Chuyện tích sản cổ phiếu
Năm 2019, khi còn làm tại Công ty Chứng khoán KB Việt Nam, tôi đã cho ra mắt sản phẩm mang tên “stock saving” - đầu tư tích sản cổ phiếu. Một cách dễ hiểu, đây là một sản phẩm tiết kiệm bằng cổ phiếu thay vì các hình thức truyền thống như gửi tiết kiệm, vàng hay ngoại tệ.
Sản phẩm này đã có mặt tại Hàn Quốc cách đây hơn 20 năm và chứng minh được thành công khi giúp nhà đầu tư đạt lãi suất kỳ vọng lên đến 15%/năm, cao hơn nhiều so với mức lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng với mức độ an toàn đầu tư cao. Đặc biệt, tích sản cổ phiếu rất phù hợp với những nhà đầu tư không chuyên, ít có thời gian giao dịch vì không bị ảnh hưởng nhiều từ những biến động ngắn hạn của thị trường.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, CEO Finpeace |
Mặc dù vậy, thời điểm ra mắt, sản phẩm không được nhiều người quan tâm. Việc tiết kiệm bằng cách mua cổ phiếu được cho là quá phức tạp và không phù hợp với những nhà đầu tư chứng khoán tại Việt Nam, những người kỳ vọng tìm kiếm lợi nhuận qua giao dịch ngắn hạn nhiều hơn là đầu tư dài hạn.
Điều bất ngờ là tới thời điểm hiện tại, khái niệm tích sản cổ phiếu đã trở nên rất quen thuộc với nhà đầu tư chứng khoán. Thị trường giảm mạnh trong năm qua lại vô tình trở thành chất xúc tác để giới đầu tư nhận ra lợi ích của sản phẩm này. Chỉ sau khi nhận về những khoản thua lỗ lớn từ giao dịch “lướt sóng” trên thị trường, nhà đầu tư mới dần hiểu ra lợi ích của việc tích lũy cổ phiếu trong dài hạn.
Câu chuyện về tích sản cổ phiếu phần nào phản ánh xu hướng đầu tư của người Việt. Hầu hết chúng ta tìm đến đầu tư vì lời mời mọc, rủ rê từ bạn bè mà thiếu đi những hiểu biết nền tảng, những công cụ cơ bản để sống sót trên thị trường tài chính đầy khốc liệt. Những sai lầm đó thường phải trả giá bằng tiền, tài sản của chính chúng ta.
Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới ghi nhận, tiền nhàn rỗi trong dân của Việt Nam có quy mô lên tới 60 tỷ USD. Số tiền này cho thấy nhu cầu đầu tư trong xã hội vẫn còn rất lớn. Để hấp thụ được nguồn vốn này, thị trường tài chính Việt Nam đang không ngừng phát triển, tạo ra những sản phẩm tài chính mới, đa dạng và phù hợp với nhiều người hơn để thu hút dòng tiền.
Tuy nhiên, sản phẩm tài chính rất đặc thù. Việc tham gia thị trường mà thiếu đi kiến thức, thiếu người hướng dẫn có thể mang lại những hậu quả nghiêm trọng. Quay lại năm 2019, một sản phẩm tài chính khác phức tạp hơn tích sản cổ phiếu rất nhiều là trái phiếu doanh nghiệp đã bùng nổ. Môi trường tiền rẻ thúc đẩy quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng phi mã giai đoạn này, lôi kéo hàng trăm nghìn nhà đầu tư cá nhân tham gia. Đây tiếp tục là một bất ngờ bởi nếu bây giờ nhìn lại, chúng ta có thể thấy trái phiếu doanh nghiệp không phải sản phẩm quá hấp dẫn, bởi lãi suất trái phiếu thường chỉ cao hơn gửi tiết kiệm một chút, dao động quanh mức 10%/năm.
Vấn đề nằm ở chỗ, trái phiếu doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ngân hàng đầu tư, rất phức tạp và đa phần nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu mà không hiểu rõ về sản phẩm này. Hầu hết đều chỉ tập trung vào lợi ích, mà chưa đánh giá được hết rủi ro. Dưới những lời định hướng đầu tư lệch lạc từ một số công ty tư vấn, nhiều người nhầm lẫn trái phiếu doanh nghiệp là một khoản tiết kiệm ngân hàng có lãi suất cao. Mọi người chỉ tập trung vào lãi suất, mà quên mất rủi ro tiềm tàng của sản phẩm.
Đến khi lãnh đạo công ty phát hành vướng vòng lao lý vì sai phạm, công ty không đảm bảo khả năng thanh toán trái phiếu, nhà đầu tư lâm vào cảnh hoang mang, sợ hãi, không biết tìm đến ai để bảo vệ quyền lợi. Trên thực tế, các vụ đổ vỡ trái phiếu doanh nghiệp của Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát… cho thấy không ít trái chủ là người cao tuổi đã sử dụng hết tài sản tích lũy, sổ tiết kiệm, lương hưu của mình để đầu tư chỉ vì lãi suất trái phiếu cao hơn lãi suất tiết kiệm vài ba phần trăm.
