Vẻ mặt hiền khô, giọng nhỏ nhẹ, nhiều người gặp ngoài đời sẽ ngạc nhiên khi biết đây là anh chàng Quỷ Cốc Tử mạnh mẽ, luôn tìm cơ hội dịch chuyển.
NẾU KHÔNG TÌM, CƠ HỘI KHÔNG BAO GIỜ ĐẾN
* Anh mới trở về từ tang lễ cố Giáo hoàng Benedict hồi tháng 1-2023, còn tháng 11-12 năm ngoái là nguyên kỳ World Cup ở Doha. Bây giờ ngồi nơi quán cà phê Sài Gòn quen thuộc, cảm xúc của anh ra sao?
- Năm qua tôi đi 11 nước, trong đó có hai chuyến sẽ nhớ suốt đời. Một là World Cup - sự kiện lớn nhất hành tinh. Hai là chuyến đi Ý dự tang lễ cố giáo hoàng. Đây là sự kiện đặc thù, có những nghi thức cổ xưa không thể thấy trong các nghi lễ khác. Đây cũng là lần đầu trong lịch sử Giáo hội, một đức giáo hoàng chủ trì tang lễ cho một cố giáo hoàng.
Tôi hài lòng với những chuyến đi trong năm qua. Có lúc tôi nghĩ không biết cơ duyên nào thúc đẩy mình có những khoảnh khắc quá đẹp với nghề như vậy.
* Có thể thấy anh rất hào hứng khi tác nghiệp World Cup. Lý do gì khiến anh quyết tâm đi như vậy?
- Chuyện tác nghiệp chính thức tại World Cup tôi đã mong ước từ 5-7 năm trước, đã lên kế hoạch và tìm cách để đi. Tôi liên hệ nhiều nguồn, kể cả thông qua nhà tài trợ và nguồn chính thức, nhưng bế tắc vì không dễ có suất đi.
World Cup lần này, tôi "ủ mưu" từ đầu năm và bắt đầu liên hệ các nơi từ 7-8 tháng trước. Tôi đã nghĩ mình không đi được, nhiều nơi đã từ chối. Cuối cùng lại lóe hy vọng.
* Thời tiết Doha nơi diễn ra sự kiện cũng khắc nghiệt. Lịch trình lại liên tục, chắc là anh vất vả để thích ứng?
- Ban ngày rất nóng, Mặt trời vừa lặn là tụt xuống cả chục độ nên tôi sốc lạnh, lại thêm thay đổi múi giờ nên khi các trận đấu diễn ra tôi rất buồn ngủ. Nhưng tôi rong ruổi nhiều năm rồi, nên thôi, lúc nào mệt thì mình tranh thủ ngủ chút.
Về chuyện ăn uống, tôi đem theo một số gia vị Việt Nam để nêm thêm vô cho… dễ ăn, đem cả thùng mì theo. Ở trung tâm báo chí có cửa hàng tiện lợi, cũng có mì gói, rồi tôi mua cam, chuối, chocolate... Một chiếc hamburger tính ra tiền Việt cỡ 500.000 đồng, nếu tôi ăn như người ta chắc… chịu không nổi (cười).
Ngày vất vả nhất của tôi là ngày diễn ra hai trận liên tục. Trận này chưa kết thúc là xách vali 20kg để kịp xe buýt qua trận kia. Lúc ngồi xe, tôi xử lý hình ảnh gửi về tòa soạn báo. Hết trận, tôi về chỗ nghỉ tầm 1h sáng, làm hình ảnh xong là 3-4h sáng.
Và không phải mình sẽ được tác nghiệp tất cả các trận. Trên tinh thần như vậy nên tôi "canh me" thêm những buổi tập, buổi họp báo để chụp ảnh. Có hôm tôi xếp hàng 3 tiếng để được vào chụp cầu thủ Messi.
* Anh có nhớ những khoảnh khắc từng siêu sao bóng đá lọt vào ống kính: Messi, Ronaldo, Mbappe, Neymar?
- Tôi mong chụp bộ tứ ngôi sao này và rất may đã được chứng kiến khoảnh khắc cảm xúc nhất của bốn người trong kỳ World Cup.
