Văn phòng của Microsoft ở Chevy Chase, Maryland (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN).
Microsoft vừa xác nhận việc thực hiện một “khoản đầu tư trị giá hàng tỉ đô la” vào OpenAI, công ty sản xuất trí thông minh nhân tạo (AI) ChatGPT. Đây được xem là màn đặt cược lớn nhất từ trước đến nay của Microsoft, vào một tương lai trong đó các hệ thống trí tuệ nhân tạo có khả năng chuyển đổi mô hình kinh doanh và sản phẩm của "gã khổng lồ công nghệ".
Chi tiết tài chính cụ thể của khoản đầu tư mới hiện chưa được tiết lộ. Tuy nhiên đầu tuần này, Microsoft cho biết công ty đang đầu tư hàng ti đô la vào một thỏa thuận sẽ kéo dài“nhiều năm”.
Financial Times dẫn nguồn thông tin từ những người đã quen thuộc với các cuộc đàm phán trước đây cho biết OpenAI đang tìm kiếm khoảng đầu tư khoảng 10 tỉ USD từ Microsoft.
Thỏa thuận được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Giám đốc điều hành (CEO) Microsoft Satya Nadella công bố kế hoạch sa thải 10.000 người lao động, tương đương gần 5% nhân viên của hãng. Việc này nằm trong nỗ lực cắt giảm chi phí khi ngành công nghệ đang đối mặt với suy thoái.
Tuy nhiên, việc đầu tư lớn vào OpenAI cho thấy Microsoft có niềm tin rằng AI sẽ là công nghệ có thể biến đổi và giúp hãng phát triển phần mềm mới "năng suất" hơn, cũng như các ứng dụng phục vụ bộ phần mềm Office. Thậm chí AI có thể giúp hãng giành thị phần từ tay đối thủ Google trong lĩnh vực tìm kiếm.
Thỏa thuận mới cũng đảm bảo vị trí của Microsoft với tư cách là nhà cung cấp điện toán đám mây độc quyền cho một trong những công ty khởi nghiệp AI hàng đầu thế giới, nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh trên nền tảng đám mây Azure của hãng.
Nadella cho biết trong một bài đăng trên blog: “Chúng tôi đã thiết lập quan hệ đối tác với OpenAI xung quanh tham vọng chung là thúc đẩy nghiên cứu AI tiên tiến, một cách có trách nhiệm."
Ông nói thêm: “Trong giai đoạn hợp tác tiếp theo, các nhà phát triển và các tổ chức trong nhiều ngành sẽ có quyền truy cập vào cơ sở hạ tầng, mô hình và chuỗi công cụ AI tốt nhất thông qua Azure, để xây dựng và chạy các ứng dụng của họ”.
Việc Microsoft đổ khoản vốn khổng lồ vào OpenAI, nhà phát triển có trụ sở tại San Francisco đứng sau chatbot ChatGPT và trình tạo hình ảnh Dall-E, là bằng chứng rõ nhất cho thấy sự hứng thú của công ty đối với các “AI thế hệ mới”, có khả năng tạo ra các sản phẩm đầu ra chất lượng cao chỉ dựa trên một vài từ ngữ, hay những hướng dẫn rất cơ bản mà con người cung cấp.
ChatGPT - về cơ bản là một chatbot cực kỳ thông minh - đã tạo ra một cơn sốt trên Internet chỉ sau một đêm khi ra mắt vào tháng 11/2022. Chatbot này đã thu hút hơn 1 triệu người dùng trong tuần đầu tiên kể từ khi ra mắt.
Nó đã được ca ngợi là một sản phẩm AI đột phá, đe dọa phá vỡ các thị trường khác nhau, từ giáo dục và truyền thông cho đến công cụ tìm kiếm của Google.
Cơn sốt xung quanh ChatGPT đã khiến các công ty khởi nghiệp về AI, trong đó có OpenAI, trở thành những doanh nghiệp rất giá trị. Họ đang tràn ngập tiền mặt, bất chấp sự suy thoái của thị trường công nghệ, đã khiến hàng chục nghìn nhân viên công nghệ mất việc làm, bao gồm cả ở Microsoft.
ChatGPT đã gây sốt ngay khi ra mắt. (Nguồn: Financial Times). |
Được biết vào năm 2019, Microsoft đã thực hiện khoản đầu tư đầu tiên, trị giá 1 tỉ USD, vào OpenAI. Khoản đầu tư nhằm đảm bảo quyền được tiếp cận đầu tiên với công nghệ AI của OpenAI cũng như thương mại hoá công nghệ này.
Sam Altman, giám đốc điều hành của OpenAI cho biết: “Microsoft có chung các giá trị với chúng tôi và chúng tôi rất vui mừng được tiếp tục hoạt động nghiên cứu độc lập, để hướng tới việc tạo ra AI tiên tiến, mang lại lợi ích cho mọi người."
Microsoft cho biết trong tương lai, công ty sẽ tăng cường đầu tư vào “các hệ thống siêu máy tính” và xây dựng cơ sở hạ tầng AI trên nền tảng Azure. Microsoft và OpenAI sẽ có thể “thương mại hóa các công nghệ AI tiên tiến một cách độc lập”.
Việc tạo và vận hành các hệ thống AI tiên tiến như ChatGPT đòi hỏi một năng lực xử lý điện toán khổng lồ. Đây là lý do khiến các công ty khởi nghiệp phải liên minh với các công ty công nghệ lớn, nhằm tránh việc phải bỏ ra những khoản đầu tư ban đầu khổng lồ, để xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu của riêng họ.