Kịch thiếu nhi "lấn" kịch người lớn
Không chỉ làm chuyện hơi "trái mùa" mà bà bầu Mỹ Uyên của Nhà hát kịch 5B còn "cả gan" để vở kịch thiếu nhi Đại náo long cung (tác giả: Vương Huyền Cơ, đạo diễn: Bảo Chu) là vở "đinh" và còn sắp lịch diễn nhiều hơn cả các vở kịch người lớn khác như Tía ơi chồng con đâu, Gọi số "trúng" sô…
Và thật bất ngờ, tính tới chiều mùng 4 Tết, Đại náo long cung đã diễn được 6 suất và là vở "hot" nhất của Nhà hát kịch 5B tính tới thời điểm này.
Các suất diễn đều đạt trung bình lượng ghế từ 70 - 80% trở lên. Riêng suất 13h30 ngày mùng 4 khán phòng gần như kín chỗ, chỉ còn trống vài ghế ở trong góc.
Không chỉ riêng Đại náo long cung, các vở thiếu nhi đã diễn cả năm nay ở Nhà hát 5B cũng được sắp lịch diễn lại mùa Tết này vẫn được khán giả ủng hộ rất nhiệt tình.
Nghệ sĩ Mỹ Uyên vui vẻ cho biết do thấy Tết năm nay không có phim thiếu nhi, 5B lại có lượng khán giả kịch thiếu nhi gầy dựng từ hơn một năm qua nên Tết này chị "liều" bỏ ra hơn trăm triệu dựng Đại náo long cung và không ngờ kịch thiếu nhi lại tạo được hiệu ứng rất tốt ở điểm diễn này.
"Có gia đình 6, 7 người đi coi mà chỉ có hai cháu nhỏ. Nghĩa là cả nhà cùng nhau đi coi, thật vui và ý nghĩa" - Mỹ Uyên hạnh phúc nói.
Tết diễn kịch thiếu nhi thấy mình trẻ ra
Trong lần dựng Đại náo long cung, Mỹ Uyên đã trao cơ hội cho đạo diễn trẻ Bảo Chu. Chị và đạo diễn Chánh Trực hỗ trợ đàn em và diễn luôn cùng các nghệ sĩ trẻ để tăng sức hấp dẫn cho vở diễn.
Bảo Chu vốn có thâm niên làm kịch thiếu nhi tại Nhà thiếu nhi Tân Bình (anh là học trò của đạo diễn Hoàng Duẩn) và đây là lần đầu tiên anh đạo diễn một vở ở sân khấu lớn có bán vé. Với Bảo Chu là một áp lực lớn và anh đã cố gắng chăm chút để Đại náo long cung lung linh trong mắt trẻ thơ với hình ảnh thật đẹp của đại dương bao la.
Ở đó có những chú tôm, rùa, sứa biển, dã tràng, nàng tiên cá… Vở là câu chuyện nhắc nhở các bé và cả phụ huynh về việc giữ gìn môi trường, giữ gìn biển khơi, không nên tận diệt các nguồn lực từ đại dương.
Vì kinh phí nhà hát cũng có hạn nên cả bà bầu Mỹ Uyên, đạo diễn và các nghệ sĩ trẻ đều cố gắng tự tay làm nhiều việc để giảm được chi phí bao nhiêu hay bấy nhiêu.
Từ những trang phục cơ bản của các loài tôm cá đại dương, họ mày mò gắn kết từng phụ kiện để phục trang bắt mắt, hấp dẫn bọn trẻ. Ngay cả backgroud sân khấu họ cũng lăn ra vẽ cái này, thêm kim tuyến chỗ kia.
Sự cố gắng của họ đã được đền đáp khi vở được đánh giá là dễ thương, giáo dục nhẹ nhàng và hấp dẫn trẻ em.
Nghệ sĩ Chánh Trực cười cho biết: "Thường người ta diễn kịch thiếu nhi vào mùa hè. Giờ diễn vào dịp Tết thấy cũng hơi lạ chút nhưng thật vui và thấy mình như trẻ ra. Tôi và Mỹ Uyên nhào vô phụ các em vì mục đích chúng tôi hướng tới là phục vụ cho cả gia đình nên phải làm kịch sao cho cả ba mẹ và bé đều khoái. Nhìn cả nhà cùng đi coi kịch với nhau thật ấm áp vô cùng!".
TTO - Ấy là tâm sự của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn khi mà kịch thiếu nhi gặp khó. Như ở Hà Nội, sân khấu dành cho thiếu nhi chỉ rộ lên chừng một tuần dịp 1-6, vài ngày sau lại lắng xuống.
Xem thêm: mth.22694809152103202-b5-hcik-tah-ahn-oan-iad-ihn-ueiht-hcik/nv.ertiout