Cầu thủ Messi là lúc đăng quang, Neymar trong giây phút tột cùng đau khổ khiến tôi khóc theo. Ronaldo thì tôi rất mê, chụp được khoảnh khắc anh ấy bất lực rời sân, rồi Mbappe buồn bã trong trận tỉ số 3-3. Với họ, đó là một thất bại sau khi cố gắng hết mình.
* Chi phí anh bỏ ra cho chuyến đi này là bao nhiêu?
- Dù được hỗ trợ về vé máy bay, tôi cũng tốn hơn 200 triệu đồng. Trong đó, khi tác nghiệp tứ kết xong, nghĩ không được duyệt chụp các trận trong nữa nên tôi về Việt Nam. Về nhà nhưng vẫn nuối tiếc, tôi viết thư cho FIFA đăng ký dự trận chung kết.
Đại ý tôi viết mình "rất ao ước dự chung kết chụp thời khắc lịch sử, và tôi nghĩ rằng người Việt Nam cũng rất muốn xem những bức ảnh như vậy, có thể xem xét cho tôi hay không?".
23h hôm đó, FIFA đã… đồng ý và tôi lập tức đặt vé máy bay, từ Hà Nội sang Qatar 63 triệu đồng và mỗi ngày chỉ có một chuyến. Tôi kịp ra sân đấu trưa hôm sau 18-12, chiều dự trận cầu lịch sử.
Ngô Trần Hải An: Đi là đam mê, là công việc
* Những bức ảnh tang lễ cố giáo hoàng mà anh bấm máy, có những khoảnh khắc ấn tượng, sâu lắng. Chuyến đi Vatican với anh thế nào?
- Khi biết tin cố giáo hoàng qua đời, tôi liên hệ ngay một cơ quan báo chí Công giáo hỗ trợ giấy giới thiệu. Ổn thỏa về mặt pháp lý, rồi từ những công đoạn giới thiệu khác, tôi được ở tại nhà khách của Tòa thánh Vatican để dễ tác nghiệp, cũng như được hỗ trợ vị trí tốt dự lễ và chụp ảnh.
Mỗi sự kiện tại đây có khoảng 600 phóng viên được cấp thẻ tác nghiệp (con số Tòa thánh đưa ra) và những vị trí tác nghiệp rất hạn chế. Tổng cộng chuyến đi 5 ngày, từ tối 3-1.
* Với những chuyến đi liên tục, anh đã "đóng gói" cuộc đời trong hành lý, thủ tục, thiết bị… lúc nào mà nhanh vậy?
- Tôi có thói quen luôn xin sẵn visa các nước quan trọng, khi có sự kiện nào đó sẽ "chạy" cho kịp: Mỹ, Úc, châu Âu, Nhật Bản… Tôi cũng chuẩn bị xin visa New Zealand để dự chung kết FIFA World Cup bóng đá nữ 2023. Tôi luôn có kế hoạch trước.
Đi là đam mê, là công việc nên tôi luôn sẵn sàng, như người ta xách cặp tới văn phòng thì mình kéo vali tới sân bay.
* Chuyến đi đến khu ổ chuột ở Mumbai (Ấn Độ) hồi tháng 10-2022, anh có lường trước những nguy hiểm?
- Chuyến đi này tôi ấp ủ khá lâu rồi, do trước đây xem phim "Triệu phú khu ổ chuột". Nhân một hãng hàng không muốn giới thiệu đường bay, tôi đã gợi ý chọn Mumbai. Tôi không đi kiểu du lịch, mà muốn khám phá đời sống người Ấn nơi này.
Tôi đặt một công ty du lịch tại Mumbai lo chuyện ăn uống, đi lại. Đến khu ổ chuột, người hướng dẫn không muốn vào và tôi tự tìm người dẫn đường. Cuối cùng tôi tìm được người có gia đình nhiều đời ở khu này.
Mình đi nhiều nơi thì sẽ hình thành linh tính, kinh nghiệm. Trò chuyện với anh chàng dẫn đường, tôi tin là mình có thể vào. Tôi cũng có vài biện pháp an toàn, như rủ người dẫn đường selfie rồi gửi cho người nhà, báo cho bạn bè lộ trình của mình, hoặc chụp những ảnh chứa thông tin (địa chỉ, khu vực)…
Các chuyến đi tôi đều bật chế độ "Dòng thời gian" trên Google Maps. Đi đâu, làm gì ứng dụng sẽ lưu giúp tôi thông tin, thống kê số chuyến. Và cũng là cách "nói có sách, mách có chứng", chứ không người ta kêu mình "nổ".
