Ca sĩ - nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh trò chuyện với Tuổi Trẻ Xuân trong những ngày cuối năm, khi anh ghé TP.HCM để thu âm.
Anh mới cùng vợ chuyển về Nha Trang sinh sống. Ở đó, anh nói vui buồn gì người ta cũng có thể đến bên biển. Ở đó, anh viết nhạc, hát, làm chồng và sắp làm cha.
Phan Mạnh Quỳnh viết nhạc về "sứ mệnh vĩ đại" của bé Hải An
* Bắt đầu sáng tác từ năm 2009, đến nay là 13 năm, tâm thế của anh thay đổi như thế nào, có còn là chàng trai vì thổn thức trước sự chia lìa sống chết của một đôi bạn trẻ mà viết nên bài Tự dưng?
- Cuộc sống thay đổi, thế giới quan của mình cũng sẽ thay đổi ít nhiều. Nhưng giá trị cốt lõi của người nghệ sĩ, một khi đã được thời gian và những thăng trầm trui rèn, lại rất khó mất đi.
Mỗi lần tôi ngồi vào đàn để sáng tác luôn có những cảm xúc đặc biệt dâng lên. Điều đó rất quý giá với tôi. Tôi không biết khi nào mình sẽ mất đi điều này nhưng tôi rất cảm ơn những rung động hết sức nguyên thủy đối với âm nhạc.
* Ca khúc lay động nhất của anh trong năm 2022 có lẽ là Nơi dành cho các thiên thần, bài hát dâng tặng linh hồn bé Hải An, cô bé 7 tuổi hiến tạng sau khi qua đời. Bài hát có ý nghĩa với anh ra sao?
- Với bài hát này, tôi đóng vai trò quan sát, viết về cả hai mẹ con Hải An. Trong chương trình truyền hình Cất cánh, người mẹ đã đến và chia sẻ về bé Hải An rất xúc động.
Có những câu nói của bé đánh động đến tôi và tạo ra những giá trị thật sự vì dù còn nhỏ nhưng bé đã có những suy nghĩ rất đặc biệt.
Khi một người mẹ mất con, ai cũng đoán được điều ấy rất đau đớn. Nhưng bên cạnh đó, sau khi mẹ cho bé đi hiến giác mạc, đã có hàng chục ngàn người đến đăng ký hiến tạng vì được bé truyền cảm hứng.
Phòng đăng ký hiến tạng trước đó vốn lác đác, nhưng sau câu chuyện của bé thì người ta xếp hàng dài. Tôi xem đó như một sứ mệnh vĩ đại của bé Hải An nên đã viết bài hát này.
Lúc đầu bài hát còn nhiều câu từ không hay nên tôi cứ để đó, bẵng đi một thời gian mới hoàn thành. Người hòa âm phối khí là anh Ngô Minh Hoàng, một người làm nhạc rất tình cảm. Cách anh làm nhạc với dàn dây như một dòng suối êm đềm, kỹ lưỡng, tuyệt vời.
Anh cũng là người hòa âm phối khí cho những sản phẩm quan trọng nhất của tôi như Có chàng trai viết lên cây, Hà Lan, Sao cha không?... Về MV, tôi quyết định làm hoạt hình vì chỉ có cách đó mới khắc họa đúng tầm vóc của một thiên thần nhỏ đến với Trái đất với sứ mệnh duy nhất.
Bài hát còn một điều đặc biệt là để thu phần bè của các bé, tôi về quê Diễn Châu, Nghệ An và thu âm với các em trong ca đoàn. Điều này làm ở thành phố quá đơn giản vì các em ở thành phố hát hay và chuyên nghiệp lắm. Nhưng tôi muốn có một kỷ niệm đáng nhớ với các em ở quê.
* Anh tâm đắc nhất câu hát nào trong bài?
- Có một câu hát mà khi nghĩ được tôi thấy vui lắm, đó là câu: "Trên biển lặng sóng rất êm. Những đôi mắt hướng lên cao rồi hướng lên tim". Từ cái tên Hải An tôi mới nghĩ ra biển lặng và cả câu hát. Tôi rất thích câu này vì tên của bé rất ý nghĩa.
* Sau khi sáng tác những bài như vậy, cảm xúc của anh bị rút kiệt?
- Không đâu, với tôi, mỗi bài hát tiếp thêm cho tôi nhiều cảm xúc. Khi không thể hoàn thành, tôi thấy nợ nhân vật của mình. Và khi làm được, tôi thấy xúc động, kể cả khi chưa hoàn thành bản thu cuối cùng mà chỉ cần được đàn hát cùng piano và tưởng tượng việc mình sẽ dựng bài như thế nào.
