Chia sẻ trên báo Giao thông, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo Thông tư 65/2020/TT-BCA của Bộ Công an, CSGT được quyền yêu cầu dừng xe nếu trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Tuy nhiên, có 3 trường hợp dù không phát hiện vi phạm, CSGT vẫn được quyền dừng xe:
Một là khi thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Hai là, khi có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp.
Ba là, khi có tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Luật sư Cường nhấn mạnh, CSGT chỉ được yêu cầu dừng xe để kiểm tra giấy tờ, nếu những tài xế và phương tiện không vi phạm sẽ được mời tiếp tục tham gia giao thông, và quy trình này thường rất nhanh gọn, hầu như không ảnh hưởng đến quá trình tham gia giao thông, do đó các tài xế nên hợp tác vì nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!