HY VỌNG TRONG NỖI BUỒN, RẠNG RỠ TRONG NIỀM VUI
* Anh có chia sẻ rằng khi đến những khu ổ chuột, anh chú ý chụp nụ cười thay cho những nét tăm tối. Đó có phải là cách anh nhìn ngắm cuộc sống?
- Từ trước đến nay tôi chụp ảnh luôn lưu tâm những nét chấm phá tích cực, tìm hy vọng trong nỗi buồn và nếu là niềm vui thì làm sao cho nét vui ấy rạng rỡ nhất. Đứa bé đang ngồi ủ rũ tôi sẽ không chụp, mà chụp lúc em đánh răng, đùa giỡn.
Đôi khi có những khoảnh khắc mình không thể thay đổi được, phải giữ nguyên hiện trạng. Có những bức ảnh cần phản ánh đúng điều đang diễn ra, như nỗi đau trong những ngày COVID-19 tại quê hương mình chẳng hạn.
* Và cứ như vậy, anh đã tạo nên những điều thú vị cho cuộc sống của mình?
- Tôi từng đi Triều Tiên, sau một ngày nhà lãnh đạo Kim Jong Un thử tên lửa. Hoặc tôi đi Israel và Palestine vì muốn tìm hiểu cuộc sống của hai dân tộc xung đột lâu năm.
Tại quê nhà, tôi cũng tìm những điểm đặc biệt, như đã hoàn thành đi 11 điểm định vị lãnh hải Việt Nam trong 11 năm, đi Trường Sa, và nhiều nơi khác.
Tôi không muốn đóng đinh suy nghĩ của mình, nên hay lần mò tìm nơi rong ruổi. Tôi muốn có cảm nhận riêng để thay đổi con người tôi.
TỪ GÁC XÉP Ở PHỐ NÚI B’LAO CHU DU KHẮP CHỐN
* Anh có phải là người sống hoài niệm? Anh có thường nhớ về cuộc sống ngày nhỏ, vì rất nhiều người cho biết thời thơ ấu in dấu trong họ đậm sâu lắm…
- Ngày nhỏ tôi ở Bảo Lộc. B’lao của tôi chỉ là một phố núi nhỏ tí tị tì ti. Nhà tôi cũng không phải có điều kiện. Lúc đó tôi đâu nghĩ mình có nhiều cơ hội bước ra thế giới như vậy, đâu nghĩ rằng có ngày sẽ đứng đối diện cựu tổng thống Mỹ Obama, hay những nguyên thủ khác, những nơi chốn khác…
* Anh đi nhiều nơi, vậy những khi thư thả, khung cảnh nào anh nhớ nhất?
- Cảnh ở nhà. Đi muôn nơi để nhớ một chốn quay về. Cứ đi xong tôi lại muốn về nhà. Hồi nhỏ tôi sống trong căn nhà gỗ, có gác xép.
Ngôi nhà bây giờ nhìn mắc cười lắm, xung quanh xây hết nhưng vẫn giữ gác xép theo ý tôi. Ngày nhỏ tôi hay lên chơi, cất giữ những món kỷ niệm, sách vở, viết nhật ký… Tôi và mẹ có lẽ là những người sống hoài niệm. Tờ báo tường đã 20 năm nhưng mẹ vẫn còn treo.
Tôi mê đọc sách và những cuốn sách từ xưa vẫn còn giữ nguyên, cùng một bộ sưu tập tem. Tôi mua máy ảnh đầu tiên là một chiếc máy phim, năm 2000.
* Anh có tưởng tượng 20 năm nữa mình sẽ trở thành thế nào không. Vẫn là một Quỷ Cốc Tử hào hứng dang rộng tay như trong logo hình của mình?