"Làm sao tôi viết được những lời lẽ hay như thế?"
* Nhạc anh thường chất chứa nhiều nỗi đau. Giờ đây, khi cuộc sống riêng có nhiều niềm vui và hạnh phúc, anh có mãi đau đáu với nỗi đau của người khác?
- So với những người khác, tôi thấy mình đã thuộc về những người đã hạnh phúc rồi, không dám đòi hỏi gì thêm. Tất nhiên cuộc sống không phải lúc nào cũng theo ý của mình nhưng hiện tại đã quá tốt. Tôi có gia đình hạnh phúc, sắp có em bé, đang làm công việc yêu thích và sống được với nó.
Những người tôi quan tâm vẫn đang sống khỏe mạnh. Chính vì được vậy nên tôi mới có thời gian để nhìn sang người khác. Tôi thấy có rất nhiều người đang cô đơn. Dù cho đất nước đang phát triển rất nhanh, hầu hết mọi người đang theo kịp nhưng vẫn có những người đang bị bỏ lại, họ không cách nào chạm được vào dòng chảy này.
* Làm thế nào để anh chứng kiến cách người ta bị bỏ lại phía sau, khi cuộc sống của một nghệ sĩ nổi tiếng cũng khấm khá, đủ đầy?
- Tôi từng là một người lao động, từng bươn chải. Có những giai đoạn tôi thấy không có một chút ánh sáng nào. Đó là khi tôi mới vào Sài Gòn học quản trị kinh doanh nhưng vẫn luôn ao ước được làm gì đó về âm nhạc.
Tôi vác mặt đi xin hát phòng trà, hát một vài nơi nhưng không thành công, không có việc. Chắc lúc đó tôi hát chưa tốt, chưa có gì đặc biệt. Lúc đó tôi cũng đã sáng tác một vài bài hát giắt lưng nhưng chưa ai biết, trong đó có bài Xa kỷ niệm.
Còn bây giờ tuy không phải lúc nào cũng trò chuyện cùng người lao động nhưng tôi thường chạy xe máy ngoài đường, ngắm nhìn mọi người và cả những người làm cùng trong ngành âm nhạc.
Trong giới âm nhạc giải trí, không chỉ có những ngôi sao đứng trên sân khấu mà còn có những người hậu đài, có những người khi tôi hát xong thì họ bắt đầu quét dọn. Trong bộ máy vận hành của giới giải trí, vẫn có những người thuộc tầng lớp lao động, kiếm một ngày vài ba trăm nghìn. Tôi quan sát và hiểu cuộc đời này rất thiếu sự công bằng.
* Anh sắp đón con đầu lòng vào mùa xuân này. Vậy sắp tới, khán giả sẽ được nghe những bài hát mang tâm tình người cha từ Phan Mạnh Quỳnh?
- Điều này tôi đã nghĩ đến nhưng không biết mình có thể viết hay được không. Trong làng nhạc Việt ở giai đoạn trước tôi một chút, có những bài hát mà tôi không biết mình có thể viết hay được như vậy không.
Đầu tiên là Ba ngọn nến lung linh của Ngọc Lễ. Bài hát là sự đơn giản hết mức nhưng lại quá đẹp và tròn trịa. Thứ hai, ở góc độ người cha có Ba kể con nghe của anh Nguyễn Hải Phong.
Tôi không biết phải làm thế nào viết những lời lẽ hay như thế, dành cho đứa con có ông bố làm nhạc sĩ. Thứ ba, ở góc độ người mẹ có Nhật ký của mẹ của anh Nguyễn Văn Chung. Bài hát trọn vẹn nỗi lòng người mẹ dành cho con từ lúc mới sinh đến khi trưởng thành.
Tính tôi khó ở chỗ có những chủ đề tôi luôn muốn nó đặc biệt, muốn mới mẻ, ngoài tình yêu ra vì đề tài đó quá phổ thông. Tôi muốn một bài hát dành cho đứa con của mình nhưng không biết làm sao để hay như các anh đã viết.
Nhưng người cha làm nhạc sĩ dĩ nhiên phải có bài dành cho con. Có thể tôi sẽ viết riêng cho con hoặc đăng lên cho mọi người chia sẻ, đồng cảm.
* Suy nghĩ đó xuất phát từ kỳ vọng quá lớn của mọi người dành cho anh?
- Điều đó xuất phát từ bản thân tôi. Tôi luôn mong mình có thể viết hay được như người đi trước và cố gắng viết không cùng chủ đề với những bài hát kinh điển. Tôi muốn khi mình không còn trên cuộc đời này nữa thì vẫn được nhớ đến một phần nào, giống như các nhạc sĩ thế hệ trước.
