Trong cái lạnh buốt giá một buổi chiều giáp Tết, Hồ Bảo Vân (36 tuổi, quê Đắk Nông) cùng nhiều phạm nhân khác tại trại giam Yên Hạ (Sơn La) xếp hàng ngay ngắn trở về các khu giam giữ sau một ngày lao động.
19 tuổi mang bản án chung thân
Dáng người nhỏ thó, ánh mắt sắc lẹm, Vân mỉm cười vẻ hiền lành khi được cán bộ quản giáo gọi riêng ra ngoài.
Ngồi khúm núm trong căn phòng nhỏ, Vân liên tục cúi mặt, đôi bàn tay từng "nhúng chàm" đan chặt vào nhau, mắt ngấn lệ khi nhắc lại quá khứ tội lỗi của mình.
Sinh ra trong một gia đình có năm chị em, Vân kể năm lên sáu tuổi bố mất, một mình mẹ choàng gánh, đầu tắt mặt tối mưu sinh.
Cũng vì cuộc sống vất vả, không được học hành như bạn bè cùng trang lứa nên Vân đi làm sớm. 14 tuổi, Vân bắt đầu xin vào làm tại một tiệm sửa xe máy gần nhà.
"Thấy các bạn đi học về được ba mẹ đón, trong khi mình tay chân lấm lem dầu mỡ thấy cũng tủi thân", Vân kể.
Một thời gian sau, Vân theo đám bạn chơi bời, lêu lổng, thường xuyên bỏ nhà lang thang đến các tỉnh, thành khác kiếm sống.
Năm 2006, cũng trong những tháng ngày rong ruổi mưu sinh, chơi bời, Vân xảy ra mâu thuẫn và đánh tử vong một người trong quán nhậu ở Vũng Tàu.
Cái giá mà Vân phải trả là bản án tù chung thân về tội giết người. Ngày tòa tuyên án, mẹ Vân khuỵu xuống, gào khóc tại tòa.
Chấp hành án tại trại giam Xuân Lộc (Đồng Nai), năm 2013, sau bảy năm thụ án, không nghiêm túc cải tạo, Vân tham gia vào một vụ gây rối trong trại nên bị chuyển ra trại giam Yên Hạ.
Vân mất nhiều tháng để hòa nhập với môi trường và bạn tù mới. Do chấp hành án ở xa, mẹ và người thân cũng không có điều kiện vào thăm.
Lá thư gửi mẹ và ước vọng ngày về
Tới nay, đã 17 năm "nhập trại", cũng là 17 mùa xuân Vân đón Tết trong buồng giam. Những ngày giáp Tết, nhắc đến mẹ, Vân xúc động, nghẹn giọng. Đứa con trai dù đã mắc bao lỗi lầm vẫn luôn hướng về đấng sinh thành.
Đây cũng là động lực thôi thúc phạm nhân này xin cán bộ quản giáo cho theo học lớp xòa mù chữ với mong muốn đơn giản là viết một lá thư gửi về người mẹ đã ở tuổi xế chiều.
"Trước chỉ biết sửa xe máy, đi đánh nhau, lần đầu cầm bút viết cũng thấy gượng tay. Nhưng được các cán bộ quản giáo động viên, tận tình uốn nắn, tôi quyết tâm học chữ để thức tỉnh lương tâm hướng thiện", Vân cho hay.
Từ những nét bút nguệch ngoạc ban đầu, sau gần một năm, Vân có thể viết thành thạo họ tên, địa chỉ và những câu văn ngắn khác. Nếu được nhìn sách, anh có thể chép hết vài trang giấy, điều gần 40 năm cuộc đời anh chưa từng làm được.
Sau hai năm, Vân đã có thể viết được một bức thư đầu tiên dài bốn trang gửi về cho người mẹ già ở quê nhà. Đây là điều mà qua nhiều năm lang bạt, Vân cũng không bao giờ nghĩ tới.
"Trong lá thư hồi âm, mẹ khen thư tôi viết nét chữ cũng đẹp, dễ đọc, viết có tình, có chất văn", Vân chia sẻ và cho hay mẹ rất bất ngờ, xúc động khi nhận được thư của anh.
Tham gia lớp học xóa mù chữ, Vân không những biết viết thư mà còn biết đọc thành thạo. Những cuốn sách, tiểu thuyết ở thư viện của trại giam được Vân nâng niu mỗi lần có dịp mượn. Anh không nhớ nổi mình đã đọc bao nhiêu cuốn tiểu thuyết vì "thứ bảy, chủ nhật nào cũng lên thư viện mượn sách đọc".
"Được cán bộ quản giáo dạy cho con chữ, biết đọc, biết viết, thấy mình mở mang ra nhiều, thay đổi nhận thức, hành vi", Vân nói và cho hay nếu được học chữ, tu chí từ nhỏ, có thể anh đã không đi vào con đường lao lý, để bây giờ phải ăn năn, hối hận.
Từ sự chỉ dạy của cán bộ quản giáo, Vân hiểu con đường ngắn nhất để trở về là lao động thật chăm chỉ và chấp hành nghiêm các nội quy, quy chế của trại giam.
Vì vậy, hơn 10 năm cải tạo tại trại giam Yên Hạ, phạm nhân này luôn đạt thành tích tốt. Từ án chung thân, nhờ cải tạo tốt, Hồ Bảo Vân đã được xuống án có thời hạn 30 năm và đang chờ được tiếp tục xem xét giảm án.
"Giờ cũng gần 40 tuổi rồi, tôi biết ngày về còn xa lắm, nhưng tôi vẫn cố gắng cải tạo tốt, mong được tiếp tục xuống án, tha tù trước thời hạn để trở về nhà, phụng dưỡng mẹ già những năm tháng cuối cuộc đời", nam phạm nhân bộc bạch.
Trên chuyến xe giữa đêm khuya lạnh đến trại giam Thủ Đức (Z30D, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận), những người đi thăm nuôi người thân mang một gương mặt buồn thương và hy vọng. Họ nhấp nhổm mong được gặp mặt vợ chồng, con cái đang chịu án.
Xem thêm: mth.16442611002103202-naht-gnuhc-na-gnam-nahn-mahp-man-auc-em-iov-ev-ort-yagn-gnov-cou/nv.ertiout