- Nếu như mọi thứ vẫn tốt, còn nếu… thời thế, kinh tế không tốt thì tôi vẫn duy trì cách sống thế này, vẫn có những chuyến đi nhưng thu nhỏ lại. Tôi thích có homestay ở quê nhà. Còn con gái tôi, tôi sẽ tìm cách để bé được đi đây đi đó.
Tôi thích làm việc, đôi khi cũng mệt. Nhưng cái kiểu mệt với điều mình thích vẫn dễ chịu hơn. Nghĩ tới điểm đến của hành trình sẽ cho tôi động lực.
* Là một KOL với hơn 114.000 người theo dõi trang cá nhân, anh có còn dành thời gian cho những chuyến đi "riêng một góc trời"?
- Tôi đủ trải nghiệm để có thể kết hợp những chuyến đi vừa có tính thương mại vừa có nét riêng mình. Tôi có những hãng tài trợ vé máy bay, thiết bị… cho nhiều chuyến đi.
Nhưng với những sự kiện mang ý nghĩa nhân văn, tôi tự bỏ tiền ra, vì sẽ rất phản cảm nếu ngỏ ý với đơn vị tài trợ. Nếu là khoảnh khắc có một không hai, tôi chấp nhận tốn kém để trải nghiệm.
Thu nhập của tôi vì vậy không quá rủng rỉnh nhưng tương đối thoải mái. Ví dụ một năm chi ra 500 triệu thì tôi kiếm 800 triệu là được rồi. Chắc tôi cũng có tính nghệ sĩ (cười). Ừ thì phải có chất của mình, nếu không sẽ… giả trân.
* Những điều anh viết ra thường lan tỏa năng lượng tích cực. Anh nghĩ thế nào khi mọi người nhận xét anh là người truyền cảm hứng?
- Vui, nhưng tôi thích mọi người nghĩ "Ôi, đọc cái này của Quỷ Cốc Tử hay quá" chứ không phải nhắc về mình như một người gây sự chú ý.
Tôi cũng lăn lộn trong đời rồi, nên thích chia sẻ, tham gia những hoạt động dành cho giới trẻ. Tôi hay có những workshop về nhiếp ảnh, nhưng ít khi nói về kỹ thuật, mà về góc nhìn truyền cảm hứng giữ lại khoảnh khắc độc đáo, cách tiếp cận nhân vật như một người bạn…
Nếu chia sẻ của tôi giúp người khác đi nhanh hơn thì quá vui. Và hình như khi mình chia sẻ nhiều cũng sẽ nhận được nhiều.
* Anh tham gia khá nhiều chương trình kích cầu du lịch và bảo vệ môi trường. Đó có phải là một hướng đi của anh?
- Đúng. Tôi có tình yêu với môi trường, đã tham gia các chiến dịch của WWF, Google, IUCN… Tôi cũng có kế hoạch đến Nam Cực chụp hải cẩu, chim cánh cụt hoàng đế, cá voi…
* Anh có hài lòng những bức ảnh của mình?
- Tôi không phân rõ định nghĩa ảnh du lịch hay đời sống. Tôi thích ghi lại khoảnh khắc mình hiện diện ở đó. Ảnh của tôi có lẽ chưa xuất sắc như các nhiếp ảnh gia chuyên về mảng, như thể thao, du lịch, nhưng tôi nghĩ trong đó chứa tình cảm của mình. Tôi chỉ cắt cúp hoặc chỉnh đậm hơn nếu màu nhạt, không tẩy sửa nên nếu bạn xem kỹ sẽ thấy có cả… rác trong ảnh.
Mùng 5 Tết Quý Mão, blogger du lịch Ngô Trần Hải An (sinh năm 1981) sẽ bay đến Fukushima (Nhật Bản), sau đó 31-1 dương lịch sẽ bay đi Ý, rồi về đi Úc. "Tôi có nhiều dự định cho năm 2023, kể cả sẽ đăng ký tác nghiệp ở một số liên hoan phim quốc tế", anh chia sẻ.
Thành Đoàn TP.HCM chính thức công bố 12 bạn trẻ tiêu biểu trên các lĩnh vực và được trao danh hiệu 'Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM' năm 2022.
Xem thêm: mth.13120302142103202-ev-yauq-nohc-ohn-ed-ion-noum-id-na-iah-nart-ogn-reggolb/nv.ertiout