài thế nào.
“Tôi biết có những giai đoạn suy thoái, thăng trầm. Tôi thực sự không lo lắng nhiều về điều đó. Tôi lo ngại rằng chính sách công yếu kém sẽ làm tổn hại tới sự tăng trưởng của Mỹ”, CEO Dimon nói.
Tham khảo: CNBC