Bản quy hoạch tổng thể quốc gia 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra tại kỳ họp bất thường khai mạc ngày 5-1-2023 của Quốc hội là quy hoạch tổng thể quốc gia đầu tiên được xây dựng theo phương pháp tích hợp của Luật quy hoạch năm 2017.
- Trước đây, mỗi bộ mỗi ngành có luật riêng và có quy hoạch chuyên ngành. Ngành kế hoạch và đầu tư có Luật đầu tư, có chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; ngành tài nguyên và môi trường có quy hoạch khoáng sản, xử lý chất thải...
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành kế hoạch và đầu tư cũng chỉ là các con số chứ chưa thực sự đúng như định nghĩa của quy hoạch là phân bổ không gian lãnh thổ để phát triển kinh tế - xã hội theo từng thời kỳ.
Chính vì mỗi ngành làm quy hoạch riêng lẻ với nhau nên ngành nào cũng muốn có một quy hoạch thật hoàn hảo với nguồn vốn thực hiện khổng lồ. Trong khi thực tế, các nguồn lực tài chính có hạn nên thường không đủ kinh phí để thực hiện quy hoạch dẫn đến thiếu khả thi.
Bên cạnh đó, các ngành được quy hoạch riêng lẻ nên thường dẫn đến không thống nhất khi thực hiện. Ví dụ rõ nhất là trường hợp dự án xây dựng 120 biệt thự ở đảo Sơn Trà (Đà Nẵng).
Nhà đầu tư đã được cấp phép theo quy hoạch du lịch. Khi bắt tay vào xây dựng thì chủ đầu tư bị cơ quan bảo vệ thiên nhiên "tuýt còi" không cho phép xâm phạm hệ sinh thái tự nhiên.
Cuối cùng, dự án này phải dừng lại. Với các dự án của Nhà nước cũng thường xảy ra tình trạng tương tự: ví dụ ngành giao thông dự định xây một cây cầu qua sông.
Dự án được lập đúng quy hoạch giao thông, nhưng khi chuẩn bị khởi công thì cơ quan quản lý đê điều "tuýt còi", ngành thủy lợi có ý kiến vì chân cầu ngăn dòng chảy, ảnh hưởng đến an toàn đê điều. Vậy là cả dự án phải dừng thi công, phải thiết kế và thẩm định lại, làm chậm tiến độ dẫn đến đội vốn.
Quy hoạch ngành được xem xét độc lập thì rất lý tưởng, nhưng khi đặt cạnh các ngành khác nhau thì mâu thuẫn, xung đột với nhau. Quy hoạch tổng thể quốc gia lần này được làm theo phương pháp mới.
Các ngành chuyên môn vẫn phác thảo quy hoạch của riêng mình nhưng sau đó sẽ ngồi lại với nhau để xem xét, tranh luận dưới nhiều góc độ (chứ không phải là cộng dồn các quy hoạch ngành như cách hiểu của một số người).
Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với quy hoạch sử dụng tài nguyên đất đai, không gian… chứ không chỉ là những con số phát triển theo tính toán.
- Nguyên tắc chung là phương án quy hoạch phải mang lại lợi ích cho quốc gia lớn nhất, hiệu quả kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh tốt nhất chứ không có tiêu chí ưu tiên cho ngành nào đặt trước, ngành nào đặt sau.
Những yếu tố bảo tồn, bảo tàng, bảo vệ thiên nhiên... phải được ưu tiên, các di tích lịch sử quốc gia được bảo vệ hàng đầu và bất khả xâm phạm vì đó là những thứ không thể thay thế hay làm lại được.
Sự mâu thuẫn nhau giữa các quy hoạch ngành sẽ được hội đồng thẩm định quy hoạch và hội đồng khoa học sẽ cho ý kiến để các ngành cùng phối hợp nhịp nhàng, hài hòa và cùng phục vụ một định hướng chung. Đây chính là giá trị, ý nghĩa lớn nhất của quy hoạch tổng thể quốc gia.
Trở lại dự án 120 biệt thự ở Sơn Trà, đứng ở góc độ cá nhân của doanh nghiệp thì dự án này đem lại nguồn lợi nhuận rất tốt: bán được giá cao, cho thuê kín phòng quanh năm do cảnh đẹp, vị trí tốt.
Nhưng nhìn từ lợi ích chung của TP Đà Nẵng thì con voọc má đỏ là loài quý hiếm, quần thể voọc ở Sơn Trà là thứ có một không hai, thế giới có hàng triệu người yêu thiên nhiên muốn đến Đà Nẵng để được chiêm ngưỡng. Du khách vì muốn thăm Sơn Trà để ngắm voọc nên phải ở lại thêm một đêm tại Đà Nẵng.
Nếu mỗi năm có 1 triệu du khách đến ngắm voọc thì Đà Nẵng tăng thêm 1 triệu ngày lưu trú. Như vậy, việc giữ lại môi trường sống cho đàn voọc này có hiệu quả kinh tế cao hơn cho Đà Nẵng so với việc xây 120 biệt thự.
Các ngành ngồi lại với nhau để tính các phương án và chọn giải pháp nghiêng về lợi ích chung cao nhất, trong trường hợp này là bảo tồn đa dạng sinh học.
Nếu ngay từ đầu mà các ngành làm quy hoạch Sơn Trà theo hướng tích hợp như vậy thì doanh nghiệp đã không tốn tiền của và thời gian theo đuổi dự án.
- Vẽ ra bản quy hoạch mới là một phần, thực hiện quy hoạch mới thực sự quan trọng; mà thực hiện quy hoạch phải có đủ các nguồn vốn (vốn nhà nước, tư nhân, hợp tác công tư…).
Trước đây ngành nào cũng muốn mình phát triển tốt nhất nên sẽ đặt ra mục tiêu và những định hướng cao, trong khi khả năng đáp ứng vốn của ngân sách và xã hội có hạn nên quy hoạch không khả thi.
Khi làm quy hoạch tổng hợp, đặt các ngành cạnh nhau trong mục tiêu phát triển chung thì sẽ có sự cân đối, chia sẻ hài hòa nguồn lực giữa các ngành.
Nếu quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch các vùng, quy hoạch tỉnh được thực hiện bài bản, được cân nhắc đúng thì tính khả thi sẽ cao hơn.
- Tôi mong sẽ nhận diện đầy đủ hình hài đất nước trong tương lai theo không gian, thời gian cùng những bước đi cụ thể qua từng năm, từng giai đoạn.
Tôi nghĩ lần đầu làm quy hoạch, các cơ quan chức năng sẽ có những bỡ ngỡ, lúng túng nhất định. Qua thời gian, xã hội phát triển, tầm nhìn thay đổi thì những tiêu chuẩn, quy chuẩn, các phương án, giải pháp về đầu tư phát triển… cũng khác đi.
Như vậy, sau 5 năm, 10 năm, quy hoạch tổng thể quốc gia không còn phù hợp thì sẽ điều chỉnh chứ không phải là một bản quy hoạch bất biến. Vì vậy, việc điều chỉnh quy hoạch mỗi kỳ cho phù hợp với tình hình thực tiễn là bình thường. Đây cũng là nguyên tắc phát triển quy hoạch theo phương pháp đúng dần.
Cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) là điểm đầu trên hành lang kinh tế Đông - Tây khu vực miền Trung. Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Xem thêm: mth.52213753190103202-aig-couq-eht-gnot-hcaoh-yuq/nv.ertiout