Cơ hội cho người tiên phong
Các sản phẩm tài chính như chứng khoán, trái phiếu, phái sinh, chứng quyền… vốn phức tạp, đòi hỏi nhà đầu tư cần được đào tạo một cách bài bản, nắm vững về sản phẩm mới có thể tự tự tin để nhận biết các rủi ro cũng như cơ hội.
Hai thập kỷ tham gia thị trường chứng khoán và đầu tư, điều tôi nhận ra là thị trường… vẫn vậy. Dù đã tăng quy mô lên gấp hàng chục, hàng trăm lần so với trước đây, nó vẫn có xu hướng lặp lại quá khứ. Khi những con sóng qua đi, nhà đầu tư cá nhân luôn là những người chịu tổn thương nặng nề nhất. Những tổn thương này là hệ quả của tư duy đầu tư theo đám đông, sợ bỏ lỡ cơ hội mà lao vào thị trường, dù bản thân thiếu hụt kiến thức nghiêm trọng.
Ước tính, Việt Nam hiện có khoảng 6,7 triệu tài khoản chứng khoán, cho thấy nhu cầu tìm hiểu về sản phẩm tài chính của nhà đầu tư trong nước là rất lớn. Tương tự như bất kỳ thị trường nào, một sản phẩm tài chính đòi hỏi người tiêu dùng phải được “educate” - đào tạo trước khi sử dụng, đặc biệt với các sản phẩm tài chính như chứng khoán, trái phiếu, phái sinh, chứng quyền… lại càng phức tạp. Nhà đầu tư cần được đào tạo một cách bài bản, nắm vững về sản phẩm mới có thể tự tin nhận biết các rủi ro cũng như cơ hội.
Vậy ai là người sẽ nhận trách nhiệm giáo dục tài chính cho các nhà đầu tư trên thị trường? Khi một sản phẩm mới ra mắt, các tổ chức môi giới, tư vấn đầu tư thường là đơn vị đào tạo cho nhà đầu tư hiểu và sử dụng. Trong lĩnh vực tài chính, các công ty chứng khoán thường đóng vai trò tư vấn phát hành, sẽ có trách nhiệm hướng dẫn nhà đầu tư hiểu đúng về sản phẩm.
Tuy nhiên, lợi ích giữa nhà đầu tư và công ty chứng khoán không phải lúc nào cũng song hành. Trước áp lực doanh số, một số công ty có thể đưa ra định hướng bán hàng sai lệch cho nhà đầu tư, chỉ tập trung vào yếu tố có lợi mà lờ đi rủi ro đằng sau.
Để có góc nhìn cân bằng hơn, nhà đầu tư cần đến sự tham gia của những đơn vị tư vấn độc lập, tránh mâu thuẫn lợi ích giữa các bên, đó có thể là những tổ chức tư vấn đầu tư độc lập hay những tổ chức xếp hạng tín nhiệm.
Đó cũng là lý do năm 2021, tôi quyết định nghỉ việc tại công ty chứng khoán và thành lập FinPeace - một đơn vị chuyên đào tạo và tư vấn đầu tư. Thông qua FinPeace, tôi muốn truyền lại những kiến thức tài chính đến cho cộng đồng nhà đầu tư cá nhân để họ đủ kiến thức vững bước trên hành trình tài chính tự thân của mình.
Trọng tâm mà FinPeace hướng tới, đầu tiên là giúp cho mọi người hiểu được thực trạng tài chính cá nhân của bản thân, từ đó cung cấp một số công cụ để giúp cải thiện tài chính ít nhất là trong ngắn hạn.
Một tin mừng cho những nhà đầu tư bắt đầu tìm hiểu về thị trường tài chính thời điểm hiện tại, các bạn vẫn đang là những người đi đầu. Ước tính, hiện chỉ khoảng 3-5% dân số Việt Nam được trang bị kiến thức tài chính, con số quá nhỏ khi so với quy mô và tiềm năng của nền kinh tế. Cùng với đà đi lên của đất nước, đầu tư tài chính là xu hướng tất yếu và những người đi đầu chắc chắn sẽ có lợi thế.
Cuối cùng, yếu tố minh bạch không thể thiếu vai trò của cơ quan quản lý. Hoạt động giáo dục tài chính nên được kiểm soát bởi các cơ quan quản lý, cụ thể là Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước. Động thái vừa qua của các cơ quan này, từ việc lên tiếng cảnh báo rủi ro cho nhà đầu tư, cho tới việc gấp rút chỉnh sửa, xây dựng các quy định mới theo hướng chặt chẽ hơn… đang cho thấy quyết tâm phát triển thị trường vốn Việt Nam, đáp ứng các chiến lược mà Chính phủ đề ra như quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp chiếm khoảng 25% GDP, quy mô thị trường chứng khoán đạt tối thiểu 120% GDP vào năm 2030…