vĐồng tin tức tài chính 365

Lòng tham của gã thợ mộc gây ra vụ vỡ hụi chấn động Trung Quốc

2023-01-25 04:12

Lý Thất Phong là thợ mộc nổi tiếng ở huyện Nhạc Thanh, tỉnh Chiết Giang vì tay nghề cao hiếm có, tính hiền lành, uy tín cao. Đầu những năm 1980, Phong biết đến mô hình "tài hụi", hiệp hội hỗ trợ kinh tế cộng đồng, qua một người bạn, được người này khoe có thể kiếm rất nhiều tiền.

Theo đó, một người có uy tín sẽ đóng vai trò khởi xướng và mời thành viên tham gia góp hụi. Tất cả người tham gia tài hụi phải đóng tiền trước, chủ hụi gom lại rồi đưa tiền cho thành viên có nhu cầu. Người nhận phải trả lãi.

Phong thấy hay, về làng khởi xướng mô hình này; lúc đầu chỉ phát triển trong một số ít người, góp tiền, giúp đỡ lẫn nhau lành mạnh. Song Phong tham vọng lớn, giương khẩu hiệu: "Trăm người, mỗi người một trăm nhân dân tệ, một trăm hụi mới mỗi tháng".

Từ đây, mỗi người cần trả 11.600 nhân dân tệ trong tháng đầu tiên để trở thành "hụi viên". Sau hai tháng, "hụi viên" có thể nhận được 9.000 nhân dân tệ tiền lãi mỗi tháng và tiền gốc trước đó vẫn là của họ. Sau một năm, "hụi viên" chỉ cần trả 3.000 nhân dân tệ mỗi tháng để tiếp tục hưởng lãi suất 9.000 nhân dân tệ mỗi tháng.

Dù 11.600 nhân dân tệ là số tiền lớn vào thời điểm đó. Nhưng khoản lãi tháng 9.000 nhân dân tệ đã thực sự khiến nhiều người mờ mắt. Có uy tín ở địa phương, Phong được vô số người tìm đến. Họ dè dặt hỏi "liệu chắc không?", và được Phong vỗ ngực đảm bảo. Mấy lời này của Phong đóng vai trò rất lớn khiến người nào cũng vững lòng vững dạ tìm cách xoay sở đủ 11.600 nhân dân tệ để trở thành "hụi viên".

Nhà Phong lúc nào cũng nườm nượp người mang tiền đến xếp hàng đợi đăng ký, không chỉ người ở Nhạc Thanh mà khắp vùng lân cận. Mỗi người nộp tiền xong sẽ nhận thẻ thành viên và một cuốn sổ bằng bàn tay, ghi thông tin hụi viên và lộ trình nhận lãi, đóng dấu riêng có chữ ký của Phong để hai tháng sau mang đến nhận lãi.

Các sổ hụi viên được người dân giữ lại làm bằng chứng sau vụ án. Ảnh: The paper

Các "sổ hụi viên" được người dân giữ lại làm bằng chứng sau vụ án. Ảnh: The paper

Ngoài vợ chồng Phong, tổ hụi còn có 3 kế toán, 5 thủ quỹ và 4 vệ sĩ. Sự phát triển của "tài hụi" ngày càng nhanh và phí thành viên ngày càng được đẩy lên.

Có người ở huyện Thái Châu thuê hẳn thuyền mang 760.000 nhân dân tệ đến gửi hụi ở chỗ Phong. Trước việc ùn ùn mang tiền đến, Phong thậm chí không có thời gian đếm tiền, vì vậy anh ta chỉ lấy thước để đo hoặc lấy cân để cân.

Khi phí thành viên tăng lên, Phong cũng tạo cơn sốt ảo, khiến việc trở thành hụi viên ngày một có vẻ khó khăn, đặc quyền. Nhiều người thậm chí còn phải hối lộ, tặng quà, sản vật hàng chục nghìn nhân dân tệ để được Phong "cho phép đóng tiền" đăng ký hụi viên.

Phong lập các tổ hụi nhỏ dưới quyền, chỉ định nhiều trưởng hụi cấp hai, cho phép tự do phát triển tổ hụi với điều kiện phải chia phần trăm cho mình.

Năm 1986 ở Nhạc Thanh có tổng 1.346 tổ hụi và tổ lớn nhất đã lên tới hơn 12.000 người. Giai đoạn 1985-1987, hơn 300.000 người ở 9 quận Ôn Châu đã tham gia. Số tiền thanh toán cho thành viên lên tới 1,2 tỷ nhân dân tệ và ngày càng có nhiều biến thể của chơi hụi, như hụi ngắn, hụi siêu ngắn, hụi trọn đời, hụi hai thế hệ, hụi thừa kế...

