Ngày Tết khi đến Đà Lạt, nếu phố xá đông đúc quá, du khách hãy vào Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà để đi tìm những cây thông nghìn năm. Cổng vườn cách trung tâm Đà Lạt khoảng 30km.
Để tìm đến được cây thông ấy phải đến được nơi rất cao gọi là Cổng trời. Nơi đây có hàng trăm loài động, thực vật quý hiếm, đặc biệt có một cây thông hai lá cổ thụ khoảng 1.200 năm tuổi. Theo nhiều nghiên cứu, thông hai lá cổ thụ ở Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà là một trong những loài có bộ gene không biến đổi nhiều so với chính nó từ thời khủng long.
Từ cổng Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, nhóm du khách di chuyển đến xã Đạ Tông (huyện Đam Rông), để lên được đến cây thông cổ thụ, người tham quan đi qua một cánh rừng thông hai lá dẹt cổ thụ có tuổi đời từ 500 - 800 tuổi. Và cũng trong khu rừng cổ thụ này, có cây thông hai lá dẹt độc nhất vô nhị đã 1.200 tuổi.
Và không chỉ riêng cây thông nghìn năm, cả trảng rừng cổ thụ được bảo vệ nghiêm ngặt bởi tính đặc biệt của nó. Ông Trương Quang Cường, phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế rừng nhiệt đới Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, cho biết thông 2 lá dẹt khác biệt hẳn với giống thông 3 lá phổ biến, xuất hiện ở cao nguyên Lâm Viên, tập trung chủ yếu ở Đà Lạt.
“Đặc điểm dễ nhận biết nhất của loài cổ thụ này là thân cao lớn nhất khu rừng, thông 2 lá dẹt có thể cao vượt trên 50m, đường kính thân khoảng 3-4m", ông Cường nói.
Thông 2 lá dẹt được phát hiện lần đầu tiên vào cuối thế kỷ XIX bởi nhà thực vật học người Đức M. Krempfii. Đến năm 1921, nhà khoa học người Pháp H. Lecomte công bố đây là loài thông đặc hữu của Việt Nam và đặt tên là Pinus Krempfii. Đây là loài thông duy nhất ở Bắc bán cầu có lá dẹt hình lưỡi kiếm thay vì lá nhọn như mọi loài thông khác.
Trong một số tài liệu tại Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, trên đường di chuyển về phía nam, Pinus Krempfii dừng lại ở rừng mưa nóng ẩm của Lâm Đồng. Thông hai lá dẹt thu hút sự chú ý đặc biệt của giới khoa học suốt nhiều thập kỷ sau đó với những cuộc tranh cãi gay gắt về giống, loài.
Một số nhà khoa học tại Pháp và Mỹ cho rằng đó không phải là Pinus Krempfii mà là giống Ducampopinus - hóa thạch sống của một loài thực vật cổ sinh cùng thời khủng long. Các loài cây thường phát triển, tiến hóa theo thời gian, riêng với Ducampopinus Krempfii mặc dù đã tồn tại hàng triệu năm nhưng không có biến đổi đáng kể nào về gene.
Cây thông 2 lá dẹt 1.200 tuổi tại Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà được quan tâm nhất chính là cây thông 2 lá nhiều tuổi nhất Việt Nam có chu vi gốc lớn tới 7 người lớn nối vòng tay mới ôm hết, cao khoảng 30m. Phía trên là những cành cây vươn ra với đủ hình dáng, cành lá tươi tốt.
Sau chuyến đi đến Cổng trời, anh Hideo Miyoshi (tình nguyện viên Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA) bất ngờ khi lần đầu tiên chứng kiến một cây cổ thụ lớn và nhiều tuổi như vậy. Điều này giúp thu hút du khách nước ngoài quan tâm và ưa thích du lịch sinh thái gắn với cộng đồng. Sau chuyến đi, anh sẽ có bài viết giới thiệu về tuyến du lịch rất thú vị này.
Theo lãnh đạo Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, tuyến đường đi đến khu rừng nghìn năm đang được tổ chức thành sản phẩm du lịch trekking. Vườn đang phối hợp với một đối tác để đưa du khách đến tận rừng sâu để ngắm trảng rừng độc nhất vô nhị này.
Anh Ko Sa En Luy, một hướng dẫn viên du lịch người dân tộc K’Ho, cho biết anh đang được chọn là hướng dẫn viên cộng đồng của Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà. Bình thường anh làm rẫy, tham gia trồng rừng nhưng khi có khách đến thăm khu rừng thông 2 lá dẹt nghìn năm anh sẽ được cắt cử đưa khách đi.
“Kinh nghiệm đi rừng và câu chuyện của cộng đồng người Cil, K’Ho dưới tán rừng được du khách yêu thích”, anh Ko Sa En Luy chia sẻ.
Mưa kéo dài đến cận Tết khiến mai anh đào ngủ yên, không bung hoa. Tưởng rằng mùa hoa âm thầm trôi qua, nhưng chỉ vài ngày nắng, mai anh đào đã bung nở rực rỡ khắp Đà Lạt.
Xem thêm: mth.78572823142103202-man-nihgn-gnoht-mit-ab-iun-puodib-oav/nv.ertiout