Mai Văn Thi quê huyện Nga Sơn, Thanh Hóa, từng bị kết án 5 năm tù về tội Trộm cắp tài sản. Đầu những năm 1990, khi được tự do ở tuổi 33, ông ta rời gia đình, vào miền Nam bắt đầu cuộc sống mới. Sau thời gian dài lưu bạt khắp nơi, Thi dừng chân ở xã Đa Kai, huyện Đức Linh, Bình Thuận để làm thuê.
Ngày 29/6/1997, trong cuộc hỗn chiến khi ăn nhậu làm 2 người chết, 4 người bị thương, Thi là nghi phạm gây án số một song trốn biệt tích, bị truy nã toàn quốc về tội Giết người.
Sau thời gian dài mất dấu nghi phạm, năm 2022, Phòng truy nã, truy tìm thuộc Cục Cảnh sát hình sự (Phòng 10, C02, Bộ Công an) vào cuộc truy bắt. Sau thu thập tài liệu, trinh sát phòng 10 xác định Thi đã bắt xe khách vào Đồng Nai, Lâm Đồng. Một thời gian sau, ông ta ra khu vực bờ biển tỉnh Bình Thuận làm nghề chài lưới thuê, sống chủ yếu trên biển với thân phận mới.
Có lần, thuyền đánh cá bị lật do bão lớn khiến nhiều thuyền viên tử nạn nhưng Thi và một số người khác sống sót. Sau chuyến tàu định mệnh đó, Thi được một người cùng đoàn giới thiệu về Tuyên Quang làm ăn.
Dấu vết đến đây lại đứt đoạn. Tổ công tác phòng 10 lại lên đường về quê gốc của Thi ở huyện Nga Sơn, Thanh Hóa tìm manh mối. Tuy vậy thông tin chỉ đủ khẳng định ông ta không ở quê nhà. Vợ con không rõ Thi ở đâu, còn người bạn thân nhất chỉ phán đoán "nghi phạm đang sống ở một tỉnh phía Bắc".
Phạm vi truy tìm được thu hẹp hơn, tập trung chính ở Tuyên Quang. Tài liệu trinh sát sau đó thể hiện, đầu năm 2000, Thi lên huyện Sơn Dương, Tuyên Quang sinh sống và lấy tên là Nguyễn Văn Điệp, nói sinh năm 1951, quê Quảng Ngãi.
Ở đây, ông ta lấy vợ mới và sống bằng công việc như bảo vệ, phát nương rẫy, trồng cam... Tâm sự với mọi người, Thi bảo quê Quảng Ngãi, bố mẹ đã chết và thường kể chuyện đắm thuyền để tạo lòng tin. Hơn nữa, ông ta ít tiếp xúc với người ngoài mà sống khép mình ở khu vực miền núi.
Tuy vậy, nơi ở chính xác của Thi vẫn là một ẩn số. Tổ công tác lại di chuyển lên xã Kháng Nhật, huyện Sơn Dương, rà soát hàng trăm trường hợp nghi vấn; tập trung vào những người quê Thanh Hóa sinh sống ở đây, có độ tuổi, hình dáng tương đồng.
Khi nhận diện qua bản ảnh đen trắng, một người nhận ra nhân vật trong ảnh nhưng khẳng định không phải tên Thi mà là Điệp và sinh năm 1951 chứ không phải 1956. "Trên tay ông ta có hình xăm con rồng nhưng rất xấu, đúng không", đại úy Đinh Viết Chiến (trinh sát phòng 10) hỏi. "Chính xác", người nhận dạng nói và miêu tả về chỗ làm việc hiện tại của Thi.
Từ đây, trinh sát xác định Thi làm bảo vệ cho một trang trại nuôi lợn, ở khu vực miền núi heo hút của huyện Sơn Dương. Ở đây, đường đi hiểm trở, lại đa số là dân bản địa nên trinh sát vây bắt công khai sẽ bại lộ.
Chiều 26/11/2022, tổ công tác phòng 10 của gồm trung tá Hoàng Hoài Nam, trung tá Phạm Ngọc Viết và đại úy Chiến lên đường. Trong vai các thương lái, trinh sát tiếp cận trại lợn nhưng bất thành.
Sau vài giờ thương thuyết, bảo vệ của trại đồng ý cho gọi Thi ra với lý do đổi ca. Vừa giáp mặt, đại úy Chiến khẳng định ngay đây là mục tiêu theo đuổi nhiều ngày qua dù thời gian làm nét mặt có nhiều thay đổi. Nhưng để củng cố thêm thông tin, tổ công tác chỉ lấy lý do mời lên làm việc để đưa về trụ sở công an phường sở tại.
Tại đây, bất ngờ đại uý Chiến lớn giọng gọi: "Mai Văn Thi". Nghi phạm lập tức ngẩng đầu rồi lại vội cúi gằm mặt, nhưng vẫn khẳng định mình là Điệp, không phải Thi. Các bằng chứng về nhân thân lai lịch, gia đình được trinh sát đưa ra. Cùng lúc, cảnh sát gọi video cho người vợ đầu của Thi ở Thanh Hóa để nhận diện. Lúc đó, nghi phạm 66 tuổi mới nhận tội.
Đại tá Trần Ngọc Cường, Trưởng phòng truy nã, truy tìm, cho biết, từ 15/11/2022 đến nay, phòng đã bắt được 52 tội phạm truy nã, trong đó Thi là một trong những người "tốn nhiều công sức" nhất.
Xem thêm: lmth.2108554-iougn-teig-mahp-ihgn-auc-nahp-naht-uaig-teyuq-man-52/ten.sserpxenv