Gần 1h sáng ngày 29 Tết (20-1), trong khi nhiều người đang say giấc, Nguyễn Tấn Phúc Nhã (16 tuổi) cùng em gái Nguyễn Hồng Ngọc Trâm (14 tuổi) ngồi lọt thỏm giữa hàng trăm chậu hoa mồng gà, vạn thọ, hướng dương..., chờ khách ghé mua.
Gương mặt đen nhẻm, nụ cu tươi rói, Phúc Nhã kể ngay từ hồi học lớp 4 đã biết phụ nghề trồng hoa: "Ai sai gì làm nấy. Vô cây, sắp cây theo luống, tưới cây, mần cỏ, lẩy lá mai...".
Học đến lớp 9, cậu chuyển sang học nghề nuôi trồng cây giống, rồi nghề sửa điện. Cận Tết, cậu cùng gia đình tất tả mang hoa từ quê Chợ Lách (Bến Tre) lên chợ hoa xuân Bình Điền (Q.8, TP.HCM) để bán.
Nhiều năm bán tại chợ hoa, cậu bạn cho biết có nhiều kỷ niệm vui, chẳng hạn mới vừa được một chị bán cá đặt mua mấy chậu hoa mà không trả giá, còn lì xì 50.000 đồng lì xì vì thấy hoa rẻ quá. "Mấy anh bốc xếp ở chợ Bình Điền tới mua, nhằm khi phải thối 5 ngàn, nhưng mấy ảnh cho em luôn".
Dù vậy, số lượng khách "sộp", không kì kèo cũng hiếm gặp. Ngồi một lúc lâu nói chuyện với Phúc Nhã, nhiều khách ghé qua nhưng chỉ dò giá rồi đi, một số khác còn ép giá khiến cậu không khỏi buồn, "cảm thấy nóng lạnh luôn", bởi nếu bán sẽ lỗ.
"Mồng gà, vạn thọ, cúc mâm xôi... phải trồng, chăm sóc hai ba tháng liền. Thức dậy làm lúc 2-3h sáng, có khi 10h đêm mới vô ngủ.
Trồng xong mình còn chở đến đây bán. Vậy mà trả có 20 ngàn một chậu bông. Đồng bạc làm ra khó khăn nên cô chú anh chị ghé mua trả giá cũng được, nhưng em chỉ mong khi trả giá cũng chừa đường cho tụi em sống", Phúc Nhã ngậm ngùi.
Ngồi bên cạnh, Hồng Trâm cho biết ngày 24 Tết đã dọn nhà, sau đó cả gia đình dắt nhau lên TP.HCM bán hoa. Gần Tết, nhưng cả nhà chưa sắm sửa gì. Nếu bán chạy hàng, trưa mai 30 Tết gia đình cô gái này sẽ về quê, có thời gian chuẩn bị.
Còn nếu chợ ế, có khi 4-5h sáng mùng 1 Tết mới tới nhà. Lúc đó vừa buồn vừa mệt, nên chắc sẽ ngủ vùi. Đến mùng 2 hoặc mùng 3 Tết mới ra chợ mua quần áo Tết.
"Hết cây về khỏe hơn. Còn cây cực, về phải dọn dẹp chỗ cất rồi mới để cây xuống được. Mất luôn ngày mùng 1 Tết", Phúc Nhã nói.
Dù còn bấp bênh, nhưng Phúc Nhã cho biết ngay khi về quê sẽ tới nhà thờ để múa lân, sau đó cùng đội lân đi múa khắp xóm. Ngoài tiền công tính theo ngày, khoản tiền được lì xì thêm cả đội sẽ góp lại để làm từ thiện cho những người khổ.
Thức đêm, cô Hồ Thị Cẩm (67 tuổi) tranh thủ sắp xếp lại hoa cho đẹp mắt, rồi nói: "Năm nay bán dở quá. Tui mang 200 chậu mai mà mới bán được 20-30 chậu. Mần ăn khó khăn."
2h sáng, tại chợ hoa Bến Bình Đông (Q.8), anh Huỳnh Phú Khánh (41 tuổi, quê Tiền Giang) ngồi chờ người ghé mua mai. Là công nhân tại một nhà máy chuyên sản xuất li nhựa, cận Tết anh ra đây bán kiếm thêm chút tiền.
Vợ làm công nhân may, đợt này thu nhập bị giảm, nên tiền công bán hoa Tết sẽ giúp anh có thêm chút đỉnh lì xì cha mẹ, có tiền lo cho con.
Không chờ đến cận ngày mới mua, anh Dương Thành Giang (quê Vĩnh Long, ở trọ tại Q.8) mua hoa từ sớm. Làm công nhân của một công ty nhựa, anh cho biết: "Kinh tế khó khăn, nhưng mấy ngày Tết có có vài chậu hoa cho có xuân".
Cả gia đình đông đúc sống trong phòng trọ 16m2, anh Giang đã mua hai chậu hoa cúc và giờ mua thêm hai chậu ớt kiểng. "Mua sớm để cho người ta về ăn Tết. Hết sớm về sớm", anh Giang chia sẻ.
Chợ hoa vào cận Tết:
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ trong sân bay "hốt bạc" với lượng khách đông đúc những ngày Tết 2023. Tâm lý khách đến sân bay sớm để an tâm hành trình đi lại Tết nên dịch vụ ăn uống, cà phê, quần áo, rượu ngoại... bán trong sân bay hưởng lợi lớn.
Xem thêm: mth.33021529002103202-euq-ev-coud-ed-aoh-teh-nab-tet-03-ned-gnom-ihc-me/nv.ertiout