Khi này, mô hình bắt đầu bộc lộ bất trắc khi phần lớn mọi người đều đổ tiền vào mong nhận lãi, không mấy người muốn vay. Việc trả lãi 9.000 nhân dân tệ cho mỗi hụi viên dần khó có thể duy trì. Mô hình kim tự tháp của Phong lấy tiền người sau trả người trước đứng trước bờ vực sụp đổ.

Đúng lúc này, vợ chồng Phong đột ngột biến mất không dấu vết. Người Ôn Châu rơi vào cuộc hỗn loạn chưa từng có. Hàng chục nghìn người xông tới nhà các chủ hụi đòi nợ, la hét, dọa giết, sau đó kéo nhau đến trụ sở cơ quan công quyền gào khóc.

Các cửa hàng đồng loạt đóng cửa, nhà máy ngừng sản xuất do từ công nhân, giám đốc đến bác sĩ, giáo viên, cán bộ chính quyền đều đang bận đi đòi nợ. Cuộc sống bình thường của hơn 80.000 gia đình bị gián đoạn. Hàng trăm trường tiểu học buộc phải nghỉ. Huyện Nhạc Thanh như rơi vào đại loạn.

Các hụi viên mất tiền rơi vào trạng thái tâm lý cực đoan khi trói chủ hụi vào cột, đánh và dọa giết. Văn phòng Công an huyện Nhạc Thanh thống kê hơn 1.000 chủ hụi đã bị người dân giam giữ bất hợp pháp trong thời gian này.

Ngoài ra, 200 người đã bỏ trốn, hơn 140 ngôi nhà bị phá hủy và hơn 80.000 gia đình phá sản. Nhiều chủ hụi quá sợ hãi, áp lực đã chủ động đến công an xin được vào tù nương náu.

Ngày 14/2/1986, chính quyền Nhạc Thanh vào cuộc dẹp loạn, ra thông báo nghiêm cấm các hoạt động tài chính bất hợp pháp. Công an Nhạc Thanh cùng ráo riết truy tìm vợ chồng Phong. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng vào cuộc điều tra về tài hụi của hắn.

Nhóm điều tra tìm thấy 146 hộp tiền mặt trong nhà của Phong, chứa 29 triệu nhân dân tệ và thu hồi 9 triệu nhân dân tệ các khoản vay bên ngoài của hắn. Số tiền phần nào bù đắp thiệt hại cho 300.000 nạn nhân nhưng hành vi của Phong vẫn gây thiệt hại gần 2 triệu nhân dân tệ.

Ngoài ra, một chủ hụi đầu đàn khác tên Trịnh Nhạc Phần cũng được xác định bỏ trốn trong vụ vỡ hụi tương tự. Quy mô hoạt động của Phần còn lớn hơn Phong. Ngoài thành phố Ôn Châu, Phần còn mở rộng ở Giang Tô, Sơn Đông, Tân Cương và nhiều tỉnh phía đông khác.

Chính quyền Ôn Châu và các tỉnh này đồng loạt gửi "báo động" cho chính quyền trung ương. Phần và vợ chồng Phong bị truy nã toàn quốc. Sau hơn 4 tháng trốn chạy, vợ chồng Phong bị bắt ngày 4/5/1986 ở Thiên Tân. Hai tháng sau, Phần bị tóm ở tỉnh Giang Tô. Dù vậy, tiền của các hụi viên hầu như không thể lấy lại được.

Lý Thất Phong khi bị hành quyếtm năm 1991. Ảnh: 163

Lý Thất Phong khi bị hành quyết năm 1991. Ảnh: 163

Những "con rắn đầu đàn" bị bắt nhưng việc kết tội khá khó do pháp luật Trung Quốc lúc đó chưa có quy định rõ ràng về loại tội phạm kinh tế mới này.

Trung Quốc đang trong thời kỳ cải cách hệ thống kinh tế, các hình thức tài chính tư nhân như vậy vẫn chưa thể được xác định là sai hay đúng. Thậm chí một số lãnh đạo Ôn Châu còn cho rằng kiểu hiệp hội tương trợ tài chính này đã có lịch sử lâu đời.

Cuối cùng, sau khi thảo luận chung giữa các cơ quan công quyền, ngày 12/1/1989, Tòa án Nhân dân Trung cấp Ôn Châu phán quyết vợ chồng Phong và Phần phạm tội Lừa đảo. Phong và Phần bị tuyên tử hình, vợ Phong 10 năm tù.

Hải Thư (Theo Toutiao, Zhuanlan, China Times)

Xem thêm: lmth.4579554-couq-gnurt-gnod-nahc-iuh-ov-uv-ar-yag-com-oht-ag-auc-maht-gnol/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Lòng tham của gã thợ mộc gây ra vụ vỡ hụi chấn động Trung Quốc”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools