Bảo tàng Mỹ thuật Montreal (MMFA) được thành lập vào năm 1860 ở thành phố Québec, bắt đầu trưng bày tác phẩm nghệ thuật vào cuối những năm 1880 nhờ những nhà tài trợ quyên góp. Tuy nhiên, bảo tàng dần sa sút trong những năm 1960, khi các nhà tài trợ bắt đầu rời khỏi thành phố vì lo ngại phong trào ly khai Québec. Đầu những năm 1970, bảo tàng buộc phải cắt giảm tài chính, chuyển từ cơ sở tư nhân nghiêm ngặt sang một tổ chức phi lợi nhuận bán công.
Bảo tàng từng hai lần bị trộm tấn công. Năm 1933, một kẻ trốn trong bảo tàng qua đêm đã chuyển 14 bức tranh cho một kẻ khác qua cửa sổ mở trong nhà vệ sinh nữ. Bảo tàng nhận được giấy đòi tiền chuộc 10.000 USD. Ba tháng sau, hai tờ báo lần lượt nhận được một nửa bức tranh qua đường bưu điện. Một ghi chú đi kèm cho biết nếu không trả khoản tiền chuộc bằng 25% tổng giá trị các bức tranh còn lại, chúng cũng sẽ được trả lại dưới dạng những mảnh nhỏ.
Cuối cùng điều này đã không xảy ra. Kẻ ăn cắp vặt Paul Thouin, bị bắt sau khi trộm một toa tàu chở hàng, thú nhận là thủ phạm khi bị thẩm vấn và dẫn cảnh sát đến nơi chôn giấu các bức tranh.
Năm 1960, một nhóm cướp có vũ trang định đánh cắp vài bức tranh của Van Gogh trong một cuộc triển lãm đặc biệt tại bảo tàng. Chúng thất bại nhưng kịp chạy trốn mà không bị lộ danh tính.
Vào kỳ nghỉ lễ Ngày Lao động năm 1972, bảo tàng bị tấn công lần thứ ba. Lúc này, các lãnh đạo cấp cao đều đang đi nghỉ ở nước ngoài. Bảo tàng đang trong quá trình mở rộng và cải tạo tòa nhà chính xây từ năm 1913 trên phố Sherbrooke.
Theo cảnh sát, ngay sau nửa đêm về sáng ngày 4/9/1972, ba người đàn ông tập trung trước bảo tàng, đi đến bức tường phía tây. Một người trong đó đi loại ủng chuyên dụng để trèo lên cột điện, sau đó chuyển sang một cái cây bên cạnh bảo tàng và bám lên mái nhà. Anh ta tìm thấy một cái thang và hạ nó xuống cho hai người khác leo lên.
Khi đã ở trên mái nhà, cả nhóm đi đến giếng trời được che phủ bởi một tấm nhựa trong quá trình sửa chữa. Giếng trời không được đặt bất kỳ báo động nào vì tấm nhựa đã khiến nó bị vô hiệu hóa. Nhóm trộm mở giếng trời và hạ một sợi dây nylon dài 15 m xuống tầng hai.
Chúng mất gần một tiếng rưỡi để vào được bên trong. Ngay sau đó, khoảng 1h30, một trong ba nhân viên bảo vệ trực ban chạm trán với nhóm trộm khi vào bếp để lấy trà. Chúng đeo mặt nạ trượt tuyết, liên tiếp bắn súng ngắn lên trần nhà để đe dọa và bắt bảo vệ nằm xuống sàn. Tiếng ồn kéo đến hai bảo vệ khác, nhưng đều không thể chế ngự được nhóm trộm. Cả ba bị đưa đến một hội trường, bị trói và bịt miệng.
Một tên cướp cầm khẩu súng ngắn Smith & Wesson cỡ nòng 38 đứng canh, hai tên còn lại lấy các bức tranh, đồ trang sức, tượng nhỏ từ tủ trưng bày và mang đến bộ phận vận chuyển của bảo tàng. Sau khi phát hiện một bảo vệ có chìa khóa xe tải, chúng quyết định chạy trốn bằng xe.
Ba tên thoát ra bằng một cửa phụ, nhưng chuông báo động vang lên. Chúng phải bỏ lại một nửa số tang vật, chạy bộ xuống phố Sherbrooke.
Một tiếng sau vụ trộm, khoảng 3h sáng, một bảo vệ tự cởi trói thành công và gọi điện báo cho Bill Bantey, giám đốc quan hệ công chúng của bảo tàng. Bill bảo anh ta gọi cảnh sát.
Sau khi kiểm tra các khung tranh bị gãy, các tủ trưng bày bị đập vỡ và đống lộn xộn mà nhóm trộm để lại, Bill phát hiện 18 bức tranh và 38 món đồ khác đã bị lấy mất. Họ ước tính giá trị của các tác phẩm bị đánh cắp là hai triệu USD.
Tất cả tranh bị đánh cắp là của các nghệ sĩ châu Âu từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19. Trong số 38 món đồ trang sức và tượng nhỏ, có một chiếc đồng hồ vàng thế kỷ 18 từng thuộc sở hữu của vợ ngài thị trưởng đầu tiên của Montreal, một chiếc hộp đính kim cương có chốt tráng men màu xanh của Pháp thế kỷ 19, hai mặt dây chuyền của Tây Ban Nha thế kỷ 17.
Cuối buổi sáng hôm đó, Bill tổ chức họp báo, xác định tất cả tác phẩm bị đánh cắp và mô tả cách nhóm trộm đột nhập bảo tàng. Vụ trộm được đưa lên trang nhất của nhiều tờ báo lớn khắp Mỹ và Canada vào sáng hôm sau. Cảnh sát cũng đưa ra cảnh báo với các cửa khẩu dọc biên giới Mỹ để đề phòng những tên trộm hoặc kẻ nào đó muốn đưa tang vật đến New York.
Tuy nhiên, ý đồ mượn sự chú ý từ dư luận để thu thập manh mối về nhóm cướp của cảnh sát thất bại vì hai sự kiện lớn liên tiếp xảy ra trong thời gian đó: vụ phóng hỏa ở quán Blue Bird Café ngày 1/9 khiến 37 người chết; vụ nhóm khủng bố người Palestine bắt cóc, sát hại 11 vận động viên Israel ở làng Olympic tại Munich (Đức) ngày 5/9. Kết quả là những tin tức khác về vụ trộm tranh ít được ưu tiên trên các phương tiện truyền thông.
Từ lời khai của các bảo vệ, cảnh sát biết được hai trong số ba tên trộm cao khoảng 1,68 m, hai kẻ nói tiếng Pháp và một kẻ nói tiếng Anh.
Đội điều tra nhận thấy sự tương đồng giữa vụ trộm bảo tàng với vụ trộm khác cùng xảy ra ở khu vực Montreal. Vào ngày 30/8, ba tên trộm đột nhập nhà nghỉ mùa hè của một gia đình giàu có bằng cách leo lên vách đá cao 200 m từ một chiếc xuồng máy dừng trên hồ, đánh cắp những bức tranh tổng trị giá 50.000 USD. Các nhân chứng cho biết chúng đội mũ trùm đầu, hai người nói tiếng Pháp và một người nói tiếng Anh.
Đặc điểm của những tên trộm cộng với kỹ năng leo trèo khiến đội điều tra tin rằng những tên trộm liên quan đến cả hai vụ án đều là người địa phương và có thể là cùng một nhóm. Bên cạnh đó, hiểu biết của chúng về lỗ hổng bảo mật ở giếng trời khiến cảnh sát đặt giả thuyết bảo tàng có "tay trong" hỗ trợ bọn trộm.
Tuy nhiên, sau khi điều tra tất cả công nhân liên quan, cảnh sát không tìm thấy bằng chứng họ đã truyền tin cho ai đó có khuynh hướng phạm tội. Kế hoạch trốn chạy sơ sài của nhóm trộm cũng lật đổ giả thuyết có "tay trong".
Kẻ trộm có thể đã biết hệ thống báo động ở giếng trời bị ngắt trong quá trình dò đường trước khi hành động. Khoảng hai tuần trước, có người báo cáo bắt gặp hai người đàn ông ngồi trên ghế trên mái nhà, đeo kính râm và hút thuốc. Họ tự nhận là nhân viên bảo tàng. Nhưng sau vụ trộm, điều tra viên không thể tìm thấy những chiếc ghế trên mái nhà. Tương tự, không có dấu vân tay hoặc bằng chứng nào khác được để lại trên thang hoặc dây nylon.
