Hàng xóm, thân tộc họ hàng gần xa đều khen nức nở hai đứa con của vợ chồng tôi.
Mới đi làm được hơn một năm mà chúng nó đã thay căn nhà ngói âm dương lụp xụp, cột kèo mối mọt ăn gần hết, không biết sập lúc nào bằng ngôi nhà "trên" ba căn rộng, nhà dưới "sắp đọi" mái ngói đỏ tươi, rộng gần 200m2.
Đồ trang trí nội thất toàn bằng gỗ cẩm lai, gõ đỏ, các phương tiện sinh hoạt, giải trí… thứ nào cũng đắt tiền sang trọng, vị chi tất cả gần tỉ bạc.
Tiếng tốt đồn gần đồn xa lâu rồi cũng qua đi, có ai ăn cơm nhà mà bàn chuyện hàng xóm mãi, rốt cuộc chỉ còn lại vợ chồng tôi với nỗi cô đơn từng ngày, với căn nhà rộng thênh thang ở một vùng quê.
Niềm vui vợ chồng già ở tuổi ngoài 60 là mỗi chiều thứ bảy nào cũng ra ngồi trước sân nhà bên mấy chậu sứ kiểng ngóng trông chúng nó về.
Khi còn trẻ vợ chồng tôi không từ bất cứ công việc gì ngoài giờ lên lớp để kiếm tiền nuôi hai đứa nó ăn học, miễn sao công việc đó không trái đạo đức làm người, không vi phạm pháp luật nhà nước là cứ làm.
Đến khi chúng tôi tới tuổi hưu cũng là lúc chúng nó nên danh nên phận, có học vị và địa vị kha khá trong xã hội, vợ chồng con cái, nhà cửa có đủ đầy.
Chúng nó bây giờ có cả trăm công ngàn việc: nào là việc cơ quan, cơm áo gạo tiền và cả việc học hành con chúng nữa; vì thế mà đôi khi đôi ba tháng vào những dịp Tết, ngày lễ lớn vợ chồng tôi mới nhìn thấy mặt cháu nội, cháu ngoại một vài ngày.
Tuy bị thiệt thòi như vậy, nhưng được cái là tháng nào chúng cũng đều đặn gởi về vợ chồng tôi non chục triệu đồng, cộng với lương hưu hằng tháng của vợ chồng tôi cũng ngần ấy.
Ở thôn quê với hai khoản tiền gộp lại, vợ chồng tôi vừa chi tiêu gia đình, vừa quan hệ "quan, hôn tang, tế" trong ngoài có thể gọi là thừa.
Nhưng với cảnh nhà thênh thang, trống vắng, ngày ngày nhà trên chỉ có tôi, nhà dưới chỉ có vợ, đến giờ cơm, giờ xem tivi thì cũng vẫn thiếu… Chỉ có vợ chồng tôi.
Cái gì cũng tạm đủ, chỉ thiếu một thứ: cần có con cháu bên cạnh mà hủ hỉ tuổi già.
Thế mà mỗi năm cháu nội cháu ngoại chỉ về vào mỗi dịp lễ, Tết. Vợ chồng tôi dù nhớ nhưng cũng phải ráng chịu vì ngay cả ngày chủ nhật mà chúng nó cũng vẫn đi học thêm ngoại ngữ.
Nhiều khi nhìn ra đường thấy cảnh ông đèo cháu đi học mà tôi bắt thèm. Nhiều lúc nhà vắng tanh, vợ tôi lại càm ràm: "Thấy cảnh nhà người ta con cháu đông đủ vui vẻ mà ham".
Cảnh nhà cô đơn, vợ chồng tôi có lúc phải cười ra nước mắt.
Tôi buồn cứ lên nhà trên ngồi máy vi tính coi báo, viết bài làm vui. Vợ tôi ở nhà dưới vắng tôi cứ "ông ơi, ông hỡi!" để mà sai vặt.
Cả một thời trai trẻ vợ chồng tôi vứt bỏ đi cái hạnh phúc riêng mình, tần tảo nuôi chúng nó, mong cho chúng nó được nên danh nên phận bằng người. Khi tâm nguyện đã đạt thành thì cái hạnh phúc nhỏ nhoi của người già chỉ đơn giản là vui vầy con cháu thế thôi.
Vậy mà vợ chồng tôi vẫn phải trông ngóng, mong đợi chúng nó từng ngày!
Đất nước ngày càng đổi mới, xã hội tiến bộ, kinh tế phát triển, nhu cầu cho đời sống con người ngày một nhiều, sống và làm việc cũng phải theo hướng công nghiệp hóa mà thời gian thì có hạn, đâu có thể trách chúng nó được.
Vậy tại sao con cháu không về quê ăn Tết cho hết nỗi cô quạnh của người già?
Tính đến ngày 20-1, cuộc thi Về nhà đã nhận được hơn 325 bài dự thi. Cảm ơn các bạn đã gửi bài.
BAN TỔ CHỨC
Tôi yêu màu áo mới chiều 30 và những nẻo đường mùa xuân. Yêu quê hương hiền hòa thơ mộng vẫn êm đềm trôi theo gót thời gian. Yêu những phút giao mùa hồn nhiên nuôi nấng tuổi thơ.
Xem thêm: mth.25223401102103202-aig-iougn-auc-hnauq-oc-ion-teh-ohc-tet-na-euq-ev-gnohk-uahc-noc-oas/nv.ertiout