Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (mã chứng khoán MSN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 vào hôm nay (30-1), với nhiều thông tin đáng chú ý.
Theo đó, trong năm vừa qua, "ông lớn" ngành bán lẻ mang về doanh thu thuần hơn 76.189 tỉ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm liền trước. Sau khi trừ đi giá vốn và các chi phí, doanh nghiệp còn lại lãi ròng sau thuế sau lợi ích cho cổ đông không kiểm soát đạt gần 3.570 tỉ đồng, giảm hơn 58% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh nghiệp giải thích, lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2022 sụt giảm chủ yếu do khoản thu nhập một lần từ việc chuyển giao mảng thức ăn chăn nuôi trong quý cuối năm 2021, đồng thời lợi nhuận sau thuế của Masan MEATLife (thịt mát) và Masan High-Tech Materials (nhà cung cấp vật liệu Vonfram dùng trong ngành công nghiệp điện tử, hóa chất, ô tô...) thấp hơn cùng kỳ năm liền trước.
Masan cũng cho biết, trong nửa đầu năm 2022, môi trường kinh doanh trở nên khó khăn do lạm phát cao hơn, chính sách tiền tệ thắt chặt, phát hành trái phiếu doanh nghiệp chậm lại và tổng cầu trên toàn thế giới suy yếu đã ảnh hưởng đến ngành xuất khẩu của Việt Nam...
Điều này khiến môi trường kinh doanh trở nên đầy thách thức, người tiêu dùng có tâm lý thắt chặt chi tiêu khi sức mua, thu nhập và giá trị tài sản của họ sụt giảm.
Đến ngày cuối năm 2022, doanh nghiệp này còn hơn 17.510 tỉ đồng tiền mặt và các khoản tương đương tiền, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Do lượng tiền mặt giảm, khoản nợ ròng cuối kỳ năm 2022 của doanh nghiệp cũng dâng lên 53.480 tỉ đồng, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước.
Masan lý giải, số dư nợ tăng và lượng tiền mặt giảm là do chi phí vốn và mua cổ phần của Phúc Long (chuỗi đồ uống trà, cà phê), Nyobolt (công ty chế tạo pin ứng dụng Vonfram)...
Vì bản chất hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này không phụ thuộc vào tính chu kỳ, nên ban điều hành "tin rằng công ty sẽ thuận lợi quản lý tốt thanh khoản trong vài tháng tới".
Về năm tài chính 2023, doanh nghiệp ước tính sẽ đạt doanh thu thuần hợp nhất khoảng 90.000 - 100.000 tỉ đồng, tăng trưởng 18 - 31% so với năm trước. Trong đó The CrownX (vận hành Winmart, Winmart+, hàng tiêu dùng Masan...) vẫn sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng doanh thu, đóng góp hơn 70% tổng doanh thu.
Dù vậy, trong trường hợp các điều kiện kinh tế vĩ mô xấu hơn dự kiến và tâm lý thắt chặt chi tiêu vẫn tiếp diễn, phía doanh nghiệp điều chỉnh ước tính doanh thu sẽ tăng trưởng trong khoảng 10 - 15%.
Tập đoàn Masan vừa thành công được giải ngân khoản vay 600 triệu USD (xấp xỉ 15.000 tỉ đồng). Đây là khoản huy động hợp vốn nước ngoài có kỳ hạn 5 năm và có giá trị lớn đáng nể trong lĩnh vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam.
Xem thêm: mth.91302415103103202-nauhn-iol-05-noh-maig-nasam-el-nab-gnam-nol-gno/nv.ertiout