Điều tra viên suy đoán, những tên trộm có thể đang tìm cách bán tranh cho các nhà sưu tập tư nhân để trưng bày trong nhà. Cảnh sát gặp khó vì những kẻ buôn bán tác phẩm nghệ thuật không chịu tiết lộ thông tin kinh doanh nếu không có trát hầu tòa hoặc lệnh bắt.
Trong vòng một tuần sau vụ trộm, giám đốc bảo tàng David Carter nhận được một cuộc điện thoại được cho là của một trong những tên trộm. Một người đàn ông có giọng châu Âu khàn khàn chỉ đường cho David đến một bốt điện thoại gần Đại học McGill, tìm thấy một trong những mặt dây chuyền bị đánh cắp ở gần đó.
Ngay sau đó, một phong bì màu nâu được gửi đến bảo tàng chứa ảnh chụp những bức tranh bị đánh cắp. Những tên trộm đòi 500.000 USD, khoảng 1/4 giá trị của các tác phẩm, sau đó chúng hạ xuống một nửa.
Để chứng minh đang có những bức tranh, chúng chỉ dẫn giám đốc an ninh của bảo tàng đến tủ khóa ở Nhà ga Trung tâm Montreal, bên trong có bức "Landscape with Buildings and Wagon" của họa sĩ Jan Brueghel the Elder. Đây là bức tranh duy nhất tìm lại được trong số những bức tranh bị đánh cắp cho đến nay.
Khoảng một tháng sau, cảnh sát lên kế hoạch gài bẫy nhóm trộm bằng cách đóng giả người mua tranh, nhưng bị chúng phát hiện, dừng đàm phán.
Vài tháng sau khi bảo tàng đóng cửa để thực hiện dự án cải tạo kéo dài ba năm vào tháng 5/1973, một người gọi điện cho thành viên hội đồng quản trị của bảo tàng nói sẽ tiết lộ nơi cất giấu tranh với giá 10.000 USD. Phía bảo tàng giao tiền như thỏa thuận, nhưng không nhận lại được bức tranh nào. Từ đó không còn cuộc đàm phán nào về tiền chuộc.
Năm 1973, Bill Bantey tổng hợp thông tin chi tiết về những bức tranh bị đánh cắp bằng tiếng Anh và tiếng Pháp, phân phối rộng rãi trong cộng đồng nghệ thuật quốc tế với hy vọng các nhà sưu tập không mua tác phẩm bị đánh cắp. Bảo tàng cũng treo thưởng 50.000 USD cho ai giúp tìm lại các bức tranh.
Năm 1992, nhân kỷ niệm 20 năm vụ trộm, đài phát thanh Canada đưa tin rằng các công ty bảo hiểm ước tính giá trị của những bức tranh đã lên tới 20 triệu USD. Số tiền treo thưởng cũng được đẩy lên 100.000 USD. Phía cảnh sát Montreal tăng thêm một triệu USD tiền thưởng vào năm 1999.
Năm 2009, Giám đốc bảo tàng Paul Lavallée cho rằng có thể các bức tranh đã bị phá hủy để không bị sử dụng làm bằng chứng chống lại những người sở hữu chúng. Nhưng điều tra viên tin rằng chúng có thể đã qua tay các nhà môi giới không biết tranh bị đánh cắp hoặc không quan tâm điều này, và được bán cho những nhà sưu tập giữ chúng ở chế độ riêng tư, vì họ không thể bán ra.
Năm 2011, Bảo tàng Mỹ thuật Montreal lại bị trộm vào tháng 9 và tháng 10. Tên trộm lần lượt lấy một bức phù điêu và một tượng đá cẩm thạch được định giá tổng cộng 1,3 triệu USD. Đến 2013, cảnh sát tìm được bức phù điêu nhưng danh tính kẻ trộm và tung tích tượng đá vẫn còn là bí ẩn.
Tuệ Anh (Theo CBC, Montrealgazette)
Xem thêm: lmth.8861654-adanac-us-hcil-gneit-tehk-iort-gneig-ut-hnart-mort-uv/ten.sserpxenv