Phan Mạnh Quỳnh và dự án trăn trở nhất
* Đêm nhạc "Tri âm" của Mỹ Tâm còn để lại dư âm gì trong anh sau khi anh tham gia?
- Chị Mỹ Tâm là một người có sức hút rất lớn và đầu tư rất bài bản. Tôi nghĩ các khán giả vào xem hẳn cũng thấy thỏa mãn vì nhạc hay, âm thanh tốt và bố cục, không khí sân khấu cũng rất đẹp.
* Anh có mơ ước đêm nhạc 30.000 khán giả tại sân vận động như vậy?
- Tôi nghĩ mình sẽ không làm được bởi vì dòng nhạc mà tôi theo đuổi không có tính đại chúng nhiều như chị Tâm. Nhạc của chị già trẻ lớn bé đều có thể nghe được. Đó là điều rất quan trọng.
Khi bạn tổ chức một chương trình quy tụ lượng khán giả lớn thì bắt buộc âm nhạc của bạn phải tiếp cận được nhiều tầng lớp khán giả, nhiều lớp cảm nhận âm nhạc khác nhau. Nhạc của tôi phù hợp với người này nhưng lại không phù hợp với người kia.
Có thể tôi sẽ làm ở quy mô nhỏ hơn, dưới dạng concert hay nhà hát, có không gian riêng dành cho những người yêu mến tôi và dòng nhạc của tôi.
Có thể tôi sẽ làm theo chủ đề như nhạc có đề tài xã hội, hoặc mời một vài bạn nghệ sĩ gần và đồng trang lứa. Để đi đến một concert hay live show cần cái duyên.
* Nhiều đồng nghiệp ngang tuổi hoặc ít tuổi hơn anh đều đã có live show nâng tầm vị thế. Anh tính sao?
- Về số lượng ca khúc được mọi người biết đến thì tôi cũng có đủ để làm live show rồi. Tôi muốn concert đầu tiên sẽ có chủ đề và gắn với album mà tôi đang làm mấy năm nay về đề tài xã hội, tên là Nước ngầm. Album sẽ có những bài mọi người từng nghe như Nước ngoài, Nơi dành cho các thiên thần, Miền gian khổ...
Tôi đang làm thêm 5, 7 bài nữa. Trong concert, tôi sẽ dành một chương nói về đề tài xã hội, về thân phận con người và cách tôi cảm nhận cuộc sống ngoài tình yêu. Một chương khác sẽ là những bài hit của tôi, những bài về tình yêu.
Làm nhạc về chủ đề cuộc sống tốn nhiều kiến thức và trải nghiệm. Có những bài tôi viết từ năm này sang năm khác vì muốn dưỡng thêm những trải nghiệm mới để đưa vào ca từ. Có thể giai điệu về hòa thanh phối khí đều đã xong nhưng tôi thấy một từ trong bài chưa đủ hay thì tôi vẫn để lại.
* Vì sao album lại tên là Nước ngầm?
- Album này là dự án lớn nhất và trăn trở nhất trong cuộc đời tôi từ lâu rồi. Cái tên Nước ngầm là vì tình yêu thương hay lòng tốt của con người hầu như ai cũng có nhưng thường giống như mạch nước ẩn rất sâu, phải có người, có cách để khơi ra thì mới có thể tuôn trào để lan đến người xung quanh.
Đây giống như một ước vọng của riêng tôi, rằng trong ai cũng tiềm ẩn một mạch nước ngầm và nên được khơi ra. Đôi khi ta nhìn thấy những con người cư xử cộc cằn, thô lỗ nhưng trong sâu thẳm họ có những đức tính tốt và không muốn làm hại ai.
Những người có điều kiện sống tốt hơn cũng nên nhìn ra những người xung quanh, hãy bao dung, quan tâm để lan tỏa điều đó ra.
* Có một bậc tiền bối mà anh thường được so sánh, là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Anh nghĩ sao khi có khán giả bình luận "Phan Mạnh Quỳnh là Trịnh Công Sơn của thế hệ này"?
- Không, tôi không dám nhận đâu. Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có sự uyên thâm, Nho giáo và là tinh hoa của một thời đại đặc biệt của Việt Nam. Bác chứng kiến nhiều sự đổi thay của thời đại cho nên ca từ mà bác viết ra không ai có thể làm được.
Khi đọc bình luận đó, tôi biết mình không xứng đáng, nhưng nó giúp cho tôi biết mình được kỳ vọng làm điều gì đó lớn hơn cho âm nhạc. Tôi xem đó là động lực, kim chỉ nam, mục tiêu và thậm chí là trách nhiệm. Tôi sẽ làm nhạc tiếp và cố gắng đạt được một phần nào đó như bác Trịnh Công Sơn, hay những nghệ sĩ đã gắn bó với thời chập chững của mình.
Tết này tôi làm cha
* Năm nay vợ chồng anh sẽ có em bé, xuân này khác gì xuân xưa?
- Năm nay tôi không về quê đón Tết. Lần đầu tiên trong cuộc đời đấy! Tôi chưa biết cảm giác đó nhưng ai rồi cũng sẽ có lúc phải như thế, rời bỏ gia đình lớn để lo cho gia đình nhỏ, tiếp tục vào dòng chảy xã hội loài người.
Tôi chuẩn bị rất lâu để đón em bé, từ tài chính đến sức khỏe. Chúng tôi mong bé và lên kế hoạch từ lâu nên lại càng vui. Bé lại là con đầu lòng nữa nên càng nôn nao. Đi trên xe, nghĩ về con, tôi còn làm thơ nữa.
* Anh cũng có thay đổi lớn trong cuộc sống khi gia đình nhỏ chuyển về Nha Trang sinh sống, thay vì ở Sài Gòn - miền đất hứa của âm nhạc. Vì sao vậy?
- Thời mới yêu, vợ chồng tôi hay về Nha Trang và rất thích nơi này. Khánh Vy nói hay là về Nha Trang ở, vì bố mẹ Vy ở một huyện cách đó không xa, Vy cũng học tại Nha Trang. Hai vợ chồng mới mua được một căn chung cư nhỏ nhắn thôi nhưng vui lắm. Mỗi sáng sớm, ánh nắng ban mai chiếu vào nhà.
Nhà cách biển tầm 10 phút đi xe, muốn đi ra biển lúc nào thì đi. Hai vợ chồng trải thảm nằm trên bãi cát, uống trà sữa, ngắm biển. Đi diễn ở Hà Nội hay TP.HCM thì sống ở Nha Trang đều tiện, thậm chí đi Đà Lạt diễn còn tiện hơn. Đến hiện tại, đây vẫn là sự lựa chọn đúng của tôi.
Tết này tôi làm cha
* Năm nay vợ chồng anh sẽ có em bé, xuân này khác gì xuân xưa?
- Năm nay tôi không về quê đón Tết. Lần đầu tiên trong cuộc đời đấy! Tôi chưa biết cảm giác đó nhưng ai rồi cũng sẽ có lúc phải như thế, rời bỏ gia đình lớn để lo cho gia đình nhỏ, tiếp tục vào dòng chảy xã hội loài người.
Tôi chuẩn bị rất lâu để đón em bé, từ tài chính đến sức khỏe. Chúng tôi mong bé và lên kế hoạch từ lâu nên lại càng vui. Bé lại là con đầu lòng nữa nên càng nôn nao. Đi trên xe, nghĩ về con, tôi còn làm thơ nữa.
* Anh cũng có thay đổi lớn trong cuộc sống khi gia đình nhỏ chuyển về Nha Trang sinh sống, thay vì ở Sài Gòn - miền đất hứa của âm nhạc. Vì sao vậy?
- Thời mới yêu, vợ chồng tôi hay về Nha Trang và rất thích nơi này. Khánh Vy nói hay là về Nha Trang ở, vì bố mẹ Vy ở một huyện cách đó không xa, Vy cũng học tại Nha Trang. Hai vợ chồng mới mua được một căn chung cư nhỏ nhắn thôi nhưng vui lắm. Mỗi sáng sớm, ánh nắng ban mai chiếu vào nhà.
Nhà cách biển tầm 10 phút đi xe, muốn đi ra biển lúc nào thì đi. Hai vợ chồng trải thảm nằm trên bãi cát, uống trà sữa, ngắm biển. Đi diễn ở Hà Nội hay TP.HCM thì sống ở Nha Trang đều tiện, thậm chí đi Đà Lạt diễn còn tiện hơn. Đến hiện tại, đây vẫn là sự lựa chọn đúng của tôi.
TTO - Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong vừa có một live show diễn ra vào tối 10-12 kỷ niệm 20 năm hoạt động nghệ thuật đầy cảm xúc, thỏa sức tung tẩy với Symphonic Jazz cùng những người em tri kỷ Phan Mạnh Quỳnh và TDK.
Xem thêm: mth.82800006190103202-magn-coun-hcam-uhn-tot-gnol-hnyuq-hnam-nahp/nv.ertiout